“Rắn mối khủng bố” là ai, tên trùm của đường dây trên, hay là một tên sát thủ bạo tàn? Xin thưa, đó là tên Việt của Tyrannosaurus bataar (tiếng La Tinh), một con khủng long đi hai chân, sống ở vùng bình nguyên Mông Cổ cách đây 70 triệu năm và có họ với loài khủng long Tyrannosaurus rex (“khủng long bạo chúa”). Các nhà cổ sinh vật học nói nó là một trong những con thú ăn thịt đáng sợ nhất vào thời khủng long, với thân hình dài 12 mét, cao 2,4 mét và 64 chiếc răng để ăn thịt. Bộ xương hóa thạch còn nguyên vẹn của nó được định giá 700.000 bảng, được tìm thấy năm 1946, nhân một cuộc thám hiểm sa mạc Gobi.
“Rắn mối khủng bố” Lenny |
Tài sản văn hóa của dân Mông Cổ
Từ năm 1924, Mông Cổ đã có luật quy định các khủng long hóa thạch là tài sản quốc gia, nếu ai xuất khẩu các bộ xương này sẽ bị truy tố hình sự. Các nhà cổ sinh vật học nói bộ xương đã được tuồn khỏi sa mạc Gobi trong khoảng thời gian 1995-2005. Cảnh sát Anh xác nhận đơn vị chống buôn lậu đồ cổ-đồ nghệ thuật của họ đã được Bộ Tư pháp Mỹ liên lạc, nhưng họ chưa mở cuộc truy tìm “Rắn mối khủng bố”. Ngành công tố Anh nói vụ này giúp làm sáng tỏ phần nào “chợ đen quốc tế” về xương khủng long hóa thạch gốc Mông Cổ.
Cuộc truy tìm “Rắn mối khủng bố” được tiến hành sau khi tên Eric Prokopi 38 tuổi) nhận tội nhập lậu nhiều container xương khủng long hóa thạch vào Mỹ, tại một phiên xử ngày 27.12.2012 tại một cấp tòa ở New York. Hắn bị cảnh sát bắt giữ tại nhà riêng ở Florida trong lúc đang nhận khoảng 200kg mẫu vật hồi giữa tháng 10.2012. Prokopi khai số hàng lậu gồm một bộ xương “Rắn mối khủng bố” gần như đầy đủ và có thể đang được giấu ở đâu đó trên lãnh thổ Vương quốc Anh.
Trước đó vào ngày 20.5.2012, cảnh sát Mỹ ngăn chặn vụ bán đấu giá một bộ xương “Rắn mối khủng bố” đạt mức 1,5 triệu USD tại New York (người mua được giấu tên) theo yêu cầu của Tổng thống Mông Cổ Tsakhia Elbegdorj, người nói đó là “di sản văn hóa của nhân dân Mông Cổ”. Ulan Bator đã tiến hành các thủ tục pháp lý để đòi lại mẫu vật, đồng thời cáo buộc Prokopi. Bộ xương cao 2,4 mét và dài 7,3 mét này có nickname “Lenny” được đưa lên xe tải chở đến một điểm bí mật để tạm giữ chờ kết thúc cuộc điều tra, sau đó sẽ có thể trả về Mông Cổ.
Xương “Rắn mối khủng bố” được tháo rời |
• Một bộ xương Microraptor (khủng long bay) sống ở Trung Hoa cách đây 65 triệu năm. Món này được khai man là “đá thủ công” trị giá 100USD, nhưng người gửi đã email cho Prokopi để cảnh báo: “Ở Trung Quốc cấm bán bộ xương này”.
• Hai bộ xương oviraptor (khủng long trộm trứng) sống ở Mông Cổ cách đây 65 triệu năm. Ngành công tố Mỹ nói, trên đây là “danh sách mua hàng khủng long lớn nhất, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng”, và cuộc điều tra của họ đã phát hiện “một chợ đen hóa thạch tiền sử một thành viên” là Prokopi.
