Dù bố mẹ đặt tên là Giáp Thị Mẫu, nhưng vì "ké" tên con riêng của chồng mà tên của bà thành Nguyễn Thị Viết. Trong các loại hồ sơ của bà, lúc mang họ Giáp, lúc lại họ Nguyễn, năm sinh lúc ghi 1924, lúc thì 1926, có lúc lại 1930…
Theo tư liệu của NTNN, năm 1950 bà Giáp Thị Mẫu ở xã Việt Tiến (Việt Yên) về làm lẽ ông Nguyễn Văn Bẳn (thôn Nguộn, xã Tự Lạn). Lúc đấy, ông Bẳn đã có 2 con riêng là Nguyễn Văn Viết (SN 1948) và Nguyễn Văn Tô. Bà cùng chồng nuôi 2 con chồng lớn khôn.
Ở tuổi "gần đất xa trời" liệu bà Mẫu có chờ được chế độ ? |
Năm 1965, anh Viết nhập ngũ và hy sinh năm 1971. Từ đấy ông Bẳn vẫn nhận chế độ bố liệt sĩ. Điều khó hiểu là trong hồ sơ liệt sĩ xã Tự Lạn lại ghi liệt sĩ Nguyễn Văn Viết sinh năm 1947, phần tên mẹ ghi “đã chết”!
Từ năm 1997 đến nay, nhiều lần gia đình và UBND xã Tự Lạn đã làm hồ sơ trình huyện, tỉnh xem xét để công nhận bà Mẫu là mẹ kế của liệt sĩ Viết; chỉ 1 lần (năm 1997) hồ sơ đến "tay" Sở LĐTBXH, nhưng bị từ chối với lý do: Bà Mẫu chưa đủ 10 năm nuôi liệt sĩ như quy định.
Tuy nhiên lý do mà Sở LĐTBXH Bắc Giang nêu ra thiếu thuyết phục bởi lẽ từ năm 1997 đến nay, sau nhiều lần có đơn thư, huyện và tỉnh chưa từng về xã Tự Lạn xác minh hồ sơ… Sau khi dư luận lên tiếng, ngày 7.10.2011, Sở LĐTBXH Bắc Giang mới có công văn cho biết: Sở chưa nhận được đơn của bà Giáp Thị Mẫu!
Trao đổi với PV NTNN, bà Thân Thị Hường - Trưởng phòng LĐTBXH Việt Yên cho biết: Từ năm 1997, bà Mẫu đã có đơn gửi xã và huyện, chúng tôi đã có văn bản trình Sở xem xét. Nhưng do còn thiếu thông tin nên Sở trả hồ sơ về huyện, và rồi huyện trả hồ sơ về cho xã và gia đình để hoàn thiện. Sau đấy không thấy gia đình hồi âm. Mặt khác, những thông tin cá nhân của bà Mẫu không đồng nhất nên rất khó xác định. Hiện nay, chúng tôi đang củng cố hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Hiện bà Mẫu sống trong một căn nhà rách nát, không đi lại được và bị căn bệnh alzheimer nên rất cần được trợ cấp.
Trần Thụ