Dân Việt

"Lạnh lắm các chú ơi!"

11/01/2013 07:25 GMT+7
(Dân Việt) - "Lạnh lắm các chú ơi! Sáng nay chúng cháu phải nghỉ học vì không thể nhìn thấy chữ nữa…" - Mùa Thị Lam, học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học Háng Đồng, huyện Bắc Yên, Sơn La co ro trong chiếc áo len mỏng nói.

Lạnh lắm các chú ơi!

Khi những đợt rét lạnh đầu năm tiếp tục tăng cường tới các tỉnh miền Bắc, khiến mọi người phải co ro trong chăn ấm, áo bông và sưởi lửa, chúng tôi quyết định đến với vùng cao Háng Đồng - một trong những "nóc nhà" của tỉnh Sơn La có độ cao trung bình gần 2.000m so với mực nước biển. Ngay cả mùa nóng nhất thì nhiệt độ ở đây cũng chênh lệch so với vùng thấp chừng 5-7 độ C; bởi thế Háng Đồng luôn chìm trong mây mù bao phủ và sương lạnh.

Nơi đây cũng vào hàng "nghèo nhất tỉnh nghèo" với 100% là đồng bào Mông, đường giao thông lên xã đang trong kỳ "sinh nở", bởi thế Háng Đồng cũng chưa có điện "vì chẳng ai đưa được cột điện lên đây" - ông Thào A Ký, dân bản Trống Tra trong xã bảo vậy.

img
Thiếu quần áo ấm, nhiều trẻ em vùng cao phong phanh chịu giá rét.

Từ trung tâm huyện Bắc Yên lên với vùng cao Háng Đồng chưa đầy 40km nhưng quả đúng với tên gọi: "Đường lên trời". Những con dốc đất nối tiếp nhau bên vực thẳm, cứ lượn dài theo những ngọn núi. Thầy giáo Dương Duy Tấn - Phó Hiệu trưởng Trường liên cấp 1-2 Háng Đồng vượt lên dẫn đầu đoàn nhắc: Xe các anh nếu bánh không quấn xích, đường trơn, vực thẳm thì cứ bám lấy vết xe cũ mà đi, lạc ra ngoài là mất tích ngay đấy. Ngày nào chúng tôi cũng qua con đường này vài lượt nên hiểu rõ lắm.

Trường liên cấp 1-2 Háng Đồng đặt trên một mặt bằng giữa đại ngàn với mấy căn nhà gỗ xiêu vẹo, mái lợp tôn hoặc fibro xi măng, vách mốc thếch rêu phong bởi sương mù quanh năm. Đây là nơi học tập của hơn 400 học sinh là con em 324 hộ đồng bào Mông trong xã. Chỉ vào những lớp học đang đặc kịt sương mù, thầy Tấn giải thích: "Sáng nay, sau 2 tiết học đầu tiên, thấy không khí lạnh thêm, chỉ còn khoảng 5-6 độ C, sương mù kéo về đậm đặc làm ướt hết sách vở, tối thẫm, mà trường lại không có điện nên chúng tôi đã cho học sinh tiểu học nghỉ sớm để tránh rét, đảm bảo sức khoẻ".

Quanh sân trường, hàng chục chiếc lều nhỏ được dựng bởi tre, gỗ, vách thưng ván hoặc phên, ken thêm những mảnh áo mưa, bìa giấy hoặc báo cũ trông thật xơ xác. Cô giáo Đinh Thị Khứu- giáo viên nhạc hoạ của trường, tâm sự: Đấy là nhà bán trú của học sinh do các phụ huynh góp nhau dựng nên. Trường có gần 200 học sinh ở các bản xa phải bán trú tại đây. Mỗi tuần hoặc nửa tháng các cháu lại về nhà một lần để lấy lương thực. Mùa đông này, cô nhìn trò phong phanh áo mỏng mà nước mắt rơi. Các giáo viên ở đây, ai có cái áo cũ, quần cũ hay chăn, đệm không dùng đến là mang cho học sinh hết. Nhưng giáo viên chẳng thương nổi học sinh vì cả mấy trăm em đều khó khăn cả.

Trong gian lều nhỏ, rộng chừng 5m2 ở góc sân trường làm nơi ăn nghỉ, học tập bán trú, mấy anh em nhà Thào Pó Hạng đang co ro bên bếp lửa. Cái rét từ bên ngoài lách qua những kẽ hở phên vách ùa vào trong nhà nghe ù ù như muốn trấn áp bếp than hồng. Tôi nhìn Páo Hạng phong phanh một chiếc áo phông trắng bên trong cái áo giả da màu đen đã hỏng khoá mà rùng mình: Ngoài trời lạnh thế mà cháu mặc ít áo vậy? Páo Hạng đưa mắt nhìn sang mấy đứa trẻ như để dặn dò, rồi bảo: Chúng cháu quen với lạnh rồi. Mà hôm nay lại được nghỉ sớm, ngồi bếp lửa nên không rét lắm.

