Dân Việt

Giáo dục Nhật Bản nhìn từ... một giao lộ!

Hải Châu 25/01/2017 13:06 GMT+7
Đó là giao lộ cạnh khách sạn Okura Tsukura (tỉnh Ibaraki, Nhật Bản). Ở đó có các em học sinh chuẩn bị băng qua đường để vào trường cấp 1 – 2 Takezono Nishi. Những hình ảnh được PV Infonet ghi nhận sẽ cho thấy các em đã được giáo dục như thế nào!

img

Trường tiểu học quận Đài Đông... đã có lịch sử 143 năm ở Tokyo (Ảnh: HC)

Chúng tôi có dịp đi ngang qua trường tiểu học quận Đài Đông, một trong những ngôi trường lâu đời nhất Tokyo, đã có lịch sử 143 năm (được xây dựng từ năm 1874).

Anh Phan Thanh Tĩnh (Văn phòng HaNa Tour), từng tốt nghiệp chuyên ngành Nhật Bản thuộc khoa Đông Phương học của Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã có hơn 10 năm sống và làm việc tại Nhật Bản.

Hiện vợ con anh Phan Thanh Tĩnh đều sống ở Nhật Bản, các con anh cũng đều học ở các trường tại đây nên anh tỏ ra rất hào hứng khi nói về giáo dục của nước Nhật.

Anh cho hay, Nhật Bản bắt đầu phổ cập giáo dục từ năm 1872. Trước kia, học sinh Nhật Bản học tại các ngôi chùa. Từ năm 1872 thì Minh trị Thiên hoàng bắt buộc phải thành lập trường với hệ thống đào tạo rõ ràng, có Bộ Giáo dục riêng, và việc phổ cập giáo dục cấp 1 cũng được tiến hành kể từ đó.

Như nhiều trường khác ở Nhật Bản, trường tiểu học quận Đài Đông có sân chơi rất rộng rãi. Anh Phan Thanh Tĩnh cho hay, học sinh Nhật Bản cứ học xong 1 tiết lại được ra sân chơi đùa, vận động, tập thể dục.

Từ cấp 1, học sinh Nhật Bản đã được học vận động rất nhiều, ngày nào cũng phải vận động từ 1 – 2 tiếng. Học xong lúc 2 – 3h chiều, các em lại được khuyến khích học các môn ngoại khóa như âm nhạc, võ thuật, các môn bóng...

"Học sinh cấp 1 – 2 ở Nhật Bản được chú trọng học về đạo đức và thể lực hơn là trí lực, đến cấp 3 mới chú trọng học về kiến thức.

Theo quan niệm giáo dục của Nhật Bản thì cấp 1 – 2 là lúc hình thành về đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh nên các em chủ yếu được học các tiết về đạo đức, xã hội, còn đến cấp 3 mới tập trung học các môn như Toán, Lý, Hóa..." - Anh Tĩnh chia sẻ.

img

Giáo viên Nhật Bản hướng dẫn các đoàn học sinh... (Ảnh: HC)

Điều này đã được chúng tôi kiểm chứng khi vào thăm đền Asakusa Kannon. Ngay sáng thứ Hai đầu tuần đã có những đoàn học sinh Nhật Bản được giáo viên hướng dẫn vào tham quan ngôi đến cổ xưa nhất Tokyo này.

Nhìn sự hào hứng của các em, chúng tôi đều cảm nhận các em sẽ học hỏi được những điều rất bổ ích từ nơi vẫn còn lưu lại các di tích cổ và là điểm đặc biệt thu hút người dân Nhật Bản vào đêm giao thừa cũng như năm mới.

Anh Phan Thanh Tĩnh cho biết thêm, các trường học ở Nhật Bản bị cấm tuyệt đối việc cho điểm hay xếp hạng học sinh, chỉ đánh dấu A, B, C, D nhưng không được phép công bố trước cả lớp mà gửi về cho phụ huynh biết.

Để không gây áp lực cho học sinh, trong lớp học không có ai nhất, ai nhì mà tự các em cảm nhận với nhau. Giáo viên không chê học sinh mà chỉ nhận xét, đại loại như “tất cả đều tốt, chỉ cần cố gắng một chút nữa là được”!

img

vào tham quan ngôi đền Asakusa Kannon cổ xưa nhất Tokyo (Ảnh: HC)

Theo nhận xét của anh, giáo dục Nhật Bản chú trọng việc dạy về cá nhân, nhưng lại đạt được kết quả rất tốt cho cộng đồng. Ai muốn cá nhân kiểu gì cũng được nhưng không được làm ảnh hưởng đến người khác.

