Dân Việt

"Chúa" đảo Bánh Sữa: Tiền "vào" nhà có đêm đến 300 cây vàng

Anh Thư 28/01/2017 13:30 GMT+7
Giữa lúc con tôm sú đang được thịnh hành, “Vua tôm miền Bắc” Đỗ Hữu Tờ (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) đã lẳng lặng nghiên cứu nuôi tu hài và nhanh chóng thành công. Tuy nhiên, năm 2012, bão và dịch bệnh khiến toàn bộ cơ nghiệp gần 100 tỷ đồng của ông đổ xuống biển. Nhưng ông không chịu lùi bước...

Xuất phát từ cảng Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh), con tàu gỗ chuyên chở khách du lịch rẽ sóng rời khỏi vịnh vài hải lý đã trở nên nhỏ nhoi, như chiếc lá trước biển cả mênh mông. Biển êm, xanh đến tận trời, sóng biển dạt dào vỗ quanh tàu. Sau gần một tiếng lênh đênh, tàu tới được đảo Bánh Sữa, mọi sự mệt mỏi như tan biến hết, chỉ còn niềm háo hức được đặt chân lên đảo. Đón chúng tôi ở từ nơi tàu cập bến, ông chúa đảo Đỗ Hữu Tờ dáng cao to, diện bộ quần áo thể thao màu trắng với nụ cười hồn hậu của người dân miệt biển, hỏi thăm đoàn khách. Tiếng là sống quanh năm ở biển đảo nhưng người ta vẫn nhận ra vẻ lãng du phong trần của người đàn ông 62 tuổi từng trải. Rồi ông dẫn chúng tôi đi quanh khu ở của hòn đảo rộng chừng 1 km2.

img

Ông Đỗ Hữu Tờ (áo trắng) cùng các nhân viên trên đảo Bánh Sữa. Ảnh: T.L

Có lẽ, phải trải qua lắm thăng trầm của đời người, ông Tờ mới có được sự điềm tĩnh hiếm hoi trước nỗi mất mát khủng khiếp ấy. Ông chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục dẫn dắt đứa thứ 4 phát triển nghề nuôi trồng và phát triển du lịch sinh thái bền vững. Ngoài  kia những con sóng vẫn ì oạp xô bờ. Biển ngàn đời vẫn thế, có lúc rất dữ dội, nhưng có những lúc rất dịu êm...

Nằm khiêm tốn trên vịnh Bái Tử Long, hòn đảo Bánh Sữa rất hoang sơ, tĩnh lặng. Khu nghỉ khang trang, tiện nghi xây dựng kỳ công trong suốt 5 năm được bày trí khá đẹp và duyên dáng với những vỏ sò, ốc..., luống rau cải trước nhà xanh rờn được chăm sóc cẩn thận, những hàng đu đủ trĩu quả, vài con gà thỉnh thoảng lại đuổi nhau tranh mồi. Tiếng là ở giữa biển khơi, nhưng ở đây cũng đầy đủ như ở đất liền. Ngồi uống trà giữa sóng nước mênh mang, tôi được nghe ông kể về cuộc đời và những năm tháng thăng trầm của mình.

Người đầu tiên đưa tôm sú ra Bắc

Sau khi đi bộ đội, ông trở về địa phương và được phân công đi học một lớp quản lý về kinh tế biển. Khi cơ chế bao cấp bị xóa bỏ, ông gom tất cả vốn liếng, vay mượn người thân bạn bè để mua một con tàu nhỏ đi thu gom tôm, cá của ngư dân, bán lại cho các cơ sở chế biến đông lạnh xuất khẩu sang nước ngoài. Những ngày tháng gắn liền với biển đảo, với cuộc sống của bà con ở vùng vịnh, ông trăn trở với những đầm tôm rộng hàng trăm ha được giao khoán chỉ vài chục triệu nhưng cũng không hoàn thành bởi người dân chỉ trông chờ vào việc khai thác tự nhiên mà không nuôi trồng theo quy mô lớn. Ông quyết tâm tìm tòi, đi lại nhiều vùng biển, tìm kiếm các mô hình nuôi thủy sản. Nhận thấy vật nuôi nổi bật nhất chính là con tôm sú giá trị kinh tế cao, lại có khả năng thâm canh, ông đã quyết tâm đem mô hình nuôi tôm sú về Quảng Ninh.

Rồi khi có cơ chế khoán đầm, ông đổ hết tài sản tích cóp được, vay mượn thêm bạn bè để nhận giao khoán 300 triệu/năm, nộp tiền hẳn một cục. Lúc đó nhiều người khuyên can, bảo ông "hâm" vì cho rằng người dân được giao khoán 30 triệu/năm mà còn không làm được, họ lo sợ tiền ông sẽ “ném xuống biển”. Nhưng trời không phụ ông, năm đầu tiên nuôi tôm sú theo lối quảng canh với gần 20 vạn tôm giống, do môi trường ao hồ còn trong sạch nên tôm lớn nhanh như thổi. Ngay từ vụ đầu tiên, ông Tờ đã thành công và thu được khoảng 2 tỷ tiền lãi. Ông đã trở thành người đầu tiên đưa tôm sú từ miền Trung ra miền Bắc. Từ đó, con tôm sú đã trở thành một trong những vật nuôi chiến lược để xóa đói giảm nghèo ở địa phương này.

