Dân Việt

Ăn nên làm ra nhờ vào tổ hợp tác

Lan Hương 30/01/2017 06:15 GMT+7
“Tham gia tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây, con đặc sản, không chỉ được tập huấn kỹ thuật, các thành viên còn chia sẻ, hỗ trợ nhau về kiến thức, kinh nghiệm và nhất là thị trường tiêu thụ”. Đó là chia sẻ của chị Trịnh Thị Khiếu ở thôn 12, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, Ninh Bình.

Muốn làm ăn lớn phải liên kết với nhau

Ở xã Đông Sơn, Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây, con đặc sản (THT) được thành lập vào tháng 7.2014 với 13 thành viên ban đầu. Là một trong những thành viên tích cực tham gia THT ngay từ những ngày đầu thành lập, chị Khiếu cho hay: Từ năm 2004, chị bắt đầu nuôi hươu. Ngày ấy, chị chăn nuôi theo kiểu được chăng hay chớ nên chẳng khá lên được. Có lần, do không nắm được kỹ thuật khai thác nhung hươu, chị còn làm chết hươu.

img

Tham gia các tổ nhóm liên kết sản xuất do Hội ND tỉnh Ninh Bình hướng dẫn, hỗ trợ, nhiều hội viên ND đã có thu nhập khấm khá.  Hà Thu

Hiện nay, toàn tỉnh Ninh Bình có 24.471 hộ được công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh trong những năm qua. Từ kết quả này, các cấp Hội ND tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trong hội viên, ND…”. 

Ông Đinh Hồng Thái – Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình

“Từ ngày tham gia THT, tôi được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ ND để đầu tư phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, kỹ thuật khai thác nhung hươu hiệu quả nên tôi chăn nuôi mát tay hẳn. Giờ làm chơi cũng có thu nhập khá”-chị Khiếu thổ lộ.

Với việc chăn thả 20 con hươu, 20 con lợn rừng, hàng trăm gà chọi… mỗi năm chị Khiếu có thu nhập cả trăm triệu đồng.

Còn theo bà Phạm Thị Tâm, cái được nhất khi tham gia THT là các thành viên cùng nhau liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bà Tâm trồng 1ha đào phai, nuôi 200 con lợn rừng… Trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên bị thương lái ép giá. “Khi các hộ chăn nuôi liên kết lại với nhau sẽ tạo thành thương hiệu tập thể, uy tín trên thị trường. Dịp Tết Nguyên đán này, các thành viên trong THT tất bật giới thiệu các mối làm ăn cho nhau, cùng nhau thống nhất giá bán, chung nhau vận chuyển hàng hóa nên hiệu quả kinh tế cao hẳn. Muốn làm ăn lớn là cứ phải liên kết với nhau. Nông dân đầu tư sản xuất các loại cây, con đặc sản nếu không liên kết sẽ rất khó bền” - bà Tâm thổ lộ.

Hội hướng dẫn, hỗ trợ

Ông Trịnh Văn Tiến – Tổ trưởng THT cho biết: “Đến nay, số lượng thành viên THT đã lên đến 25 người, đang duy trì trên 1.800 con nuôi có giá trị kinh tế cao như hươu, lợn rừng, ngựa, nhím… Thu nhập bình quân mỗi hộ khoảng vài trăm triệu đồng/năm. Có hộ thu nhập cả tỷ đồng/năm”.

Không chỉ các hộ ở xã Đông Sơn, các hộ chăn nuôi lợn, gà hay trồng trọt, nuôi trồng thủy sản ở một số xã khác trên địa bàn thành phố Tam Điệp và các huyện khác cũng cùng nhau thành lập tổ hợp tác sản xuất, câu lạc bộ (CLB) hay nhóm sở thích.

Ông Đinh Hồng Thái – Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình cho hay: Năm 2016, Hội ND tỉnh đã chủ trì thành lập 48 tổ hợp tác, 3 HTX, xây dựng 78 mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu có thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên. Cùng với việc hỗ trợ thành lập và hướng dẫn hoạt động, Hội ND các cấp đã tạo điều kiện cho các THT vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân… Hội còn phối hợp các sở, ngành hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn pháp luật, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại cho các THT…

“Trong năm 2016, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã giải ngân 21 dự án Quỹ HTND cho các tổ, nhóm ND liên kết vay gần 6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mô hình, phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp Hội ND Ninh Bình đứng ra tín chấp, ủy thác với Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ hơn 1.643 tỷ đồng để thành viên các tổ hợp tác, CLB được vay vốn tín dụng thương mại, tín dụng ưu đãi phát triển kinh tế. Đối với những tổ hợp tác, CLB có đủ các điều kiện thì Hội sẽ tư vấn, hỗ trợ phát triển lên mức độ cao hơn như mô hình HTX kiểu mới…” - ông Thái thông tin.