Bộ An ninh nội địa và hải quan Mỹ đã mở cuộc điều tra. Hiện họ đang điều tra xem bằng cách nào mà bộ xương này từ Gobi đã đến Công ty Đấu giá Heritage (ở Dallas, Texas) sau khi quá cảnh ở một nông trại tại Dorset (Anh). Họ đã thẩm vấn tay săn hóa thạch Chris Moore người Anh làm chủ công ty “Hóa thạch giả” tại Dorset. Moore bị tố cáo giúp mua bộ xương từ một người bán ở Nhật Bản, trước khi chở về Anh phục hồi. Tiếp đó, Moore chở bộ xương đến bang Florida cho Prokopi. Moore chối không dính líu vụ án Prokopi, nói việc ông rao bán một sọ khủng long tại một hội chợ đồ cổ London (hồi tháng 6-2010) với giá 125.000 bảng là do mua được từ một quốc gia Trung Á.
“Hàng độc” khai man thành “đồ cùi bắp”
Prokopi khai bộ xương “Rắn mối khủng bố” bị tịch thu là một trong 6 bộ xương hóa thạch mà hắn đã nhập lậu vào Mỹ từ năm 2010 - 2012. Theo bản khai hải quan bị khai man thành những mặt hàng giá bèo, tổng trị giá chỉ là 15.000USD, trong khi biên bản tịch thu nêu đó là xương hóa thạch bị gãy và các đầu bò sát hóa thạch, một “thằn lằn hóa thạch” và “các bọ sát hóa thạch”…
Dự kiến tòa sẽ tuyên án vào ngày 25.4.2013, Prokopi có thể bị tuyên mức án 17 năm tù giam và nộp 250.000USD. Hắn bị buộc tội buôn lậu xương khủng long từ Mông Cổ và Trung Quốc, tiêu thụ hàng ăn cắp và làm giấy tờ hải quan giả từ năm 2007, rồi bán lại chúng cho các công ty đấu giá và những nhà sưu tập để thu lợi nhuận “khủng”.
Theo cáo trạng vụ án hình sự này thì bằng chứng chống lại Prokopi là ảnh của một công dân Mông Cổ chụp hắn đang bới xương tại một điểm khai quật ở Mông Cổ. Hắn cũng nói với Công ty Heritage, rằng nỗ lực đòi lại “Rắn mối khủng bố” của TT Elbegdorj càng khiến khó chặn đứng việc buôn “hàng độc” xương khủng long.
Trong một e-mail, hắn viết: “Nếu ông ấy muốn giật lại bộ xương và dẹp cái chợ đen này, ông ta sẽ phải tuyên chiến, và sẽ chỉ khiến chợ đen này hoạt động ngầm”. Sau khi vụ đấu giá bị chặn, hắn vẫn khẳng định chẳng làm gì sai và “chỉ là một gã đàn ông bình thường ráng nuôi gia đình”, không phải là một trùm buôn lậu xương quốc tế. Khi bị xét xử, hắn nhận là “nhà cổ sinh vật học có kinh doanh”, điều hành Công ty “Mọi sự của trái đất” chuyên mua bán xương khủng long hóa thạch ở bang Florida.
Các nguồn tin của báo Independent tại Mông Cổ - nơi nền kinh tế phát triển nhờ khai thác tài nguyên mỏ dẫn đến sự quan tâm mới về di sản văn hóa - nói các nhà điều tra địa phương nghi một đường dây “cò” cung cấp “hàng độc” trị giá 1 triệu bảng/lần từ Nhật Bản và Anh vào Mỹ kể từ năm 2003. Luật sư Robert Painter đại diện chính phủ Mông Cổ nói sau khi Prokopi bị bắt, TT Elbegdorj đã đề nghị chính phủ Mỹ tăng cường ngăn chặn việc trộm các kho tàng văn hóa: “Hai chính phủ sẽ hợp tác điều tra vụ nghiêm trọng này, vốn sẽ có tác động mạnh vào thị trường hóa thạch trái phép. Nạn hôi của di sản văn hóa để tư lợi thì không thể chấp nhận ở bất kỳ nước nào, và sự hợp tác giữa hai chính phủ là một bước dài tiến tới sự ngăn chặn”.