“Những lúc ngồi trong lớp học, sương mù ào đến, chúng cháu run lập cập. Nhưng nhìn thầy, cô giáo cũng rét tái mặt mà vẫn lên lớp đúng giờ nên chúng cháu chẳng ai dám nghỉ học".

Tôi nhìn sang bên, hỏi: Các cháu có lạnh không? De thật thà: "Lạnh lắm chú ạ. Nhưng cũng chỉ có bây nhiêu quần áo thôi. Mặc hết vào người rồi, có rét nữa cũng phải chịu". Tôi làm như vô tình, quờ tay lật cái vung nồi nhọ nhem bên bếp lửa, bắt gặp mấy hạt cơm tẻ còn sót lại với bát muối trắng trong nồi. De hỏi: "Chú có đói không, cháu nấu cơm cho chú ăn nhé? Nhưng chẳng có gì ăn đâu. Muối cũng hết rồi. Rau rừng mùa này lạnh nên chết hết…".

Sau một hồi chuyện trò và cho các cháu ít tiền mua thức ăn, xem ra tình cảm có vẻ gắn bó hơn, tôi mới hỏi Pó Hạng: Mặc thế Hạng có lạnh không? Hạng cười: "Lạnh lắm chú ơi! Nhưng cháu chỉ có mỗi chiếc áo khoác này thôi”.

Có tiếng gọi bằng tiếng Mông khe khẽ ngoài cửa, Páo Hạng vơ mấy cành củi khô, đưa qua vách liếp, rồi đứng nhìn theo. De quay sang tôi, giải thích: "Đấy là Sùng A Lý, học lớp 7, ở lều bán trú bên cạnh. Bạn ấy phải trông em nên không đi lấy củi được, sang đây hỏi xin củi về sưởi ấm cho em. Cái áo len bạn ấy đang mặc là của thầy giáo cho đấy. Mặc vào thì rộng làm bạn ấy xấu hổ nhưng rét quá, vẫn phải mặc thôi. Lạnh ở vùng cao này khủng khiếp lắm. Nếu ở đây một đêm, chú sẽ biết thế nào là mùa đông vùng cao".

Vừa nói, De vừa ôm chặt đứa em gái là Thào Thị Sông, đang học lớp 5 cùng trường vào lòng như muốn san bớt cho em mình một phần hơi ấm. Mắt De ngân ngấn nước như vừa gặp phải khói cay. Tôi lặng lẽ bước ra ngoài, ngẩng nhìn bầu trời đang sầm sẫm sương giăng, chợt thấy nhói lòng khi một đám sương mù khác lại ùa đến vây chặt những căn nhà bán trú như muốn hành hạ thêm nữa những thân phận học sinh nhỏ nhoi đang gồng mình chống rét trong các túp lều tạm quanh trường.

Nông dân sắp sạt nghiệp rồi!

Rời vùng cao Háng Đồng, chúng tôi tìm về TP.Sơn La. Bên chân ruộng hoa tươi ở bản Ái, xã Chiềng Xôm, chị Nguyễn Thị Hương đang ngồi ủ rũ bên những thân hoa hồng xác xơ trong gió lạnh. Chị bảo: Chúng tôi ở đây có gần 20ha hoa tươi. Mấy ngày vừa qua lạnh quá, nên cây hoa cứ đơ ra, teo tóp và giòn lá rồi rụng. Nếu cứ lạnh thế này mấy hôm nữa là hoa sẽ chết nhưng chẳng biết làm thế nào mà cứu được. Cái ruộng hoa này là sản nghiệp của mấy chục hộ chúng tôi, đều bằng vốn vay ngân hàng. Hoa chết là sạt nghiệp…

Nhưng có lẽ khổ nhất từ đầu vụ rét đến nay là hàng trăm hộ nuôi ong ở Sơn La bởi trong cái giá lạnh như kim châm này mà họ vẫn phải rời bếp lửa trong nhà để bám đàn ong chống rét cho chúng. Ông Ngô Bá Kiếm, hộ nuôi ong ở tiểu khu 2, phường Chiềng Sinh, TP.Sơn La nhặt hàng nắm xác ong chết lên tay, nghẹn ngào: Lạnh quá, ong chết nhiều lắm. Nhà tôi có hơn 100 đàn mà đến nay đã chết mất hơn 20 đàn rồi. Những đàn ong còn lại tuy chưa xoá sổ nhưng cũng chỉ còn non nửa quân số ong thợ.

Tính sơ sơ cũng thiệt hại ngót trăm triệu đồng. Khổ một nỗi, tuy nghề ong ở Sơn La đã có tới hơn nửa thế kỷ, lại là một nguồn thu nhập đáng kể nhưng từ trước tới nay con ong mật không được nằm trong danh sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai. Mà con ong mật lại không chịu được khói nên không thể đốt lửa cho nó sưởi, vì vậy cứ lạnh là chết thôi. Bao nhiêu khoản đầu tư vào ong đều vay ngân hàng cả, lãi trả hàng tháng có bớt được đồng nào đâu. Ong chết coi như người nuôi ong cũng chết…