Dân Việt

An Giang: Độc đáo ngôi làng có hàng trăm người... trùng tên

Hữu Danh 22/01/2017 14:51 GMT+7
Làng Chăm Đa Phước (An Phú, An Giang) có khoảng 3.000 người. Trong ngôi làng nhỏ xíu này, nam giới chỉ có 25 cái tên để lựa chọn. Có những cái tên phổ biến khiến cả trăm người cùng trùng tên là Du Số, Gia Cốp, Aly, Muham Mách và Sa Leh.

Dẫn chúng tôi đi thăm Thánh đường Ehsan, anh Du Số - Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam xã Đa Phước cho biết, làng Chăm Đa Phước hình thành hơn 120 năm nay, cư dân gói gọn tại ấp Hà Bao 2, dọc Quốc lộ 91C và nằm cặp theo dòng sông Hậu, tiếp giáp từ cầu Cồn Tiên hướng về trung tâm huyện An Phú. Anh là cán bộ xã, cũng là người Chăm sống lâu năm ở đây.

Nằm cách thành phố du lịch Châu Đốc chỉ một cây cầu, Thánh đường Ehsan là điểm đến của nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài, bình quân mỗi tháng có khoảng 3.000 lượt du khách đến với làng Chăm Đa Phước.

Làng Chăm Đa Phước có 2 bến thuyền phục vụ đưa, rước khách tham quan. Ở đây trưng bày các khung dệt thổ cẩm, có 2 điểm bán hàng lưu niệm là những sản phẩm truyền thống mang bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc. Bên cạnh, làng bè Cồn Tiên cũng là nơi hấp dẫn du khách tham quan vùng sông nước đầu nguồn An Phú. Hiện có khoảng 25 hộ dân sống bằng nghề đưa rước khách trên sông.

img

Ông Alydal, anh Du Số và ông Phạm Tấn Thời bên tủ sách của làng Chăm. Ảnh Hữu Danh

Anh Du Số cho biết, làng anh có cả trăm người cùng tên Du Số, hàng trăm người khác cùng chung những cái tên là Gia Cốp, Aly, Muham Mách...

Ông Alydal - Phó Ban giáo cả Thánh đường Ehsan cho biết: "Gần đây thì các tín đồ bắt đầu đặt thêm những cái tên nước ngoài nên các em nhỏ có nhiều tên hơn. Trước đây nam giới chỉ xoay quanh 25 cái tên nên từ người già đến lớp thiếu niên tên trùng nhau rất nhiều. Nữ giới cũng chỉ có một số tên phổ biến để đặt nên cũng trùng như vậy".

Ông Phạm Tấn Thời - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phước nói: "Khổ nhất là mấy anh đưa thư. Đúng tên nhưng khi phát giấy tờ, mở ra thì không phải. Để phân biệt, chúng tôi thường phải cẩn thận kèm năm sinh. Mà cũng có khi trùng. Thời gian tới công tác quản lý sẽ khoẻ hơn vì lớp trẻ bây giờ bắt đầu có nhiều tên mới rồi".

Theo Bí thư Đảng ủy xã Đa Phước Nguyễn Văn Dũng, để bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương, Đảng bộ xã Đa Phước tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc Chăm về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đặc biệt là tập trung vận động đồng bào Chăm khôi phục làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan, thêu, móc… để tạo ra sản phẩm mang bản sắc đặc trưng của người Chăm Đa Phước, đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách khi đến tham quan. Trước hết, xã sẽ chủ động kết hợp các ngành chức năng của huyện xây dựng dự án phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch làng Chăm Đa Phước. "Việc trùng tên cũng là một nét thú vị đặc sắc, không phải nơi nào cũng có" - anh Du Số nói.