Dân Việt

Sản xuất rau sạch tùy hứng, Đà Nẵng phải cậy nhờ tỉnh bạn

Kim Oanh 27/01/2017 07:48 GMT+7
Kiểm soát nguồn nông sản nhập vào, ký kết hợp tác phân phối nông sản an toàn… là hướng đi mà ngành nông nghiệp Đà Nẵng đang hướng tới để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân.

Nguồn cung mỏng, đầu ra bấp bênh

Ông Bùi Dũng - Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Tuý Loan - Hoà Phong, huyện Hòa Vang cho biết, theo quy hoạch, HTX rau sạch có quy mô sản xuất 20ha, tuy nhiên, hiện nay với 6ha, diện tích sản xuất chỉ cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn rau củ, quả/ngày. Trong khi đó, HTX chỉ hợp đồng cung cấp cho 2 trường học khoảng 250kg/ngày. Còn lại phải bán nhỏ lẻ tại các chợ với giá cả bấp bênh.

img

Người trồng rau sạch ở Đà Nẵng vẫn luôn loay hoay với bài toán “đầu ra” sản phẩm. Ảnh: Kim Oanh

“Thiết nghĩ, hiện lượng rau cung cấp ra thị trường rất ít, nhu cầu tiêu thụ cao, Đà Nẵng chủ yếu nhập rau củ quả tại các nơi khác với giá thấp trong khi chất lượng không rõ. Còn nguồn rau của nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP lại bị tẩy chay do bán giá cao… Do vậy, cần quản lý các nguồn hàng nhập vào không rõ nguồn gốc tại Đà Nẵng. Khi đó giá thành mới đảm bảo, nông sản sạch Đà Nẵng mới có chỗ đứng…” - ông Dũng nói.

Bà Nguyễn Thị Hiền, người trồng rau ở vựa rau an toàn La Hường, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng cho hay, nhà bà có 7 sào trồng chủ yếu các loại cải, tần ô, rau ngót áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Khó khăn lớn nhất của bà con chính là đầu ra cho sản phẩm nên bà không dám mở rộng diện tích canh tác. “Người tiêu dùng cứ thích mua rau rẻ, mà làm theo tiêu chuẩn rau sạch thì chi phí cao, không có năng suất, giá cao nên họ… chê. Nhiều khi rau đã đến lúc thu hoạch mà không có người mua, phải mang ra chợ bán chung với rau trồng đại trà” - bà Hiền than thở.

img

Ông Trần Văn Mười - Chủ tịch Hội ND Hoà Khương cho rằng, rau sạch hiện đang gặp khó khăn về công tác tiêu thụ, phân phối. Một phần việc sản xuất phụ thuộc vào cảm hứng của nông dân, phần do thị trường đầu ra bấp bênh. Vùng rau sạch Hoà Khương theo quy hoạch rộng khoảng 6,2ha, song thực tế đến nay chỉ sản xuất khoảng 4ha. “Nông dân chủ yếu đã lớn tuổi, họ trồng theo ý thích và mang tâm lý sợ thua lỗ. Nếu có một vài doanh nghiệp đứng ra cam kết thu mua toàn bộ nông sản sẽ kích thích người nông dân đam mê sản xuất” -  ông Mười nói.

Xây dựng chuỗi cung ứng an toàn

Ông Nguyễn Đỗ Tám - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đà Nẵng cho biết, hiện các sản phẩm rau sạch của Đà Nẵng chỉ mới đáp ứng được 5-10% tổng nhu cầu tiêu thụ thành phố. Cụ thể, mỗi năm thành phố tiêu thụ khoảng 140.000 tấn nông sản rau, củ, quả các loại, trong khi địa phương chỉ cung ứng được từ 5-10%, đạt khoảng 9.000 tấn. Có nhiều nguyên nhân như thời tiết phức tạp nắng nóng, mưa bão… gây khó khăn cho sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng, chất lượng rau cung cấp.

“Trong khi đó, nguồn thực phẩm, rau từ các địa phương khác nhập vào Đà Nẵng tiêu thụ rất lớn, do vậy, thành phố đang định hướng tập trung quản lý các nguồn rau, thực phẩm nhập vào. Trước hết, kiểm soát nguồn gốc rau, củ quả và các loại thực phẩm nhập vào các chợ để đảm bảo an toàn cho người dân. Năm 2017, tất cả sản phẩm nông lâm thuỷ sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và các loại rau, trái cây, thuỷ sản nhập vào Đà Nẵng tiêu thụ đều phải được kiểm tra và kê khai nguồn gốc rõ ràng. Song song đó, thành phố đang liên kết hợp tác với các tỉnh để đảm bảo nguồn nông sản an toàn nhập vào Đà Nẵng…” - ông Tám cho biết thêm.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Tứ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP.Đà Nẵng cho biết, sản xuất rau an toàn đòi hỏi giá cả phải tăng theo nên việc đưa đi tiêu thụ ngoài thị trường gặp nhiều khó khăn do người tiêu dùng lẫn lộn giữa rau an toàn và rau truyền thống. Để giải được bài toán này, cần có các kênh tiêu thụ riêng chẳng hạn như xây dựng các điểm bán rau an toàn, chợ nông sản sạch cho nông dân.

“Hiện thành phố phải nhập một lượng nông sản từ các nơi  về, thì vấn đề quan trọng hiện nay là đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Từ đó, sẽ loại dần những địa chỉ sản xuất không an toàn, như vậy vừa đảm bảo an toàn nguồn cung cấp và thị trường mới ổn định…”  - ông Tứ nói.