Trong cái nắng gay gắt của vùng ven Sài Gòn những ngày cận Tết, chương trình “Lời xin lỗi” đã ghi lại được hình ảnh cậu bé nhỏ thó, ốm nhắt ngồi lọt thỏm sau vài ký bồn bồn ngay ven đường Nguyễn Hữu Thọ (Nhà Bè, TP.HCM) mặt dán vào cuốn sách tập viết, lâu lâu lại ngước lên ngóng khách mua hàng.
Em Đặng Văn Sự hàng ngày ngồi tự học bên ven đường kiêm bán bồn bồn.
Đó là em Đặng Văn Sự, từ cù lao Long Hòa (Châu Thành, Trà Vinh) theo ông bà nội lên Sài Gòn mưu sinh, bỏ dở việc học hành. Cuộc sống của em là chuỗi ngày mưa nắng lay lắt bám đường bán bồn bồn.
Mẹ bỏ đi hơn 2 năm nay, cha mất sức lao động sau tai nạn giao thông. Mọi miếng ăn giấc ngủ và tương lai của em dựa hết vào sức lao động của ông bà nội vốn đã ngoài 70.
Ông Đặng Văn Khẳng (74 tuổi, ông nội của Sự) kể, trước đây ông bà làm ruộng nhưng thất bát, không đủ sống nên phải bỏ xứ đi kiếm kế sinh nhai qua ngày và lo cho đứa cháu nội khôn lớn, ấp ủ ước mơ tới trường.
Nơi trú ngụ của ông bà và đứa cháu nội là căn chòi lụp xụp vá tạm bằng những tấm bạt trống trước hở sau trong khu đất dự án bên đường Nguyễn Hữu Thọ, ngoại ô Sài Gòn.
Tuổi già sức yếu, nhưng ngày ngày ông bà vẫn đi mòn chân, cỏ sắc cắt da mới cắt được ký bồn bồn, không thì lại dắt nhau đi mò dộp hay mót từng ngọn nhãn lồng đem về cho cháu bán.
Bà Trần Thị Nghĩa, bà nội của Sự rớt nước mắt kể: “Cháu nó nói, bà nội ơi giờ con cũng ráng làm nhưng con thấy người ta học con thấy nhớ mấy bạn con quá. Cứ nói bà nội ráng cố gắng làm để có tiền cho con đi học lại”.
Nhớ trường, nhớ bạn, hàng ngày bên lề đường, cậu bé luôn cặm cụi với tập vở ôn bài. Những cuốn sách nhàu nhĩ, ố đen nhựa bồn bồn không làm giảm khát khao tới trường của em. “Mong ước lớn nhất của con là được đi học để sau này con đi làm có tiền, con nuôi ông bà”, Sự nói.
Nói về cháu nội mình, ông Khẳng ngậm ngùi: “Tôi 74 tuổi rồi, sống nay chết mai. Làm được ngày nào hay ngày đó. Chỉ thương cho cháu không được học hành, không biết tương lai sẽ ra sao”.
Cuộc sống ngày càng khó khăn, đồng ruộng bị nước mặn xâm lấn, bồn bồn cũng dần không trụ được mà cạn kiệt, hai ông bà không khỏi lo lắng cho ngày mai cháu sẽ ra sao.
Trong túp lều xiêu vẹo, nát bươm, bữa cơm chiều chỉ có con cá, trái dưa bắt được ngoài đồng đắp đổi qua ngày. Hai ông bà lom khom, đứa cháu nhỏ thó dập dềnh trong ánh đèn dầu leo lét.
Cuộc sống khó khăn, thiếu trước hụt sau không làm cậu bé nhụt chí mà vẫn ngày đêm miệt mài chong đèn sách. Không có điện thì học dưới đèn dầu, không có bàn thì kê ghế nhựa để viết. Khát khao của cậu bé khiến người xem không khỏi rơi nước mắt vì cảm phục và mến mộ em.
Đó cũng là sự động viên, niềm an ủi cho ông bà nội, “dù cuộc sống khó khăn, vất vả, không thể đùm bọc cháu như những gia đình khác nhưng mà cố gắng, nổi tới đâu hay tới đó để lo cho cháu”, ông Khẳng móm mém chia sẻ.
Cảm động trước sự hiếu thảo và khát khao tới trường của em Sự, chương trình “Lời xin lỗi” đã gửi tặng em sách bút mới để động viên em. Qua chương trình, ông bà nội cũng gửi tới người cháu những tâm sự xúc động: “Sự con, ông bà nội xin lỗi con vì hoàn cảnh không có tiền cho con ăn học, ông bà nội cố gắng làm, con ráng lên con nhé. Ông bà nội thương con”.
Với nghị lực và khát khao của cậu bé cùng sự hy sinh hết mình của ông bà nội, chương trình “Lời xin lỗi” hy vọng trong năm mới này em sẽ được đến trường như mong muốn và cuộc sống của Sự cùng ông bà sẽ bớt khó khăn, thiếu thốn hơn, để hạnh phúc được lan tỏa đến mỗi người.
“Lời xin lỗi” là chương trình truyền hình thực tế, phát sóng vào lúc 20h từ thứ Hai đến thứ Năm hàng tuần trên kênh VTV9. Đạo diễn chương trình cho biết: “Sự kiện ông Trần Quí Thanh xin lỗi người tiêu dùng và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của hàng triệu người đã thúc đẩy chúng tôi phải làm một điều gì đó để góp phần lan tỏa những tiếng nói chân thành ra khắp cộng đồng, để mọi người có cơ hội xích lại gần nhau, một khởi đầu tốt đẹp hơn”. Chương trình đang gây ấn tượng mạnh với khán giả cả nước qua câu chuyện của những số phận, những hoàn cảnh khác nhau gửi lời xin lỗi chân thành đến cha mẹ, con cái, người thân vì những thiếu sót mà mình đã gây ra với mong muốn một năm mới tốt đẹp hơn. Khởi nguồn từ clip xin lỗi của doanh nhân Trần Quí Thanh thu hút tới 7.8 triệu lượt xem và thông điệp tiếp cận tới 27,7 triệu người khác qua mạng xã hội. Trào lưu xin lỗi đã bùng lên trong dịp cuối năm thu hút sự tham gia, hưởng ứng của hàng chục triệu người với hàng vạn lời xin lỗi chân thành được gửi đi mỗi ngày vì những thiếu sót đã xảy ra với mong muốn có một khởi đầu mới tốt đẹp hơn trong năm mới. Nhiều học giả đã bày tỏ sự vui mừng về tín hiệu đầy tích cực này và hy vọng, nét tươi mới và độ lan tỏa mà trào lưu xin lỗi đang tạo ra sẽ trở thành nét văn hóa ứng xử lâu dài của người Việt. |