Dân Việt

Thông điệp đầu năm của Thống đốc Lê Minh Hưng

Trần Giang 28/01/2017 09:23 GMT+7
Trao đổi với Dân Việt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng nhấn mạnh năm 2017 là năm nhiều thách thức với ngành ngân hàng, đòi hỏi phải rất nỗ lực, đặc biệt là vấn đề xử lý nợ xấu, xử lý ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, định hướng năm 2017 là tăng cường hơn nữa an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

img

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

Tất cả những thông điệp này đã được Thống đốc Lê Minh Hưng hiện thực hoá bằng việc ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017 ngay trong những ngày cận tết Nguyên Đán (ngày 25.1).

Sẽ áp hệ số rủi ro cao hơn đối với những phân khúc rủi ro

Thống đốc có nói năm 2017 là năm thách thức với ngành ngân hàng. Ông có thể đề cập rõ hơn về những thách thức này?

Năm 2017, Quốc hội và Chính phủ đạt ra chỉ tiêu tăng trưởng là 6,7%, lạm phát 4%, nếu nhịn từ góc độ ngân hàng, phải thẳng thắn mà nói đây là một chỉ tiêu rất thách thức đòi hỏi nỗ lực rất lớn.

Điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của chúng ta không giống như các nước đó là chúng ta phục vụ đa mục tiêu: Kiểm soát được lạm phát; hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; giữ ổn định tỷ giá... Tất cả những mục tiêu đó đôi khi mâu thuẫn lẫn nhau đòi hỏi chúng ta trong hoạch định, điều hành và sử dụng công cụ chính sách tiền tệ phải rất linh hoạt.

Nhưng quan điểm của NHNN khi báo cáo Quốc hội và Chính phủ chúng tôi kiên định mục tiêu đạt ổn định vĩ mô, đây là bài học thấm thía của hệ thống ngân hàng trong việc giữ ổn định cho nền kinh tế, đảm bảo cho sự tăng trưởng cho nền kinh tế của chúng ta trong trung hạn.

Tuy nhiên, áp lực lên lạm phát là rất lớn. Thứ nhất là mục tiêu tăng trưởng lớn đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn. Thứ hai là trong bối cảnh giá thế giới có xu hướng tăng trở lại mấy năm qua đã ở mức đáy, mức rất thấp gây áp lực lên giá cả trong nước. Thứ ba là có một số mặt hàng tiếp tục tăng giá trong năm tới thì đó là nhưng áp lực rất lớn lên điều hành chính sách tiền tệ cho nên chúng ra phải kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô.

Với tình hình này, nhiệm vụ khó khăn vẫn là phải tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất.

Một vấn đề nữa đó là mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 là 18%. Tuy nhiên, đây chỉ là định hướng, chúng ta sẽ linh hoạt tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô và điều kiện hoạt động ngân hàng trong nước để có những điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp.

Quan điểm của NHNN rất nhất quán tiếp tục chỉ đạo tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt tập trung vào chất lượng tín dụng.

Vấn đề thứ ba là về điều hành tỷ giá. Chúng ta rất may là có cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm, nhờ cơ chế đó thị trường ngoại tệ vận hành rất hiệu quả, kể cả những lúc căng thẳng nhất. Năm 2017 chúng ta tiếp tục duy trì có chế này nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều.

Thống đốc có thể nói rõ hơn về định hướng tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng trong năm 2017, đặc biệt là những lĩnh vực cần được ưu tiên vốn, lĩnh vực cần phải hạn chế?

Cần phải nói rõ, NHNN sẽ vẫn quản lý hạn mức tín dụng của các ngân hàng. Trong điều kiện hiện nay, mặc dù NHNN cũng không muốn can thiệp bằng các biện pháp hành chính nhưng để kiểm soát để ổn định vĩ mô thì chúng ta vẫn phải xem xét kiểm soát mức độ tăng trưởng tín dụng.

"Chúng tôi đã chỉ đạo sẽ tăng cường công tác giám sát thanh tra trong những phân khúc rủi ro này. Đặc biệt trong quy định về an toàn, có thể sẽ chỉ đạo Cơ quan thanh tra giám sát NHNN ngay đầu năm 2017 phải tham mưu báo cáo Ban lãnh đạo để sửa đổi Thông tư 06, đưa ra những tỷ lệ quy định an toàn mới, áp những hệ số rủi ro cao hơn đối với những phân khúc rủi ro", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Tất nhiên, mức độ năm nay phải có sự linh hoạt hơn, những TCTD nào có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên thì chúng ta cũng có thể phân bổ hạn mức phù hợp hơn hoặc những phân khúc tín dụng có hạn mức riêng để có sự hài hòa, linh hoạt.

Lĩnh vực ưu tiên đó là cho vay nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất.

Trong tín dụng, chúng ta cũng nhìn nhận có một số phân khúc mà đã cho thấy có rủi ro, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực BOT, BT giao thông.

Chúng ta phải đánh giá những phân khúc nào tiềm ẩn rủi ro, áp dụng những tỷ lệ, hệ số an toàn cao hơn. Đây là yêu cầu cần thiết để đảm bảo an toàn hệ thống TCTD. Đặc biệt lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nếu phát hiện vấn đề chúng ta phải thanh tra ngay để xử lý.

Sẽ có những quy định rõ ràng về nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém

Vấn đề xử lý nợ xấu, chúng ta đã đề cập đến là một yêu cầu bức thiết cần xử lý nhanh nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt pháp lý kiến việc xử lý nợ xấu vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Năm 2017 những vướng mắc sẽ được giải quyết như thế nào, thưa Thống đốc?

Những vướng mắc trong xử lý nợ xấu về cơ bản đã có hưởng giải quyết vì đã được Bộ Chính trị, cơ quan thường trực Chính phủ cũng đồng ý có Luật mới, tạm gọi là Luật hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu với 3 nội dung quan trọng.

Thực tế, vấn đề quan trọng nhất của xử lý nợ xấu là quyền tài sản và bảo vệ quyền chủ nợ, xử lý tài sản đảm bảo vướng mắc từ Bộ Luật Dân sự. Kể từ Bộ luật Dân sự 2015, Luật Bất động sản, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu giá tài sản... Tất cả đã được rà soát và đưa vào trong khuôn khổ luật này.

Theo đó, Bộ Chính trị, cơ quan thường trực Chính phủ đã cho phép làm luật theo trình tự rút gọn, cố gắng rút ngắn trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5.2017. Những vấn đề vướng mắc trong luật phải đặt ra để Quốc hội đồng ý sửa đổi, tháo gỡ vướng mắc xử lý nợ xấu.

img

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Trách nhiệm của các TCTD trong việc tham gia vào quá trình dự thảo, đánh giá tổng kết dự thảo, góp ý dự thảo nội dung về Luật, gửi tới NHNN làm sao chúng ta có dự thảo Luật chất lượng để NHNN báo cáo Bộ Chính trị và trình ra Quốc hội.

Ngoài ra, những vướng mắc liên quan đến Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chúng tôi cũng đã có văn bản gửi trực tiếp cho đồng chí Chánh án TAND, đồng chí Viện trưởng VKSND đề nghị có nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, có nghị quyết chỉ đạo TCTD thống nhất quan điểm xử lý các vụ việc liên quan đến phát mại tài sản, xử lý tài sản ở các cấp toà, cấp viện.

Đôi khi không vướng về mặt pháp luật nhưng vướng ở khâu thực thi pháp luật, cách hiểu luật. Ở nhiều địa phương, nhiều nơi, nhiêu cấp có thể còn khác nhau cản trở rất nhiều tiến trình xử lý nợ xấu.

Trong Luật mới này, chúng ta có đề cập tới nguồn lực xử lý nợ xấu lấy từ đâu không, thưa Thống đốc?

Việc xử lý nợ xấu là trách nhiệm của hệ thống các TCTD bằng chính lợi nhuận của mình.Không có nguồn lực nào của Nhà nước để có thể hỗ trợ. Nếu có lợi nhuận, tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng xử lý nợ xấu.

Đừng nói ngân sách không có trách nhiệm. Tăng trích lập sẽ giảm nộp ngân sách. Đó là biện pháp Ngân sách nhà nước hỗ trợ gián tiếp trong quá trình xử lý nợ xấu.

Cùng với đó, NHNN đã có những giải pháp để tăng cường hoạt động của VAMC. Với việc tạo lập khuôn khổ pháp lý, chúng ta có đầy đủ pháp lý để mua bán nợ theo thị trường, có cơ sở pháp lý cho nhà đầu tưu nước ngoài tham gia. Quan trọng nhất là có đủ cơ sở pháp lý để VAMC hỗ trợ các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu. Đó là trách nhiệm lớn nhất của VAMC trong năm 2017.

Vậy còn vấn đề xử lý những ngân hàng yếu kém thì sẽ thực hiện như thế nào, thưa Thống đốc?

Trong Luật mới sắp trình, NHNN sẽ phải bổ sung các quy định đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể hơn về tái cơ cấu và xử lý các ngân hàng yếu kém. Vừa rồi chúng ta chịu áp lực và đôi khi do không đủ thông tin, không đủ hiểu biết đầy đủ để nói về việc mua lại ngân hàng 0 đồng.

Nếu không mua  ngân hàng 0 đồng (GPBank, VNCB, OceanBank – pv) thì chúng ta xử lý thế nào? Ngân hàng, kể cả tư nhân đổ vỡ thì ai xử lý? Khi xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt, không Chính phủ, không NHNN thì ai? Nên việc mua lại hay không mua lại 0 đồng, trách nhiệm cuối cùng khi xảy ra đổ vỡ vẫn là NHNN.

Nếu mua ngân hàng 0 đồng chúng ta có những công cụ mạnh hơn để có thể thực hiện, hỗ trợ tái cơ cấu. Tuy nhiên khi làm Luật chúng ta chưa lường trước được có những tình huống như vậy.

Nhưng trên thực tế khi đã có tình huống như vậy, chúng ta phải luật hoá để đảm bảo có hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, rõ ràng và tạo điều kiện cho ngành ngân hàng có đủ thẩm quyền khi chúng ta xử lý các ngân hàng yếu kém. Với việc luật quy định như thế này, việc xử lý ngân hàng yếu kém sẽ mạnh tay hơn, sẽ quyết liệt hơn.

Thực tế, những yếu kém của ngành ngân hàng không chỉ nằm ở những ngân hàng yếu kém, mà còn nhiều vấn đề như sở hữu chéo, vốn ảo. Những vấn đề này sẽ được xử lý như thế nào trong năm 2017?

Một vấn đề nữa NHNN đưa vào trong Luật mới, đó là sẽ tiến hành sửa đổi một số điều của Luật các TCTD. Các vấn đề tồn tại của hệ thống ngân hàng là rất nhiều. Mấu chốt yếu kém chính ở việc sở hữu chéo, đầu tư chéo, thôn tính, sử dụng ngân hàng vào mục đích “công ty sân sau”. Đây là việc nhức nhối, gây mất an toàn hệ thống nên quy định trong luật TCTD cần phải quy định cụ thể hơn, minh bạch và khắt khe hơn.

Ví dụ dòng tiền đầu tư vào mua cổ phần, cổ phiếu ở một tỷ lệ nào đó phải chứng minh được nguồn gốc dư nợ, tiền hợp pháp hợp lệ. Không được sử dụng nguồn vốn vay dưới bất cứ hình thức nào. Cá nhân điều hành, tham gia HĐQT điều hành quản trị ngân hàng nếu vi phạm thì vĩnh viễn không tham gia quản trị điều hành ngân hàng nữa. Đó là những quy định cụ thể, minh bạch để chúng ta ngoài an toàn hệ thống còn là trách nhiệm với đất nước.

"Vấn đề quản trị ngân hàng cũng phải minh bạch, tất cả các công ty và doanh nghiệp mà ngân hàng tham gia và có liên quan. Chúng ta không cấm, pháp luật không cấm nhưng phải công khai minh bạch để thấy được sự liên kết giữa doanh nghiệp kinh tế với công tác quản trị ngân hàng.

Còn nhiều những vấn đề quy định trong TCTD cần phải được minh bạch, cần thực hiện trên thực tế. Nếu chúng ta không không luật hoá và không có những quy định hệ thống khó an toàn và bền vững.

NHNN không nói nhiều, nhưng những gì đã nói đã làm và làm bằng được, những gì kiên quyết sẽ kiên quyết, ngân hàng nhỏ cũng như ngân hàng lớn, quan trọng nhất là chất lượng. Xử lý phải công bằng, đúng quy định của pháp luật, nếu không thì những tồn tại, hạn chế sẽ tiếp tục tái diễn", người đứng đầu ngành ngân hàng nhấn mạnh.

Xin cám ơn Thống đốc!