Dân Việt

“Vương quốc” gà rừng giữa di sản thế giới

Phan Phương 28/01/2017 06:40 GMT+7
Với diện tích rộng lớn lên đến 1.233,26 km2, Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng ở Quảng Bình là nơi hội tụ của nhiều loài động vật quý hiếm nhất Việt Nam và thế giới, trong đó có những loài gà rừng đẹp và quý hiếm mà không đâu trên thế giới có được. Các nhà khoa học ví nơi này như một vương quốc lớn của các loài gà rừng...

Theo tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học, tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng hiện có 303 loài chim (các loài gà rừng được xếp trong này) đã được ghi nhận. Ở VQG này có nhiều loài chim và gà rừng đến độ, đi vào bất kỳ khu rừng nào ở đây chúng ta cũng dễ dàng chiêm ngưỡng những đôi gà rừng đang nhởn nhơ kiếm ăn dưới những tán rừng. Trong số chúng, có nhiều loài quý hiếm đang ở mức độ nguy cấp, đe dọa ở mức toàn cầu...

Loài gà quý hiếm nhất thế giới

Một loài gà ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được xác định chỉ còn nơi tồn tại duy nhất trên thế giới là vùng Khe Nước Trong, đó là gà lôi lam trắng. Từng có tài liệu nói loài gà này đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Lần đầu người ta bắt gặp chúng vào đầu thế kỷ XX với phân bố từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Rồi càng ngày rừng núi thu hẹp dần, loài gà thuộc họ chim này vắng bóng trong các cuộc điều tra đa dạng sinh học, khiến người ta nghĩ chúng đã tuyệt chủng. Tuy nhiên, theo những già làng Vân Kiều sống ở các xã Trường Sơn, Kim Thủy, Lâm Thủy của tỉnh Quảng Bình, trước đây gà lôi lam trắng khá nhiều. Người Vân Kiều gặp chúng hàng ngày khi đi rừng, đi rẫy. Già làng Hồ Cao ở Làng Ho (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) kể: “Người Vân Kiều coi gà lôi trắng là một loài phượng hoàng vì nó quá đẹp. Bộ lông, đôi mào cũng như bộ đuôi của nó dài và đẹp khó diễn tả. Nó đẹp hơn cả công chứ không phải nói đùa”.

img

  Gà lôi trắng còn duy nhất trên thế giới tại Quảng Bình. CGCC

Khoa học thì chưa chứng minh gà lôi lam trắng “yêu nhau” trong mùa sinh sản như thế nào, nhưng những người già Vân Kiều biết về chúng kể rằng, chúng kết đôi với nhau dưới tán rừng với điệu gáy và múa cánh, xòe lông lộng lẫy của con đực để tán tỉnh con mái. Tiếng gáy của con đực to và xa, bộ lông ưỡn ra oai vệ, thể hiện sự phương phi và cường tráng để những con mái chú ý. Cái tổ do con mái làm ra, nhưng con đực gắp đến những cọng cỏ khô mềm mại để lót ổ thêm phần ấm áp. Khi “yêu nhau”, con đực sung mãn và cực kỳ chiều chuộng con cái, ngược lại nhu cầu con cái luôn tăng cao để duy trì nòi giống theo cách tự nhiên của chúng.

Linh vật của người Arem, Ma Coong

Có một loài gà rừng mà người A Rem, Ma Coong ở 2 xã Tân Trạch và Thượng Thượng Trạch thuộc huyện Bố Trạch, sát biên giới Việt Lào, coi như linh vật, đó là gà lôi hông tía. Gà lôi hông tía sống dưới các thung lũng của núi đá vôi, nơi có nhiều côn trùng và các loài cây cỏ dại. Thân của nó hai bên hông có nhiều lông tía nên nó được gọi là gà lôi hông tía. Chúng sống ẩn dật, thoắt ẩn, thoắt hiện trong các vòm rừng nhiệt đới.

Theo già làng Đinh Rầu, từ xưa người Arem, Ma Coong coi gà lôi hông tía như linh vật, bởi lẽ nó phù hộ cho các chuyến đi săn được thành công nhất. Nơi nào có gà lôi hông tía xuất hiện, nơi đó có những loài thú lớn để người A Rem, Ma Coong săn bắn. Loài gà này cũng thích các thung lũng có nhiều hoa dại để tìm côn trùng bên dưới, ở các thung lũng này là nhiều tổ ong để người dân tìm lấy mật. Nó là linh vật của người A Rem và Ma Coong là vậy.

img

Con trai, con gái A Rem, Ma Coong lại thích tìm lông gà lôi hông tía rụng trong rừng để tặng nhau như một tín vật thể hiện tình yêu đôi lứa, sự thủy chung. Người Ma Coong có lễ hội đập trống tổ chức hàng năm vào đêm rằm tháng Giêng. Đây là lễ hội tổ chức để tưởng nhớ công lao vị Già bản tiên tổ người Ma Coong và cầu cho làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu. Đây cũng là lễ hội mà con trai, con gái, đàn bà, đàn ông Ma Coong được một đêm “thả cửa” yêu nhau mà không sợ bị phạt vạ… Trong đêm lễ hội đó, trai gái Ma Coong thường tặng nhau lông gà lôi hông tía như một tín vật. Và lễ hội thường kết thúc khi con gà lôi hông tía cất tiếng gáy vang ở những cánh rừng đầu bản. Nó cũng đánh thức những đôi lứa yêu nhau “ngoài chồng, ngoài vợ” tạm phải rời xa nhau trở về với gia đình, vợ con mình…

“Gà lôi hông tía quan trọng với cuộc sống của người Ma Coong, A Rem như vậy, nên chưa bao giờ họ săn bắn chúng mà luôn  tôn trọng, thương yêu và bảo vệ chúng…” – Già làng Đinh Xon (người Ma Coong) nói.