Năm cũ Bính Thân 2016 đã chính thức qua đi, để lại trong mỗi người dân nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Có người tạm hài lòng với những gì nền kinh tế - xã hội đạt được, cũng có người nuối tiếc và đặt giả thuyết có thể làm tốt hơn.
Cá nhân tôi hoàn toàn đồng tình với những kết quả mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rất gọn trong Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào sáng ngày 28.12.2016 rằng: “Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế khá (CPI tăng 4,74%; GDP tăng 6,21%, cao hơn các nước đang phát triển ở châu Á: 5,5%, khu vực Đông Nam Á: 4,5%); Dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi bà con nông dân Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. VGP
Tôi cũng khấp khởi mừng khi nhìn vào chỉ số phát triển doanh nghiệp đã cho thấy sự khởi sắc, nhiều doanh nghiệp được thành lập, có doanh nghiệp hoạt động cầm chừng đã trở lại hoạt động hiệu quả hơn (110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 891.000 tỷ đồng, 27.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động).
Lần đầu tiên, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục (15,8 tỷ USD) đủ cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến ưu tiên của các doanh nghiệp nước ngoài.
Thế nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, dù nỗ lực và có kết quả là vậy, dù môi trường kinh doanh của doanh nghiệp đã được cải thiện (xếp thứ 82/190, tăng 9 bậc so với năm 2015) nhưng xếp hạng quốc tế về năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo lại giảm tới 4 bậc (vị trí 60; đứng thứ 6 trong các nước ASEAN). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2016 giảm 7 bậc, xếp hạng 59 trong tổng số 128 quốc gia, vùng lãnh thổ (đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á). Đó cũng là điều đáng lo.
Ấy là chưa kể không ít dự án nghìn tỷ bị thua lỗ, vốn Nhà nước bị mất, các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn, rủi ro cao, trong đó có một số ngân hàng được mua lại với giá chỉ 0 đồng. Đó là tồn tại sẽ cần khắc phục.
Trong bối cảnh đó, người đứng đầu Chính phủ không ít lần nhấn mạnh việc cần phải xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính.
Chính phủ sẽ dành gói 60.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao. VGP
Xét về ngữ nghĩa, “liêm” tức là trong sạch, “chính” là thẳng thắn. Biểu hiện rõ ràng nhất của việc liêm chính, kiến tạo và hành động là không tham nhũng, tham ô, không quan liêu hay tham quyền cố vị, triệt để thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, quyết tâm xây dựng chính quyền gần dân trên cơ sở cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính công và thực sự xem việc được phục vụ nhân dân là hạnh phúc... Chính phủ kiến tạo gắn với nhân dân khởi nghiệp.
Trong một lần trả lời phỏng vấn đài Truyền hình Công an Nhân dân (ANTV) trong vai trò cử tri, khi được phóng viên ANTV hỏi tôi rằng: Anh đánh giá như thế nào về động thái của Chính phủ trong thời gian qua. Lúc ấy, tôi đã trả lời mà không nghĩ ngợi rằng: Ngoài những chỉ đạo quyết liệt, rõ ràng, dễ hiểu của người đứng đầu Chính phủ, tôi thấy rõ hiệu quả từ việc thành lập và đưa vào hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Dù chỉ một thời gian ngắn nhưng nhiều chỉ đạo của Chính phủ được các bộ, ngành, địa phương thực hiện một cách nghiêm túc hơn bằng việc quy định rất rõ chức năng và quyền hạn như: “Tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.
Cá nhân tôi được biết, từ khi ra đời tới hết năm 2016, Tổ công tác đã thống kê được số nhiệm vụ được Thủ tướng, Chính phủ giao là 10.205 nhiệm vụ, đã hoàn thành 6.367 nhiệm vụ, chưa xong 3.838 nhiệm vụ (trong đó có 3.656 nhiệm vụ đang trong thời hạn giải quyết). Rõ ràng đây là một con số vừa mừng, vừa lo. Mừng vì từ nay những việc mà Chính phủ giao đã có bộ phận kiểm tra, giám sát, đốc thúc. Lo vì một số địa phương còn quan liêu, đủng đỉnh quá.
Chả vì thế mà trong cuộc làm việc ngày 15.9 với UBND thành phố Hà Nội, Hà Nội báo cáo với đoàn công tác rằng “Chính phủ, Thủ tướng giao UBND Thành phố Hà Nội thực hiện 95 nhiệm vụ. Trong đó, đã hoàn thành 47 nhiệm vụ, còn 48 nhiệm vụ đang trong hạn thực hiện, không có nhiệm vụ nào quá hạn” thì Tổ trưởng Tổ công tác này là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói ngay, Hà Nội hiện có tới 9 nhiệm vụ quá hạn, trong đó nổi bật là vụ xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, đã quá hạn tới 76 ngày. Tổ trưởng Tổ công tác cũng truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội phải làm rõ, giải trình với Tổ công tác về một số vấn đề như việc 2 người thiệt mạng vì xe chở tôn tại Thủ đô, tình trạng xe dù bến cóc; việc duy tu, cắt tỉa cây xanh, thảm cỏ...
