Hồn thiêng chiêng ché
Hiện hữu trong từng nếp nhà, bản làng, trong cả tâm thức, cội nguồn văn hóa người Cơtu chính là chiêng ché. Với họ, chiêng ché là tài sản, là bản sắc hay cũng chính là linh hồn của người Cơtu. Có tới những bản làng biệt lập, nằm sâu tận rừng già thăm thẳm hay giữa lưng chừng trời đại ngàn Trường Sơn mới thấy được, người Cơtu quý chiêng ché đến nhường nào.
Già làng A lăng Zèng bên ché cổ. Ảnh: Nam Cường
“Tiền nhiều thì thích thật nhưng nghĩ công sức mấy chục năm trời lặn lội sưu tầm, giờ mình muốn lập một bảo tàng đồ cổ chiêng ché, để dành cho con cháu sau này. Mà con cháu cũng không được bán, cứ thế phải truyền từ đời này sang đời khác”. Anh ALăng Linh |
Một trong những bản làng biệt lập với thế giới văn minh là bản Aur của xã A Vương (Tây Giang, Quảng Nam). Để vào Aur, phải mất 5 tiếng đi bộ giữa rừng già, qua những đồi núi cheo leo, băng nhiều con suối, vượt những vách đá dựng đứng. Ở Aur, tiền không hiện hữu, mà thứ tài sản quý giá nhất của người Cơtu là chiêng ché. Có vô vàn câu chuyện ma mị ly kỳ của những già làng Aur quanh chiêng ché, bên từng bếp lửa đại ngàn bập bùng hằng đêm.
Cụ bà Alăng Navy giờ đã về với trời, nhưng mấy năm trước, lúc tôi mạo hiểm vượt rừng vào làng, cụ kể lại, chiêng ché là một thứ linh hồn của Giàng, của đời trước để lại cho đời sau. Tuổi niên thiếu của cụ là một nơi đâu đó tận trong rừng thẳm. Ngày đó cụ Navy đã thấy trong nhà mình, ngôi nhà sàn đơn sơ đầy ắp ché. Và người làng cũng ngày ngày tự mày mò đúc ché, làm chiêng. Tất cả đều làm bằng tay, khắc tranh thủy mặc, vẽ rồng... Càng để lâu, nước màu càng sáng bóng. Gõ lên nghe những tiếng coong coong vang vọng. Già làng A lăng Zèng kể, mỗi lần làm xong một chiếc ché, nghệ nhân của làng dùng dao cắt một ít máu ở tay mình hòa chung với rượu và tắm rửa sạch sẽ cho ché. Thời gian làm mất mấy tháng mới xong, sau đó 3 ngày, cả bản bắt đầu làm lễ cúng chiếc ché. Nếu không cũng, đó cũng chỉ là một vật vô tri.
Ở Aur bây giờ, nhà nào cũng đầy ắp chiêng ché, đa số là đồ độc bản, tự tay những người đời trước làm ra. Đó cũng là sự xác lập của một đẳng cấp chơi đồ cổ. Aur trở thành địa chỉ hấp dẫn của giới buôn đồ cổ, và A lăng Linh - một “tay chơi lập dị” ở phố núi Prao (thị trấn thuộc huyện Đông Giang, Quảng Nam) là một người như thế.
Linh kể, bản Aur của vài chục hộ dân Cơtu sống biệt lập trên non cao Trường Sơn Tây từ xưa đến nay, anh có dịp vào và đã hoa mắt bởi cơ man chum ché ở nhà già làng Alăng Zèng. Alăng Linh luôn đi một mình, đem theo tiền, dắt theo trâu bò đi đổi cổ vật, dù nắng hay mưa, ché to chiêng nhỏ, anh cứ lầm lũi cõng về nhà, nâng như trứng, không để ai đụng vào.
