Dân Việt

Chuyện về "đòn gánh di động" của bà con vùng cao

Gia Tưởng 20/01/2017 06:30 GMT+7
Nếu như ở vùng đồng bằng, con trâu gần như được giải phóng khỏi công việc cầy bừa, thì ở vùng cao, con ngựa thồ vẫn không thể thiếu được, bởi chỉ có ngựa mới vượt được những con đường, con dốc mà không có xe cộ nào có thể đi. Và ngựa thồ lúc nào cũng như đầu cơ nghiệp của bà con vùng cao.

Động cơ 4 chân vượt dốc

Ông Đinh Văn Thông, 65 tuổi, ở xã Bãi Đu, huyện Phù Yên, Sơn La, đã hơn 50 năm gắn bó với những chú ngựa thồ. Chúng tôi gặp ông khi ông  đang chỉ huy đội ngựa của mình chở gỗ. Ông cho biết: “Vùng cao mà không có ngựa coi như ách tắc.  Tây Bắc bây giờ tuy đã mở mang được khá nhiều đường, nhưng đường lên đồi thì hầu như vẫn giống thời nguyên thủy, không xe nào có thể lên được, chỉ có ngựa mới cõng được”.

Chỉ tay vào con ngựa trắng 4 tuổi, ông Thông cho biết: Hôm nay chúng tôi nhận tập kết gỗ từ trên đồi xuống dưới đường, đoạn đường khoảng 2km, thực chất là đi vượt qua những con dốc, và đường cánh đồng, đám ôtô, xe máy chịu không đi được, chỉ có ngựa mới cáng được thôi.

img

   Đoàn ngựa của ông Đinh Văn Thông thồ thuê cho bà con.

Đã hơn 50 năm làm bạn với những chú ngựa thồ, ông Thông cho biết, đã có hàng chục chú ngựa đồng hành cùng mình trong công việc thồ gánh thuê, nhưng ông vẫn nhớ nhất con ngựa đực tía bờm dài.

“Đó là con ngựa bố mẹ cho khi vợ chồng tôi mới lấy nhau và ra ở riêng năm 1974. Con ngựa này có bố là giống ngựa chiến lưu lạc mạn Lào Cai sang, giao phối với ngựa làng. Nó được sinh ra đã cao lênh khênh, bụng thon, ngực nở, nhưng rất hay tấn công người lạ và cả những con ngựa đực khác dám đến gần” - ông Thông kể.

Khi vào tuổi tráng niên, con tía ngựa này thuộc loại thồ khỏe nhất vùng. Trong một lần ông Thông đi thồ lúa ở trên nương về, trời tối ông chất lên lưng nó 4 bao thóc to, khoảng 2 tạ, trời tối nhưng nó đi rất nhanh.

“Tôi chạy theo cũng mệt, không may vấp phải hòn đá to, rơi từ trên núi xuống, chân bay mất cái móng ngón cái, đồng thời bong gân trật khớp cổ chân, không thể lê chân đi được. Thời đó núi rừng còn rậm rạp, trong rừng có cả gấu, hổ, đường xa không có ai để nhắn về gọi người nhà trợ giúp. Con ngựa thấy chủ đau nó ngoan ngoãn đi xuống một cái rãnh sâu, rồi đứng yên đó, hí vang liên tục. Hiểu được ý của con ngựa, tôi lê về phía lưng nó, rồi con ngựa lầm lũi cõng cả chủ và 4 bao thóc về nhà. Trên đường đi thỉnh thoảng nó lại hí vang như báo hiệu cho mọi người đến cứu giúp. Về đến đầu bản tôi được người nhà ra đón, vết thương ở chân phải mất gần 2 tháng mới lành” - ông Thông nhớ lại.

Từ khi được con ngựa tía cứu, ông Thông nhất mực chăm sóc nó, coi như một thành viên trong gia đình... Ông thông bảo, nếu không có ngựa, vùng cao này vẫn còn lạc hậu lắm, bao nhiêu tấm lợp dưới xuôi cõng lên các bản đều do ngựa, ngựa thồ vật liệu lên những bản làng của người Mông trên đỉnh núi cao mây vờn gió thổi quanh năm để xây trường, xây trạm. Ngựa còn làm nhiệm vụ đưa người bị bệnh nặng đi viện cấp cứu, tham gia công tác phòng chống cháy rừng. Đặc biệt, ngựa thồ bao giờ cũng có mặt sớm nhất ở những khu vực xảy ra lũ quét, lũ ống,  khi các phương tiện cơ giới còn đang mắc cạn nơi những con đường nhựa ở đồng bằng.

