Dân Việt

Đông trùng hạ thảo “made in” Việt Nam!

Chúc Ly 01/02/2017 19:00 GMT+7
Với mong muốn đưa đông trùng hạ thảo (ĐTHT) – một loại dược liệu quý hiếm đến gần hơn với người tiêu dùng bằng giá thành hợp lý và chất lượng tương đương với ĐTHT tự nhiên, chị Võ Thị Thúy (phường 8, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) đã dày công mày mò và nuôi trồng thành công loại dược liệu quý này trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Tay ngang “làm liều” nuôi ĐTHT

ĐTHT là tên gọi chung cho một loại nấm ký sinh trên côn trùng. Mùa đông, khi loài sâu chui xuống dưới đất để phát triển, vô tình ăn phải bào tử nấm có trong đất. Đến mùa hạ, khi nhiệt độ tăng lên tế bào nấm phát triển mọc thành quả thể.

Nuôi trồng ĐTHT không phải là chuyện dễ dàng. Bởi vì đặc tính sinh học của chúng chỉ phát triển trên các cao nguyên lạnh giá quanh năm ở Trung Quốc (có độ cao trung bình trên 4.000m so với mặt nước biển). Ngoài ra, chúng còn đòi hỏi nguồn dinh dưỡng, vật ký sinh phù hợp để phát triển. Vượt qua bao khó khăn, mày mò nghiên cứu, gần đây chị Thúy đã nuôi trồng thành công nấm ĐTHT và đã có sản phẩm bán ra thị trường.

img

  Để tạo ra được sản phẩm như hôm nay chị Thúy đã bỏ ra nhiều công sức và tiền bạc. Ảnh: Chúc Ly

Theo chị Thúy, trên thế giới, ĐTHT khai thác ngoài tự nhiên rất hiếm, mỗi năm sản lượng thu được rất ít nên giá thành rất cao từ 1,2-1,6 tỷ đồng/kg. ĐTHT chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt có thể giúp phòng chống u xơ, tiền ung thư và điều trị bệnh tim mạch.

Xuất phát từ mong muốn tạo ra sản phẩm ĐTHT có chất lượng nhưng với giá thành thấp, trước hết là cho gia đình sử dụng, sau là cung cấp cho nhiều người có nhu cầu, chị Thúy đã quyết tâm nuôi trồng cho bằng được loại nấm dược liệu quý này.

Tuy đã có tìm hiểu về ĐTHT, nhưng một bà nội trợ như chị Thúy hầu như không hề có kiến thức khoa học nào trong việc nuôi trồng ĐTHT ở môi trường nhân tạo. Bởi thực tế, sau khi nhập giống về, người nuôi sẽ phải đi vào nghiên cứu công nghệ nuôi trồng, trong đó đi sâu tìm hiểu về thành phần môi trường dinh dưỡng, các yếu tố tác động như: Sinh thái, thời tiết, nhiệt độ, ánh sáng, từ đó tạo điều kiện trong phòng thí nghiệm phù hợp cho nấm phát triển.

Thành công đến ngỡ như mơ

Sản phẩm nấm ĐTHT của chị Thúy đã được Trung tâm Kiểm nghiệm, Viện Thực phẩm chức năng (Hà Nội) kiểm nghiệm với những phân tích về 2 chất Cordycepin, Adenosin (có tác dụng chính trong hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch, tiêu hóa và ung thư) có hàm lượng cao hơn so với các sản phẩm trên thị trường. Đây là cơ sở để sản phẩm ĐTHT của chị Thúy có thể cung cấp cho các công ty dược phẩm trong tương lai.

Theo các nhà khoa học, có thể nuôi ĐTHT bằng hai phương pháp ở môi trường nhân tạo là sử dụng môi trường gạo và cấy trực tiếp trên ký chủ là con nhộng tằm. Theo đó, chị  Thúy sử dụng phương pháp nuôi trồng thứ nhất, với việc tạo ra nguồn cơ chất bằng gạo, bổ sung thêm dinh dưỡng để tái tạo lại môi trường tự nhiên giúp cho sản phẩm được hình thành có chất lượng cao tương đương tự nhiên.

Chia sẻ về quy trình nuôi trồng, chị Thúy cho hay, trước hết phải chuẩn bị giá thể nuôi trồng nấm phù hợp, sử dụng từ nguồn nguyên liệu gạo và bổ sung một số vi lượng thiết yếu. Ngoài gạo thơm, chị còn sử dụng là loại gạo tím than – một đặc sản của Sóc Trăng có giá trị dinh dưỡng cao. Gạo được đưa vào các hũ nhỏ và bổ sung thêm dinh dưỡng sau đó được hấp tiệt trùng ở nhiệt độ 120 độ C, áp suất 1,2atm trong thời gian 30 phút. Sau đó để nguội tự nhiên và bắt đầu cấy giống.

“Cấy giống là khâu rất quan trọng, trước khi cấy cần lưu ý khử trùng hết yếu tố vi sinh vật bên ngoài, sau đó mới cấy nấm ĐTHT vào bên trong giá thể, với thời gian phát triển 60-75 ngày sẽ có được sản phẩm hoàn thiện” – chị Thúy thông tin. Đến cuối năm 2016, sau nhiều lần thất bại, chị Thúy đã có những sản phẩm đầu tiên, mỗi hũ nấm có trọng lượng 120gr. Hiện chị đã làm được trên 4.000 hũ.

Chia sẻ về thành công của mình, chị Thúy cho rằng: Tôi có những sản phẩm với giá thành chỉ từ 500.000 đồng là người mua có thể sử dụng được đến một tháng. Thông qua bạn bè, hiện đã có nhiều khách hàng biết đến và đặt hàng sản phẩm của tôi, nhiều người cho rằng đây sẽ là một món quà biếu tết mới “nổi” ở miền Tây, tin rằng lượng khách đặt hàng dịp tết sẽ tăng thêm nữa” – chị Thúy kỳ vọng. n