Gia sản đồ cổ của Alăng Linh giờ đây trên dưới 50 món, từ tầm tầm đến loại quý và cực hiếm. Riêng món quý và cực hiếm khoảng 30 chiếc, chủ yếu là ché và chiêng. Chiếc chiêng (kpack) quý nhất Alăng Linh nhất quyết không chịu gỡ xuống cho tôi xem. “Cái này một người Lào hỏi mua 150 triệu đồng nhưng mình không bán. Lý do không thể đưa xuống là mình sợ điềm. Chiếc này mua đã gần 30 năm rồi, hồi đó đổi 2 con trâu. Mấy lần mình gỡ xuống lau chùi là y như có chuyện không hay, như người đau, bò lợn chết” - Linh nói.
Ngoài chiếc chiêng quý, Alăng Linh còn có bộ khoảng 10 chiếc chiêng đồng, mỗi chiếc gần trăm triệu đồng. Phong phú nhất vẫn là bộ ché cổ, gồm 2 cặp Hoa giấy cổ và 1 cặp ché Thượng Thủy (ché khắc tranh thủy mặc). 2 cặp ché Hoa giấy như anh Linh nói, được trả tổng cộng 400 triệu, còn cặp ché Thượng Thủy độ 160 triệu.
Di sản ngàn năm
Những dòng chữ cổ bí ẩn trên phiến đá Samo (Ảnh: Nam Cường).
Vào đông nhưng nắng vẫn vàng ươm trải dài trên con đường độc đạo lên miền biên viễn xứ Quảng Nam. Đó là con đường từ xã Lăng lên A Xan (xã biên giới huyện Tây Giang). Ít ai biết, con đường này mang trong mình cả một trầm tích lịch sử ngàn năm. Đó là cung đoạn cuối trước khi thông ra “cửa ngõ quốc tế” của con đường muối, trải dài từ thương cảng Hội An, qua dòng Vu Gia – Thu Bồn trước khi đến với Lào, Campuchia hoặc Thái Lan…
Nhà nghiên cứu dân tộc Cơtu Nguyễn Tri Hùng (Ban dân tộc Quảng Nam) cho biết, từ câu chuyện về những dòng chữ bí ẩn cổ xưa trên vách đá ở thượng nguồn dòng A Vương ở Tây Giang, giáp với nước bạn Lào, có thể khẳng định, sự giao thương buôn bán giữa người Chăm, người Kinh với người Cơtu đã có từ ngàn năm trước. Con đường muối là những phiên chợ trong tiềm thức giữa miền ngược với miền xuôi, giữa các tộc người, là sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, tương lai…
Theo Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bhriu Liếc, người viết nhiều đầu sách về văn hóa Cơtu, ngày xưa người Cơtu xưa không biết đến tiền, chỉ vật đổi vật như sừng tê giác, ngà voi, mật gấu, thổ cẩm, mật ong rừng… để đổi lấy muối và vật phẩm miền xuôi, hoặc gùi qua Lào, Thái Lan đổi những mặt hàng hóa khác lạ để kiếm lời. Con đường mòn từ khu 7 về xã Lăng ngày nay chính là phát tích thuở xưa của con đường muối”. Những hàng hóa từ ngàn xưa nay còn sót lại trong các bản làng như chiếc trống đồng Đông Sơn, hạt mã não, chiêng ché cổ và đặc biệt minh văn cổ xưa ở làng Achia minh chứng điều đó.
“Trống đồng Đông Sơn không phải là vật chứng lịch sử duy nhất về sự hiện hữu của con đường muối, mà còn là những hồn thiêng chiêng ché, văn khắc phiến đá Samo ở thượng nguồn A Vương, là di sản phi vật thể còn sót lại. Đó chính là những sản phẩm du lịch ngàn năm mà người Cơtu dày công gìn giữ. Hy vọng, miền đại ngàn xứ Quảng sẽ là điểm đến hấp dẫn trong tương lai” – Bí thư Bhriu Liếc bày tỏ.