…Cái cảm giác thời gian khổ còn vương vất đâu đó trên gương mặt thế hệ công nhân những năm bao cấp khiến tôi lại nhớ kỷ niệm một thời chưa dễ quên… Ngày ấy chúng tôi, ngoài công việc cơ quan đều có một nghề tay trái là… chụp ảnh dạo. Nông trường chè Đăk Đoa là nơi những tay máy như chúng tôi hay lui tới bởi công nhân hầu hết là thanh niên.
Cũng chẳng có thời gian để hỏi han về đời sống nhưng chỉ thoáng nhìn cũng đủ hình dung: Những dãy nhà tập thể vách đất thấp tè, mái tranh tã tượi vì gió đánh. Giữa ban ngày, vào mỗi ô tập thể ấy cứ có cảm giác như chui vào hang gấu… Cũng như chúng tôi, công nhân đều phải làm “tay trái” để sống. Họ vào rừng lấy măng trống lúa, đậu nành…
Chị Nguyễn Thị Hảo khi nghe tôi nhắc lại thời cơ khổ kể: “Vợ chồng em làm cật lực, ngày công cao nhất đội mà lương hai người gộp lại chỉ hơn 1 triệu đồng…”.
Sân phơi cà phê của Công ty. |
Cho mãi đến năm 1999, khi hiệu quả kinh tế kém của cây chè đã quá rõ ràng, nông trường mới chuyển sang trồng cà phê chè. Lại một sai lầm kế tiếp bởi loại cây này không hợp thổ nhưỡng, sâu bệnh nhiều, năng suất kém. Công ty phải ôm gói nợ hơn 4 tỷ đồng. Sai lầm được khắc phục sau đó bằng việc chuyển sang trồng cà phê vối. Năm 2002, chuyển sang kinh doanh. Khó khăn đang chồng chất thì năm 2005, Công ty Chè – Cà phê Đăk Đoa được nhập về Công ty Cà phê Ia Sao. Năm 2011 mới được tách ra để trở thành Công ty Cà phê Đăk Đoa…
Cứ ngỡ sau chặng đường “trồng chặt, nhập tách”, công ty sẽ ổn định để chuyên tâm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh thì năm 2011 lại xảy ra “biến cố”… Số là trước đây nông trường giao khoán vườn cây cho công nhân theo phương thức “khoán trắng” – nghĩa là công nhân tự lo mọi khoản đầu tư, cuối vụ nộp sản phẩm cho nông trường theo kiểu “phát canh thu tô”.
Kinh nghiệm cho thấy các đơn vị khoán theo phương án này đã dẫn đến rất nhiều hậu quả tiêu cực: Vườn cây bị khai thác kiệt quệ theo kiểu “ăn xổi” – nhất là với những hộ không đủ năng lực đầu tư. Sản phẩm không quản lý được dẫn đến nợ nần dây dưa… Với phương án khoán mới, công nhân phải giao nộp 7,286 tấn cà phê (quả tươi) nhưng toàn bộ các khâu đều do công ty đầu tư. Vườn cây được giao khoán lâu dài cho công nhân…
Cũng nói thêm là phương án khoán này đã được Tổng Công ty Cà phê Việt Nam áp dụng cho tất cả các đơn vị thành viên và đều được người lao động chấp nhận. Tuy nhiên với công ty, một số công nhân vẫn muốn theo phương án cũ. Mặc dù được Ban Giám đốc đưa ra họp bàn nhiều lần, thảo luận dân chủ nhưng một số người vẫn cố tình hiểu lệch vấn đề. Không những thế họ còn tìm cách kích động gây rối, không giao nộp sản phẩm cho Công ty… Vụ việc đã khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Tư tưởng công nhân được ổn định sau đó…
*
* *
Tôi đến công ty khi đơn vị vừa thu hoạch xong một vụ cà phê thắng lợi… Ông Lê Ngọc Ánh – Giám đốc Công ty cho biết: Với diện tích 336ha, năm nay công ty đã đạt tổng sản lượng gần 5.000 tấn. Dẫn đầu là đội 3 với năng suất bình quân đạt hơn 19 tấn. “Kiện tướng” của đội này là bà Phạm Thị Nguyệt, người có năng suất cà phê đạt tới 27,7 tấn. Đứng nhì là đội 4 với năng suất bình quân đạt 17 tấn và “quán quân” của đội này là ông Nguyễn Trọng Dũng đạt gần 27 tấn. Đội thấp nhất cũng đạt bình quân 11,5 tấn…
Như vậy với mức khoán chỉ hơn 7 tấn thì phải hơn 99% công nhân vượt khoán (chính xác là toàn công ty chỉ có 5 hộ không vượt khoán)… Không nghi ngờ gì nữa, trong tất cả các doanh nghiệp cà phê trên địa bàn Gia Lai, Công ty Cà phê Đăk Đoa chắc chắn là một trong những đơn vị có năng suất cao nhất, một mặt bằng năng suất lý tưởng – và đặc biệt với năng suất mà các “kiện tướng” kể trên đạt được thì có thể nói là rất hiếm trong các doanh nghiệp nhà nước hiện nay…
Đang định xuống đội 3 để tìm hiểu đời sống và tư tưởng công nhân sau một vụ mùa thắng lợi thì tôi đã tình cờ gặp đội trưởng Nguyễn Thị Hảo ở sân phơi. Chị Hảo cho biết: Là đơn vị dẫn đầu về năng suất của công ty, đương nhiên đội 3 không chỉ 100% công nhân đều vượt khoán mà còn vượt rất cao. Ngoài “quán quân” là bà Phạm Thị Nguyệt, các chị Nguyễn Thị Xuyến, Mai Thị Hiền cũng vượt khoán đến 17 – 18 tấn…
Thử làm một phép tính nhanh: Với thời giá hiện tại, hộ vượt khoán cao sau khi trừ khoán; trừ tiền lương (30 triệu đồng năm) còn lãi tới hơn 100 triệu đồng… Thu nhập khá, công nhân rất phấn khởi, ổn định tư tưởng; chất lượng vườn cây không những được giữ vững mà công nhân còn bỏ vốn đầu tư thêm để nâng cao hơn nữa năng suất vườn cây…
Cái mới đến phải trải qua thử thách có lẽ cũng là điều tất yếu. Điều quan trọng là cái mới ấy có sức thuyết phục đến đâu đối với cuộc sống người lao động… Với Công ty Cà phê Đăk Đoa, niên vụ 2012 có lẽ cũng đã đủ chứng minh… Không có phép nhiệm màu nào có thể giúp một doanh nghiệp kinh doanh thắng lợi nếu không có sự đồng thuận của công nhân và người lao động. Với công ty, sự đồng thuận này sẽ đánh dấu một bước khởi động để công ty không những vững vàng trong tâm thế hiện tại mà còn là động lực mạnh mẽ để tiếp tục tiến lên phía trước…
Ngọc Tấn