Dân Việt

Ngày Tết, kể chuyện vui, buồn “đường dây nóng”

Lê Chiên 30/01/2017 06:29 GMT+7
Dù đang đi xe máy hay đang ngủ lúc nửa đêm, điện thoại có chuông là chúng tôi phải nghe. Phần lớn những cuộc gọi đến số điện thoại đường dây nóng của Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt để phản ánh bức xúc của người dân; hỏi địa chỉ mô hình trồng trọt, chăn nuôi giỏi để học tập… Nhưng cũng có không ít chuyện cười ra nước mắt.

Trả lời bất cẩn là bị “ăn đòn”; không “cứng bóng vía” còn bị “bắt nạt”… Nhưng nhiều khi cũng thấy ấm lòng với những lời động viên của bạn đọc. Và từ những thông tin đường dây nóng, chúng tôi đã giúp tòa soạn nắm bắt được nhu cầu của bạn đọc, triển khai những bài điều tra, vạch mặt chỉ tên những hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiều.

Cuộc gọi lúc 0 giờ

img

Hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí cho nông dân do Báo NTNN tổ chức, được nhiều bạn đọc tin cậy, ủng hộ. Ảnh: M.Q

Nhiều khi cũng thấy phiền toái (không hiểu sao cố máy này rất nhiều người nhầm lẫn) nào là có phải là số “Dân hỏi bộ trưởng trả lời”, số của cảnh sát hình sự, của điện lực… và nhất là mỗi ngày có đến 5-6 cuộc quảng cáo. Nhưng dù sao vẫn vui vì nhiều người đã biết đến Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt. 

Vừa ngả lưng thì điện thoại có tin nhắn. Đang hơi nhức đầu nên tôi nhờ bà xã xem giúp. Tôi hỏi “Ai nhắn gì vậy?”. Bà xã tôi nói lạnh tanh: “Anh tự xem khắc biết!”. Tôi mở ra xem, tin nhắn vỏn vẹn một câu: “Anh ơi! Em buồn lắm”. Tôi thanh minh bạn đọc nào đó nhắn tin đến. Bà xã tôi bảo, bạn đọc gì mà nửa đêm nhắn như thế. Thôi kệ, sợ nói nhiều thêm rách việc, tôi quay ra ngủ.

Khoảng 30 phút sau, chuông điện thoại lại réo liên hồi, chắc có chuyện gì gấp gáp lắm nên bạn đọc mới gọi cho mình vào giờ này. Nghĩ vậy nên tôi nghe máy ngay. Giọng một phụ nữ mếu máo trong tiếng nấc: “Anh ơi, lão chồng em lần nào uống rượu say về cũng  hành hạ em, mùi rượu, mùi thuốc lào không chịu nổi. Không đồng ý, hắn lại chửi bới, đánh đập”. “Tôi đang nghe, nhưng chị vừa nói, vừa khóc tôi không nghe được. Chị đang ở đâu? Chồng chị có biết chị đang gọi đến đường dây nóng không? Có phải chị vừa nhắn tin cho tôi?... Được rồi, bây giờ chị nói đi” - tôi trao đổi nhanh. Tuy vẫn còn thút thít, nhưng giọng người phụ nữ đã bình tĩnh hơn, nói tiếp: “Em đã mấy lần làm đơn xin ly hôn nhưng hắn không ký. Vậy em phải làm sao bây giờ?”.

Là dân luật, nghe cuộc trao đổi giữa tôi và người phụ nữa kia, bà xã tôi bật dậy nói luôn: “Anh bảo cô ấy Luật Hôn nhân và Gia đình quy định được đơn phương yêu cầu ly hôn. Không cần chồng phải ký”. Tôi bảo, tư vấn như vậy có mà “hỏng bét”. Tôi hỏi: Em có con chưa?”. “Em có 2 cháu” – cô gái trả lời. “Nếu em ly hôn thì em dự định tương lai bọn trẻ thế nào?”. Cô ấy lặng thinh không trả lởi. Tôi “tấn công”  tiếp: “Hôn nhân là chuyện hệ trọng, bởi vậy pháp luật quy định trước khi ly hôn thì phải hòa giải, chứ không phải muốn ly hôn là được; ly hôn chỉ là giải pháp cuối cùng khi hòa giải không thành. Bây giờ em hãy tạm lánh đi, đợi chú ấy tỉnh rượu nhờ đôi bên gia đình, Hội Phụ nữ khuyên giải. Nếu em đã cố gắng hết sức mà chú ấy vẫn chứng nào, tật nấy thì em điện đến, anh sẽ hướng dẫn thủ tục cho em”.

Nghe tôi nói vậy, cô gái xin lỗi đã làm phiền và hẹn mai điện lại. Nhưng từ đó không thấy cô ấy gọi cho tôi nữa. Có lẽ vợ chồng cô ấy đã ổn. Được vậy thì tôi mừng lắm.

“Giải oan” cho ngân hàng

Một buổi trưa, vừa nâng bát cơm thì chuông điện thoại réo liên hồi. Phía bên kia, một giọng đàn ông nói tiếng miền Nam rất bức xúc: “Tôi có 10ha trang trại, sáng nay đến ngân hàng đề nghị vay tiền thì nhân viên đòi sổ đỏ. Đất tôi đi thuê, làm gì có sổ đỏ. Nếu có sổ đỏ thì tôi đã thế chấp để vay rồi, còn đề nghị ngân hàng làm gì nữa”. Sau đó là hàng loạt quy chụp, nào là gây khó khăn, nào là bắt chẹt nông dân… Đã quá quen với chuyện này, để anh ấy xả hết bực dọc, tôi mới nói: “Bây giờ tôi hỏi đến đâu, anh trả lời đến đó, mà nói chậm thôi nhé. Có phải anh muốn vay tiền của ngân hàng để làm kinh tế trang trại theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP không?”.