Hay như sau đó 1 tháng, tại TP.HCM, khi làm việc với UBND thành phố này về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Tổ công tác đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng rằng Thủ tướng yêu cầu hết sức quan tâm công tác phòng chống tội phạm. Công an Thành phố đã hứa với Bí thư, Chủ tịch TP.HCM đẩy lùi nạn cướp giật, nay đã có xu hướng giảm nhưng vẫn còn. Cùng với đó là tình trạng buôn bán hàng giả, hàng lậu còn nhức nhối.
Có một thực tế, trước đây, trong những nhiệm kỳ trước, khi nhận được thông tin từ dư luận cũng như những phản ánh từ tổ chức, cá nhân, các thành viên của Chính phủ đều có động thái chỉ đạo khá kịp thời. Thế nhưng, những chỉ đạo có bị “ngâm” ở địa phương hay không thì chỉ có “trời mới biết”. Thời điểm ấy, “bên trên” thì đã yên tâm rằng có chỉ đạo rồi phía dưới sẽ thực hiện và “phải thực hiện”. Thế nhưng thực tế không phải vậy. Tôi biết nhiều chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ các nhiệm kỳ trước dù đề hạn phải báo cáo cụ thể nhưng có nơi đã “ỉm” luôn, không thực hiện hoặc kéo dài vì lý do nào đó. Tôi cũng biết có những chỉ đạo phải 3-4 lần ra văn bản yêu cầu và dời thời hạn lại.
Năm 2016 cũng là một năm hàng loạt các tỉnh miền Trung phải hứng chịu những đợt lũ lụt lịch sử. Thế nhưng, thật kỳ lạ, trong nghịch cảnh đó, người dân cả nước lại siết chặt tay với đồng bào miền Trung. Chỉ trong thời gian rất ngắn, hàng triệu món hàng, suất quà, tổng giá trị nhiều nghìn tỷ đồng đã được người dân cả nước gửi tới người dân miền Trung ruột thịt. Đã có những người nằm xuống vĩnh viễn khi xung phong, tình nguyện đi cứu trợ đồng bào miền Trung lũ lụt. Để rồi từ mồ hôi, mất mát đó, miền Trung yêu thương đứng lên quật cường và mạnh mẽ hơn.
Và một biểu hiện sinh động nhất là dù thiệt hại nặng là vậy nhưng ngành nông nghiệp vẫn bứt phá ngoạn mục, đem về giá trị xuất khẩu cho đất nước tới hơn 32 tỷ USD. Và gần đây nhất, giữa tháng 12, tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định dành gói tín dụng lên tới 60.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất có thể. Đây là tin vui bởi ai cũng hiểu chỉ có cách phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì không chỉ miền Trung mà nhiều vùng miền khó khăn trên cả nước, bất lợi về thời tiết mới đủ sức chống chịu lại với tự nhiên.
Rồi vụ việc xử lý kỷ luật nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương với ông Vũ Huy Hoàng về những sai phạm mà ông này gây ra trong quá trình công tác. Tôi đi đâu cũng nghe người dân bàn tán về mức kỷ luật này. Người thì bảo việc xóa chức nguyên Bộ trưởng với ông Vũ Huy Hoàng có vẻ hình thức nhỉ, nhiều người thì bảo đây là mức kỷ luật rất nghiêm, thực chất. Bàn tán nhưng tựu trung lại tất cả đều “khoan khoái” với việc phải xử lý kỷ luật kể cả khi cán bộ cấp cao có sai phạm đã nghỉ hưu, “tính bài hạ cánh an toàn”.
Năm cũ là vậy, nhìn sang năm 2017, có lẽ sự kiện được chờ đợi nhất chính là Hội nghị cấp cao APEC 2017 mà chúng ta là nước chủ nhà. Một nước chủ nhà với tâm thế và sức vóc khác hoàn toàn so với cách đây 10 năm (2006).
Tại hội nghị cấp cao APEC tháng 11.2006, tôi còn nhớ như in hình ảnh các nhà lãnh đạo thế giới mặc áo dài truyền thống của Việt Nam và vẫy tay chào, cùng ngồi lại thưởng thức tinh hoa ẩm thực, văn hóa của đất nước ta. Cách đây 10 năm, từ một Việt Nam thường được nhắc tới với hình ảnh là một dân tộc anh hùng, là hình tượng cho những dân tộc đã và đang bị áp bức trên khắp địa cầu thì Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế thời điểm ấy (2006) còn định vị là một quốc gia đang tiến hành mạnh mẽ công cuộc đổi mới với những kết quả làm kinh ngạc các nguyên thủ của nhiều quốc gia hùng cường.
Và giờ sau 10 năm, trải qua biết bao thăng trầm cùng với diễn biến kinh tế thế giới khi đã hội nhập sâu và rộng vào tài chính toàn cầu. Một Việt Nam với sức vóc và tâm thế mới lại lần nữa chào đón những nhà lãnh đạo hàng đầu của các quốc gia để tự tin giới thiệu về những thành quả và tiềm năng, tương lai cũng như cam kết của mình, về hình ảnh quốc gia, truyền thống và văn hóa, lẽ đạo hiếu của dân tộc.
Trong thời khắc này, chúng ta cùng chào đón năm mới với tâm thế mới. Người dân kỳ vọng rằng bên cạnh những chỉ đạo kịp thời, cần kíp giúp giải tỏa những bức xúc tạm thời rất cần có thêm những quyết sách lớn giúp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân và việc chống tham nhũng cũng cần quyết liệt, thực chất và mạnh mẽ hơn.