Dân Việt

Tết đâu có lỗi!

Nguyễn Tiến Tường 17/01/2017 06:58 GMT+7
Đến hẹn lại lên, bỏ hay lưu giữ Tết cổ truyền lại là đề tài tranh cãi. Có hai luồng dư luận, đều có những luận biện về việc giữ hay nên bỏ ngày Tết. Không biết từ khi nào, Tết trở thành sự "chia rẽ" của người Việt.

Có lẽ không cần phải nhắc lại ý nghĩa của Tết cổ truyền. Tôi chắc rằng, với mỗi người Việt đang sống đều có trong mình một dòng xúc cảm chan chứa với Tết, một dòng ký ức miên man về Tết. Tất nhiên, có một số ít người gốc đô thị, mang nhịp sống hiện đại, không mấy hào hứng với Tết. Vì nó chỉ là dịp nghỉ dài ngày dùng để đi du lịch. Số này rất hiếm.Tuy nhiên, xã hội nào cũng có và chấp nhận sự đa dạng, kể cả trong suy nghĩ.

Người ủng hộ lưu giữ Tết, chắc chắn đông hơn.Tết, không đơn thuần là không khí, là tiệc tùng, là dịp xài tiền không suy nghĩ.Tết là đoàn viên, là cốt nhục tình thâm, họ hàng được quây quần, thiêng liêng lắm. Tết đơm vào mỗi con người một xúc cảm vô tận, một nguồn năng lượng hứng khởi cho chu kỳ mới. Ngày nay, với sự đổ dồn dân số về đô thị để lại những làng quê “rỗng”, nhu cầu có Tết lại càng thiết yếu.

img

Tết là dịp để gia đình đoàn viên.

Nói đến đây, lại càng hiểu rằng sự quá tải của dịch vụ giao thông không phải lỗi của Tết. Làn sóng di cư là cội rễ của vấn đề. Hạ tầng xã hội, kinh tế chênh lệch, gia tăng dân số cơ học đô thị… mới là cội rễ vấn đề cần giải quyết. Không có Tết, thực trạng ấy vẫn diễn ra hàng ngày.

Có ý kiến của một nhà văn trẻ cho rằng, phải bỏ Tết để hội nhập.Vì Tết gây lãng phí.Tết làm cho người Việt nghèo đi vì kỳ nghỉ dài và sự uể oải sau đó.Tôi hoàn toàn không đồng thuận.Thậm chí dù đây có là quan điểm của một nhà kinh tế học thì cũng không có tính thuyết phục.

Số lượng ngày nghỉ lễ, tính cả Tết cổ truyền một năm của người Việt là 15 ngày. Con số này xếp thứ 5 thế giới. Nếu nói nghỉ lễ quá nhiều làm suy kiệt kinh tế thì Nhật Bản và Thụy Điển đã nghèo như chúng ta vì có số lượng ngày nghỉ tương tự như Việt Nam.Trung Quốc; Hong Kong thậm chí nghỉ tới 17 ngày.

Vẫn nhà văn trẻ, với quan niệm cho rằng Tết là dịp hàng hoá nằm trong kho phải đội thêm chi phí lưu kho, mỗi một ngày nghỉ là một ngày thất thoát tiền của, GDP sụt giảm.Tôi lại thấy Tết là dịp hàng hóa lưu thông đột biến. Dù có rất nhiều hiện tượng găm giá làm giá, đánh trực tiếp vào túi tiền của người dân. Đó cũng đơn thuần là vấn đề quản lý. Đóng góp của Tết vào kinh tế quốc gia là không hề nhỏ.

Tết cũng là dịp người ta đổ tội cho nhau về sự lãng phí.Đó là sự thật. Nhưng cũng có một sự thật khác là chính con người đã làm Tết bị biến dạng, mất đi nhiều ý nghĩa nguyên bản. Mỗi con người sống trên mảnh đất hình chữ S, nhất là thế hệ cũ còn vẹn nguyên một dòng chảy ký ức về những cái Tết dung dị, mộc mạc. Có người lính về thăm thành phố với nhánh lan rừng, có hương rừng già trên vai bộ đội, có hương đồng nội thanh niên xung phong, có mặt trận bình yên anh lính về thăm phố, cô gái vừa tan ca… hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp.

Cũng không cần phải nhắc lại thời bao cấp đói khổ. Con người vẫn cố có Tết, dù chỉ với cành hoa mộc mạc, chiếc bánh chưng xanh nhỏ xíu. Với mâm bánh đơn sơ nhiều nhà góp gạo thổi chung… Ngày nay, khi của nẻo dư dật, người Việt bộc lộ sự lãng phí bằng những cuộc ăn nhậu vô tội vạ. Cũng có tâm lý chung là coi Tết là dịp ăn chơi. Nhiều, rất nhiều nhà văn hóa đã và đang tiếc nuối cho văn hóa Tết cũ xưa đã dần mai một. Có những cái Tết méo mó như ngày hôm nay, nó chắc chắn đến từ sự thiếu hiểu biết và thói “vung tay quá trán” của người Việt.

Tương tự, quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi” xuất phát từ văn minh lúa nước trước đây ngày nay đã bị lạm dụng vô tội vạ. Từ lễ hội cấp địa phương đến quốc gia trăm hoa đua nở. Đến văn hóa cúng kiếng, thỉnh lộc cầu may từ Bắc chí Nam. Lịch sử nghìn năm chỉ có Tết và những lễ hội tâm linh lớn. Những lễ hội ăn theo, phô bày sự lười biếng và tham lam của một bộ phận không nhỏ người Việt ngày nay. Công việc đình trệ, công sở bỏ bê. Tất cả đều đang bị “quy tội” cho Tết mà không ai nghĩ rằng đó chính là sản phẩm của con người hiện đại. Đó là thực tế giúp chúng ta nhìn nhận rằng chính con người đã làm “biến dạng” Tết.

Bỏ hay giữ Tết cổ truyền? Đó không phải là câu hỏi lớn. Câu hỏi lớn là làm sao trả Tết về với nguyên bản thiêng liêng? Đó mới là tâm thế thực sự của một con người có trăn trở với đất nước, với thời cuộc. Chứ không phải nhân danh sự hội nhập mơ hồ để yêu cầu tước đoạt một dòng chảy cảm xúc thiêng liêng đã ngấm vào dân tộc mấy nghìn năm.