Ngay từ mẫu giáo, cấp 1, học sinh đã được học như thế nào là làm ảnh hưởng đến người khác. Ra đường vứt rác là gây ảnh hưởng vì làm xấu cảnh quan môi trường, lỡ có người dẫm vào đó sẽ bị ngã. Hay đứng trên vỉa hè mà đứng vào lối đi thì sẽ khiến người khác không đi lại được. Như thế là gây ảnh hưởng đến người khác.

Anh kể: “Tôi mà lỡ vứt rác ra đường thì mấy đứa con nhặt lên, bảo bố mẹ vứt rác như thế sẽ ảnh hưởng tới người khác. Tôi hỏi ảnh hưởng thế nào thì các cháu bảo vứt rác ra đường thì người khác lại phải dọn cho mình. Hoặc tôi thử băng qua đường lúc đèn đỏ thì các cháu kéo áo lại, bảo nhỡ người ta đâm phải thì lại bị liên lụy, phải đi tù này nọ. Như thế là gây ảnh hưởng đến người khác. Nghĩa là từ mẫu giáo, cấp 1, Nhật Bản đã chú trọng dạy cho học sinh những việc rất nhỏ như vậy. Anh muốn làm gì thì làm nhưng đừng ảnh hưởng tới người khác. Chỉ thế thôi!”.

img

Các em học sinh Nhật Bản tỏ ra rất hào hứng khi được đến tham quan, học hỏi tại ngôi đền này

Cũng theo anh Tĩnh, học sinh Nhật Bản được dạy không coi của chung là của riêng mình, nên không có chuyện "sau khi chụp ảnh được một cành lộc vừng quá đẹp thì vác dao chặt cây đó đi để không còn ai chụp được bức ảnh đẹp như thế nữa"!

Với học sinh Nhật Bản, các em được dạy nếu vặt một bông hoa đẹp thì tất cả những người khác sẽ không được xem. Ai cũng được giáo dục như thế từ khi còn mẫu giáo, cấp 1 nên khi thấy có người vặt hoa thì người ta phẫn nộ, lên án tại sao lại vặt bông hoa của chung? Anh vặt thì ai còn thưởng thức được nữa?

“Tôi có cảm giác quản lý xã hội của Nhật Bản thật ra là mỗi người tự quản lý chính mình có đúng không?” – Tôi hỏi anh Tĩnh. Anh đáp: “Đúng rồi! Người Nhật luôn tự ý thức về việc mình làm để không gây ảnh hưởng đến người khác. Họ tự ý thức đi xe, đỗ xe trái quy định sẽ gây tai nạn, vì vậy mà đường phố hầu như không thấy cảnh sát nhưng giao thông vẫn luôn thông suốt. Họ cũng tự ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nên đường phố lúc nào cũng sạch sẽ, từ thành thị đến nông thôn đều thế cả. Nhưng ý thức đó phải được rèn luyện từ nhỏ chứ không phải muốn là có ngay được. Tất cả đều phải bắt đầu từ giáo dục!”.

Và một lần nữa, những nhận xét của anh Phan Thanh Tĩnh đã được PV Infonet kiểm chứng vào một buổi sáng sớm ở một ngã ba cạnh khách sạn Okura Tsukura (tỉnh Ibaraki, cách thủ đô Tokyo khoảng 80km).

Ở đó có các em học sinh đang chuẩn bị băng qua đường để vào trường cấp 1 – 2 Takezono Nishi, và những hình ảnh dưới đây sẽ cho thấy các em đã được giáo dục như thế nào!

img

Sáng sớm tại giao lộ bên cạnh khách sạn Okura Tsukura (tỉnh Ibaraki, cách thủ đô Tokyo khoảng 80km) - Ảnh: HC

img

Mặc dù đường rất vắng nhưng các em học sinh không tùy tiện băng qua đường...

img

Mà tụ tập về phía đầu đường

img

Ở đó có một người cầm cờ hướng dẫn cho các em quan sát đèn tín hiệu giao thông

img

Khi đèn xanh bật lên cùng với tiếng chim báo hiệu phát ra từ loa trên trụ đèn...

img

Các em học sinh lần lượt băng qua đường trên làn dành cho người đi bộ...

img

Để vào trường cấp 1 – 2 Takezono Nishi

img

Có một em học sinh đến muộn, người hướng dẫn đã vào trường, và mặc dù đường rất vắng nhưng em vẫn đứng chờ đèn tín hiệu

img

Khi tín hiệu đèn cho phép...

img

Em liền chạy thật nhanh qua đường

img

Rồi tiếp tục chạy thật nhanh theo hướng ngược lại để vào trường cho kịp giờ!