Ban đầu mang tên "Lucy", chiếc máy bay ném bom B-17 mang số hiệu 666 của Phi đoàn Ném bom 43 Mỹ trở nên nổi tiếng vào năm 1943 vì luôn trở về sau mọi nhiệm vụ, bất chấp việc mang đầy vết thương trên thân mình do hỏa lực đối phương.
Nhưng với quá nhiều lần bị thương trong chiến đấu, Lucy bị gọi là "chiếc máy bay bị nguyền rủa" và không tổ bay nào muốn nhận chiếc oanh tạc cơ này, khiến nó bị đưa vào danh sách chuẩn bị tháo dỡ lấy phụ tùng. Nhưng đó cũng là lúc chiếc 666 đi vào lịch sử của không quân Mỹ trong Thế chiến II, theo War History.
Tổ bay do đại úy Jay Zeamer chỉ huy luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, nhưng lại thường xuyên vi phạm quy định tại căn cứ Port Moresby của Mỹ tại Papua New Guinea. Hành vi thiếu kỷ luật khiến họ bị xếp vào cuối danh sách thực hiện nhiệm vụ trên máy bay ném bom B-17 và phải chờ đợi chiếc máy bay mới trong thời gian dài.
Tuy nhiên, một nhiếp ảnh gia đã gặp gỡ Zeamer và đề xuất đưa họ tới chiếc 666 xui xẻo. Những người bình thường đều từ chối bay trên chiếc oanh tạc cơ này, nhưng Zeamer nhanh chóng chấp nhận thử thách.
Chiếc B-17 được vũ trang mạnh nhất trong lịch sử
Máy bay số 666 cần được tân trang trước khi trở lại chiến đấu. Mỗi chiếc B-17 được trang bị 13 súng máy để tự vệ, nhưng đại úy Zeamer quyết định biến nó thành một pháo đài với 19 súng máy. Toàn bộ các khẩu súng cỡ nòng 7,62 mm được thay thế bởi súng cỡ nòng 12,7 mm với hỏa lực và tầm bắn lớn hơn.
Một chiếc B-17 trong khi bay. Ảnh: Boeing.
Tổ lái còn bổ sung một ụ súng cố định, cho phép khai hỏa từ vị trí của phi công. Họ còn mang theo nhiều khẩu súng máy dự phòng để có thể dễ dàng thay thế những vũ khí bị kẹt đạn trong quá trình chiến đấu. Khi quá trình tân trang hoàn tất, chiếc 666 trở thành máy bay B-17 được vũ trang mạnh nhất trên toàn bộ chiến trường Thái Bình Dương và được đặt tên là "Lão 666".
Đến ngày 16/6/1943, tổ bay của Zeamer quyết định tình nguyện nhận một nhiệm vụ mạo hiểm, đó là đơn thương độc mã bay vào khu vực Bougainville do quân Nhật kiểm soát để chụp ảnh trinh sát địa hình quanh.
Khi cách mục tiêu 900 km, đại úy Zeamer phát hiện khoảng 17 tiêm kích Mitsubishi Zero của Nhật đang cất cánh. Tổ bay Mỹ vẫn quyết định tiếp tục nhiệm vụ để phục vụ cho đợt tấn công mới của quân Đồng minh. Các tiêm kích Nhật bắt đầu lượn quanh 666 để chuẩn bị tấn công.
Trận không chiến 1 đấu 17
Ngay khi nhóm Zero tiếp cận, đại úy Zeamer khai hỏa ụ pháo phía trước, bắn hạ ít nhất một chiếc Zero. Đạn pháo 20 mm của tiêm kích Nhật sau đó bắn trúng buồng lái và mũi máy bay, làm đại úy Zeamer và thiếu úy Joseph Sarnoski bị thương nặng.
Một tiêm kích Zero được phục dựng. Ảnh: Japan Times.
Sarnoski bị đẩy ra khỏi mũi máy bay vì các quả đạn nổ của Nhật. Anh ta bị mất máu rất nhanh, nhưng vẫn bò trở lại ụ súng để bắn hạ một tiêm kích Zero khác trước khi chết. Zeamer bị nhiều vết thương ở tay chân dẫn tới mất máu, nhưng vẫn tiếp tục điều khiển chiếc B-17.
Đợt tấn công tiếp theo của tiêm kích Nhật phá hủy hệ thống cung cấp ôxy trên oanh tạc cơ Mỹ, buộc tổ bay phải hạ độ cao xuống 4.600 m để thở được bình thường. Nhóm tiêm kích Nhật tiếp tục nã đạn vào chiếc B-17 trong 45 phút tiếp theo. Tuy nhiên, tổ bay của Mỹ không chịu bỏ cuộc, họ bắn rơi ít nhất 5 chiếc Zero khác trước khi cạn nhiên liệu và phải quay về căn cứ.
Khi chiếc 666 trở về tới căn cứ trong tình trạng hư hỏng nặng, 6 người trong tổng số 9 thành viên tổ bay đã chết hoặc bị thương nặng. Nhóm kỹ thuật viên dưới đất tưởng Zeamer đã chết, nhưng anh ta tỉnh dậy ngay sau đó.
Sau trận chiến này, cả Zeamer và Sarnoski đều được trao Huân chương Danh dự, phần thưởng cao quý nhất của quân đội Mỹ, vì hành động chiến đấu dũng cảm. Những người còn lại được thưởng Huân chương Chữ thập Anh dũng, phần thưởng cao quý thứ hai chỉ sau Huân chương Danh dự. Chiếc 666 cuối cùng được đưa về Mỹ năm 1944 và bị tháo dỡ không lâu sau đó.