Tôi sẽ không ngạc nhiên về ý kiến của một chuyên gia kinh tế về một vấn đề kinh tế, ít ra ở khía cạnh kinh tế - sự hoang phí những nền tảng kinh tế cho tết, rõ ràng ý kiến cũng sẽ đánh động vào tâm tư những người hoang phí cho tết vì “sĩ diện và phông văn hóa thấp”, khiến họ hổ thẹn và biết căn chỉnh sự hoang phí của mình nhằm ích nước lợi nhà.
Thế nhưng, tôi rất ngạc nhiên khi bà đưa ra những trường hợp đặc thù đã và đang hiện diện trong xã hội quy cho cái chung, cho cái toàn dân tộc và khẳng định như vậy.
Ảnh minh họa. I.T
Người Việt ăn tết âm lịch cũng như người phương Tây ăn tết dương lịch. Sự khu biệt là do những quan niệm của người Việt và người phương Tây về tự nhiên và xã hội được quy định nghiêm ngặt bởi hoàn cảnh sống, điều kiện sống của mình.
Ăn tết Nguyên đán, từ bao đời nay, đối với người Việt là một dịp vừa gần gũi lại vừa thiêng liêng mang nhiều ý nghĩa cả về đời sống hiện hữu và đời sống tâm linh.
Mỗi dịp tết đến, xuân về là dịp để mọi người tụ họp, thăm nom nhau thể hiện cái nghĩa cái tình đối với nhau.
Cái tình, cái nghĩa của người của người Việt thể hiện trong dịp lễ tết đối với nhau trong cuộc sống – xã hội không kể sao cho hết. Tuy nhiên, người Việt luôn biết “liệu cơm gắp mắm” trong cuộc sống của mình, sự đủ đầy trong ba ngày tết là sự tưởng thưởng, bù đắp cho người thân và cho chính mình sau một thời gian dài lao động cực khổ, hoặc phải bôn ba nơi xứ người để “cầu thực”.
Không phải người Việt nào cũng có thể hoang phí và biết hoang phí, dẫu biết chi tiêu, sắm sửa cho Tết không phải là một khía cạnh kinh tế đơn thuần đối với một gia đình người Việt.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.