Làm việc với các NHTM, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, hầu hết các NHTM đều cho biết còn dồi dào thanh khoản để làm cơ sở cho việc hạ lãi suất. Nghĩa là về mặt chủ quan, “thái độ” của cả hệ thống ngân hàng đã đồng thuận trong mục tiêu hạ lãi suất trong thời gian tới.
Việc hạ lãi suất đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng. |
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các NHTM hiện vẫn đang niêm yết lãi suất huy động cho các kỳ hạn ở mức 14%. Với các khoản gửi tiền lớn, khách hàng vẫn có thể đàm phán thoả thuận với NHTM để được hưởng mức lãi suất cao từ 16 – 19% như thời điểm “cao trào” của cuộc đua lãi suất cách đây vài tháng. Việc lãi suất đầu vào chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thực sự là một trong những rào cản quan trọng khiến cho việc hạ lãi suất cho vay cũng chưa thể thực hiện được, mặc dù đây rõ ràng là mong ước của toàn bộ nền kinh tế.
Theo ý kiến của nhiều nhân viên tín dụng, khả năng hạ lãi suất vẫn khó khả thi vì thời điểm này tỷ lệ huy động vốn đang giảm, do một lượng tiền lớn được người dân rút ra đầu tư vào vàng và một lượng tiền lớn khác nằm trong bất động sản chưa rút ra được do thị trường đóng băng.
Kinh nghiệm của nhiều lần đồng thuận lãi suất trước cho thấy, kể cả khi các NHTM cam kết cùng nhau giảm lãi suất huy động thì trên thực tế mặt bằng lãi suất giữa các ngân hàng cũng không thể như nhau. Và trong bối cảnh lạm phát vẫn đang cao như hiện nay thì khả năng người dân vẫn gửi tiền tiết kiệm với lãi suất thấp hơn thời gian trước là điều khó thành hiện thực như tính toán của các ngân hàng. Khi đó, lãi suất có hạ được hay không rõ ràng không phụ thuộc vào mong muốn chủ quan của ngân hàng.
Theo thông tin từ NHNN, 7 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng cho vay là 7% nhưng vẫn cao hơn tăng trưởng vốn huy động, nên việc hạ lãi suất thời điểm này chắc chắn sẽ càng gây khó khăn cho việc huy động vốn.
Lãi suất cao cũng đang khiến các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thực sự và dường như chưa tìm ra lối thoát.
Mới đây, kết quả khảo sát của VCCI trong 6 tháng đầu năm cho thấy, đã có 3.000 doanh nghiệp tuyên bố ngừng hoạt động và 400 doanh nghiệp có báo cáo tài chính lỗ.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hạ lãi suất là cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên chỉ áp dụng với khu vực sản xuất, xuất khẩu và những doanh nghiệp vừa và nhỏ (khu vực này đang rất khó khăn nhưng lại có thực lực vươn lên), không nên áp dụng cho những doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả chấp nhận rút khỏi thị trường hoặc phá sản, những đối tượng vay tín dụng bằng mọi giá. Khi đó, lãi suất cao mới không thể tồn tại và lãi suất tín dụng mới có thể giảm và mới thực sự giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đồng thời không phải lo tới lạm phát.
Hương Thủy