Bà Sòi Thu Hòa, 47 tuổi, người bản Bãi Đu cho biết: Nuôi ngựa ở vùng cao được lợi đủ đường, cần kíp việc gì là bà con nhảy lên lưng ngựa mà đi, ngựa tốt, chạy cả ngày cũng không mệt, đỡ được bao nhiêu thời gian đi bộ. Hơn nữa, ngựa còn thồ hàng hóa, nông sản, giúp sức con người trong sản xuất. Nhưng nuôi ngựa ngoài sử dụng làm sức thồ, kéo, hiện nay bà con vùng Phù Yên đã coi chăn nuôi ngựa là một sản phẩm hàng hóa. Ngựa cái tốt, 2 năm đẻ được một con ngựa con, bán được cả chục triệu đồng. Nếu nuôi được con ngựa to, cũng là cả một gia tài. Khi trong gia đình có việc chi tiêu, lúc nào cũng có thể bán được.

Chăm ngựa thồ đặc biệt

Vùng cao mà không có ngựa coi như ách tắc.  Tây Bắc bây giờ tuy đã mở mang được khá nhiều đường, nhưng đường lên đồi thì hầu như vẫn giống thời nguyên thủy, không xe nào có thể lên được, chỉ có ngựa mới có thể thồ”.

Ông Đinh Văn Thông

Để những con ngựa thồ đúng như những lực sĩ, làm việc cả ngày không biết mệt, anh Đinh Văn Kiên, một trong những thành viên của đoàn ngựa chuyên đi thồ thuê cho biết: Đầu tiên mình phải chọn được những con ngựa khỏe mạnh, 4 chân vững,  ngực nở và lưng vững chãi. Có như vậy khi ta đóng yên lên lưng ngựa, nó mới chịu được.

Công tác tập cho ngựa thồ cũng tương đối vất vả, với những con ngựa non, nuôi đến khoảng 2 tuổi mới mang ra vực để đi làm. Đầu tiên ta chỉ đóng yên lên lưng nó, rồi cho ngựa tập gánh khoảng 40kg, sau đó tăng dần lên, có những con khỏe có thể gánh được tới 330kg hàng. Con ngựa nào làm khó, bướng phải kéo nó xuống suối sâu đến ngang lưng để ngựa không đá, không phi được mới xếp vật nặng lên lưng nó để nó quen với công việc và hiệu lệnh của người điều khiển.

Nhưng với ngựa thồ, chế độ ăn cũng rất quan trọng, ngựa đi làm việc nặng, buổi sáng phải cho ăn ngô, cám đầy đủ, lúc giải lao, chủ phải đi cắt cỏ cho ngựa ăn. Khi đi làm không nên cho ngựa uống quá nhiều nước, vì ngựa ra mồ hôi sẽ làm yếu cơ, không thể chở hàng được. Nước uống cho ngựa cũng phải là nước suối sạch, không nhiễm bẩn, bởi ngựa rất dễ mắc giun sán và những ký sinh trùng khác.

Đối với ngựa đi làm cả ngày, tối về phải cho ăn cỏ ngon, sáng sớm phải cho ăn thêm ngô, cám, hôm nào trời rét bổ sung muối ăn cho ngựa, đặc biệt là sáng ra phải cho ngựa tự làm bài thể dục khởi động, chạy, đá và lăn đất, có như vậy ngựa thồ mới dẻo dai, mà giúp được bà con khuân hàng.

Theo ông Thông, ngựa tuy khỏe nhưng những người hiểu về ngựa thồ trên vùng cao cấm kỵ cho ngựa làm việc quá sức, vì giống ngựa khi làm việc quá sức thường rất dễ phải cảm, chỉ cần một cú ngã là chân ngựa sẽ bị tổn thương, và thường bị liệt. Lúc đó chỉ còn nước đưa vào nồi thắng cố, chứ không thể cõng hàng được nữa.

Để huấn luyện được một con ngựa thồ thạo việc và khỏe, mất đến cả năm trời. Tuy nhiên do đặc thù vùng Phù Yên, Sơn La những nương ngô, lúa rất cao và xa nên hầu như nhà nào ở vùng này cũng phải có ít nhất một con ngựa. Ngựa được ví như những đòn gánh di động giải phóng cho đôi vai mang vác của đồng bào mỗi khi mùa vụ tới.