Như “vớ được vàng”, anh ấy nói như  reo: “Đúng, đúng rồi đó anh. Em nghe nói vay cái này không phải thế chấp, được hưởng lãi suất ưu đãi, sao “nó” lại bắt em phải nộp sổ đỏ mới cho vay?”. “Anh nghĩ như vậy là oan cho nhân viên ngân hàng rồi. Mặc dù nghị định này quy định rằng: Chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm, nhưng nghị định này cũng quy định người vay phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do UBND xã xác nhận. Như vậy nhân viên ngân hàng họ cũng chỉ thực hiện theo quy định này thôi. Nếu cần, tôi sẽ gửi văn bản và đánh dấu những điều khoản quy định đó để gửi cho anh”.

“Thế à! Đã bảo là cho vay không có tài sản bảo đảm, nhưng lại bắt nộp sổ đỏ. Vô lý quá anh nhỉ. Báo chí các anh phải lên tiếng giúp bà con nông dân chứ” - người đàn ông đó nói. “Báo NTNN/điện tử Dân Việt cũng đã đăng bài phản ánh bất cập này rồi. Nhưng thẩm quyền thuộc cơ quan Nhà nước. Trong khi Nhà nước chưa sửa đổi thì chúng ta phải chờ thôi” - tôi động viên. “Đành thế, biết làm thế nào bây giờ, cảm ơn anh nhé” - người đàn ông đó nói. Và chúng tôi kết thúc câu chuyện bằng tiếng cười giòn tan.

Không cứng cựa sẽ bị bắt nạt

Vừa nhấc điện thoại thì tôi nghe thấy một câu gọn lỏn: “Cho xin số điện thoại của Trưởng ban Dân Việt”. “Xin lỗi, anh tên gì?”- “Mình ở...”. “Xin lỗi, về nguyên tắc, tôi không được cung cấp”. Chưa nói hết câu thì người đàn ông đó đã cắt ngang: “Ông nói thế thì tôi còn hỏi làm quái gì”, rồi cúp máy đánh rụp.

Mới đây, sau khi báo đăng bài “Tự ý xây bít cổng chùa”, tôi đã bị một phụ nữ điện đến mạt sát đủ điều, cho rằng báo thông tin sai. Nhưng khi hỏi “Chị tên gì?” thì dứt khoát không nói. Tôi bảo, chúng tôi không xử lý khiếu nại nặc danh, nếu cần đến gặp tôi ở tòa soạn. Thế là người phụ nữ đó im bặt.

Trái ngọt từ “đường dây nóng”.

Một bạn đọc ở Nghệ An điện đến phản ánh: Gia đình anh thuộc hộ nghèo, được Nhà nước trợ cấp tiền điện hàng tháng. Nhưng vừa qua xã bảo do gia đình không đóng góp tiền làm đường xây dựng nông thôn mới nên xã đã trừ khoản tiền hỗ trợ này để đưa vào phần đóng góp của gia đình anh. Xã làm như thế có đúng không?

Để xử lý thông tin của anh, nếu làm cặn kẽ thì phải điều tra, xác minh. Nhưng trong khi còn rất nhiều vụ việc bức thiết hơn, lấy đâu ra người để làm? Bởi vậy, chúng tôi đã không nói trường hợp cụ thể của anh, mà viết bài mang tính phổ quát, trong mục: Tư vấn pháp luật: “Có được trừ tiền hỗ trợ hộ nghèo?” (số báo 233 ngày 28.9.2016), viện dẫn những căn cứ pháp lý, khẳng định việc làm như thế là trái quy định. Sau khi báo đăng tôi bảo, anh ấy tìm mua số báo đó, mang lên UBND xã để “đấu”, kết quả thế nào thì thông tin lại. Và anh ấy đã làm đúng như hướng dẫn. Mấy ngày sau anh ấy điện lại hồ hởi báo tin: “Họ đã trả lại em rồi”.

Tương tự như vậy, một cụ bà 90 tuổi thuộc diện hộ nghèo ở Thái Bình mới chỉ nhận được tiền trợ cấp 200.000 đồng/tháng; trong khi Nhà nước quy định mức trợ cấp thấp nhất 270.000 đồng/ tháng. Sau khi tiếp nhận thông tin này, chúng tôi đã làm việc với Cục Bảo trợ xã hội và viết bài “Trên 80 tuổi thuộc hộ nghèo được nhận bao nhiêu tiền trợ cấp/tháng?”. Băn khoăn của cụ đã được giải tỏa.

Bên cạnh phản ánh vụ việc, bức xúc, chúng tôi còn nhận được rất nhiều lời khen về về những bài viết có tính chiến đấu, những lời cảm ơn nhờ báo mà học tập được những mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao…

Tuy nhiên nhiều khi cũng thấy phiền toái (không hiểu sao cố máy này rất nhiều người nhầm lẫn)  nào là có phải là số “Dân hỏi bộ trưởng trả lời”, số của cảnh sát hình sự, của điện lực… và nhất là mỗi ngày có đến 5 - 6 cuộc quảng cáo. Nhưng dù sao vẫn vui vì nhiều người đã biết đến Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt.