Dân Việt

Từ 2.2017: Những điều chỉnh về tiền lương và bảo hiểm

Hoàng Mạnh 31/01/2017 07:08 GMT+7
Ban hành mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập đóng BHXH; chính sách hỗ trợ thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự và công an, thanh niên tình nguyện; công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trong Bộ Quốc phòng; thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp viên chức ngành y…

img

Dưới đây là 4 chính sách lao động, tiền lương có hiệu lực từ tháng 2/2017:

1. Quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH.

Cụ thể, Thông tư số 42/2016/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH 2017

Theo đó, có 2 nhóm đối tượng được điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.

Với người tham gia BHXH bắt buộc hoặc đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH, có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1.1.2017 đến ngày 31.12.2017.

Cụ thể, tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội đối với nhóm đối tượng trên được điều chỉnh theo công thức sau:

img

Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng được thực hiện như sau:

Với người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2017.

Thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với nhóm đối tượng trên điều chỉnh theo công thức sau:

img

Trong đó, mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng được thực hiện như sau:

img

2. Chính sách hỗ trợ thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự và công an, thanh niên tình nguyện.

Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH quy định chính sách hỗ trợ học nghề tới thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là thanh niên).

Theo đó, thanh niên có nhu cầu tham gia học nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và chi hỗ trợ kinh phí học nghề, chi hỗ trợ tiền ăn, đi lại theo Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính.

Thanh niên có nhu cầu tham gia học nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng sẽ được hỗ trợ theo quy định của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Ngoài ra, thanh niên thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên được vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

3. Ban hành công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

Cụ thể, Thông tư 02/2017/TT-BQP quy định và hướng dẫn chi tiết về công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trong Bộ Quốc phòng.

Đối tượng điều chỉnh là người chỉ huy (người sử dụng lao động) và quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng, người thử việc, người học nghề, tập nghề để làm việc (người lao động) tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài) thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.

Các đối tượng trên được phân thành 6 nhóm khác nhau. Thời gian huấn luyện lần đầu được quy định như sau:

Ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra đối với nhóm 1, nhóm 4.

Ít nhất là 48 giờ, bao gồm cả thời gian huấn luyện lý thuyết, thực hành và kiểm tra đối với nhóm 2.

Ít nhất là 24 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra đối với nhóm 3.

Ít nhất là 56 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra (Trong đó, thời gian huấn luyện cấp Chứng chỉ chứng nhận chuyên môn y tế lao động ít nhất là 40 giờ, nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động ít nhất là 16 giờ) đối với nhóm 5.

Ít nhất là 4 giờ ngoài nội dung đã được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động đối với nhóm 6.

4. Thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp viên chức ngành y

Cụ thể, Thông tư 43/2016/TT-BYT của Bộ Y tế quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế. Thông tư này áp dụng đối với viên chức chuyên ngành y tế làm việc trong các cơ sở y tế công lập.

Đối tượng điều chỉnh bao gồm các chức danh: bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y tế công cộng, y sĩ, dược, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng, dân số (gọi chung là viên chức chuyên ngành y tế).

Về thời gian tập sự:

Người trúng tuyển chức danh nghề nghiệp y sĩ (hạng IV), điều dưỡng (hạng IV), dược (hạng IV), hộ sinh (hạng IV), kỹ thuật y (hạng IV), dinh dưỡng (hạng IV), dân số viên (hạng IV) phải thực hiện thời gian tập sự 06 (sáu) tháng;

Người trúng tuyển chức danh nghề nghiệp bác sĩ (hạng III), bác sĩ y học dự phòng (hạng III) phải thực hiện thời gian tập sự 09 (chín) tháng;

Người trúng tuyển chức danh nghề nghiệp y tế công cộng (hạng III), dược sĩ (hạng III), điều dưỡng (hạng III), hộ sinh (hạng III), kỹ thuật y (hạng III), dinh dưỡng (hạng III), dân số viên (hạng III) phải thực hiện thời gian tập sự 12 (mười hai) tháng.