Giữa lúc mô hình nuôi tôm sú đang thịnh, năm 2004 ông lại lặng lẽ đi khảo sát các vùng biển đảo Vân Đồn. Cơ duyên đến với ông khi một lần ra biển, nói chuyện với ngư dân, ông phát hiện những con tu hài được ngư dân đánh bắt lên rất to, thịt thơm ngọt, săn chắc ăn rất ngon. Nhận thấy việc nếu tu hài chỉ được khai thác nhỏ lẻ trong môi trường tự nhiên sẽ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, ông đã mang nước, cát ở vùng biển về nghiên cứu, thử nghiệm. Xác định nuôi tu hài sẽ là một nghề "hái ra tiền", sau bao chuyến thuê tàu khảo sát từng hòn đảo, đo từng ngấn nước thủy triều lên xuống ở vịnh Bái Tử Long, ông đã chọn đảo Bánh Sữa, một nơi nước êm, ít sóng gió, có cát và rặng san hô ngầm, lượng sinh vật phù du lại nhiều. Không nước ngọt, không điện đóm, không một hộ dân nào sống xung quanh, đất sát đảo ban đầu chỉ đủ dựng một cái lều, ông Tờ đã thuê người phun cát lên thành bãi, dựng nhà nép vào hang.

Ông kể, điện ban đầu chỉ là máy phát nhỏ, ngày chỉ được chạy 2 tiếng buổi tối, nước ngọt phải chuyển từ đất liền vào. Ông mua từng téc nước 200 lít, mỗi ngày mỗi người chỉ được dùng một xô nước cho việc vệ sinh cá nhân, tắm tráng và giặt giũ. Mọi thứ lúc đó khó khăn trăm bề.

Sống chết với tu hài

img

Khách du lịch tham quan đảo. Ảnh: I.T

Không những nuôi tu hài, ông Tờ còn nung nấu việc ươm giống với suy nghĩ chỉ có thể phát triển ổn định, ông bỏ trên 2 tỷ đồng để xây trại ươm. "Kỳ công nhất là chăm sóc ấu trùng, bởi phải đảm bảo chất lượng thức ăn tảo biển và điều chỉnh nhiệt độ, độ mặn của nước sao cho phù hợp" - ông kể. Nhưng xuống giống rồi, vài tháng sau, lũ tu hài tự dưng chết sạch. Ông choáng váng, bần thần mất cả tuần. Rồi ông nghe tin Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 nhân giống thành công tu hài, ông lại vay mượn tiền mua giống về nuôi. Ông áp dụng các tài liệu hướng dẫn nhưng tu hài vẫn chết.

Rồi ông nhận ra cách nuôi tu hài theo tài liệu có vấn đề, thay vì nuôi trong các giàn treo tốn kém do nhiều phao, nhiều cọc, lại bị con hà bám, cạnh tranh thức ăn, ông đã cho công nhân bỏ tu hài trong lồng chứa vụn san hô, có lưới chụp xung quanh và thả dưới sát bãi cát. Lúc này tu hài lớn rất nhanh, tự ăn phù du tự nhiên, cứ khoảng 10 - 12 tháng là có thể thu hoạch. "Tu hài được xuất khẩu, tiền vào như nước, có những đêm tiền "vào" nhà tôi 200 - 300 cây vàng là chuyện bình thường" - ông Tờ kể lại. Nhưng rồi trận bão năm 2011 tràn qua tàn phá các đảo, khu nuôi trồng thủy sản của ông tan tác bởi sóng đánh, ông thiệt hại mất vài chục tỷ đồng. Tiếp đó, năm 2012, “đại dịch” tu hài đã khiến cơ đồ nuôi tu hài gần trăm tỷ của ông đổ xuống biển. Bao nhiêu vốn liếng, bao mồ hôi nước mắt, bao những lần suýt chết vì bão, sóng biển, tất cả đã tan tành trong chốc lát.

Nhưng tất cả những điều đó không làm người đàn ông hơn nửa đời người gắn bó với biển gục ngã. Ông bảo rằng người đất biển kiên cường lắm, mất mát nhiều là vậy nhưng không gì làm chùn ý chí của ông được. Những năm gần đây, ông đã thử nghiệm và thành công giống ngao hoa. Ông đã cung cấp vài chục vạn con giống cấp 2 cho các xã đảo của Vân Đồn. Ông bảo quyết tâm vươn lên làm giàu lúc nào cũng thường trực trong ông dù ông thành công cũng nhiều, mà mất mát cũng khá lớn. Trong khu trại của ông, sức sống vẫn vươn lên mạnh mẽ, màu xanh phủ lên bất kỳ chỗ trống nào.