Dân Việt

Thanh toán không dùng tiền mặt và hơn 93 nghìn tỷ đồng

Trần Giang 01/02/2017 09:45 GMT+7
Một tuần giáp Tết cổ truyền Đinh Dậu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng 93.482 tỷ đồng qua kênh OMO (thị trường mở) để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng dịp sát Tết mà không có lượng vốn đáo hạn. Con số này cao hơn 67 nghìn tỷ đồng năm 2016 và gần gấp đôi con số 48 nghìn tỷ đồng năm 2013.

img

Con số này không nói lên tất cả nhưng nó phần nào phản ánh được nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế. Thời điểm cận tết là thời điểm cầu tiền của nền kinh tế tăng lên, doanh nghiệp trả lương, thưởng tết cho nhân viên, mua sắm tết… nên số tiền NHNN bơm ra thị trường OMO để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng phần nào cho thấy nhu cầu tiền mặt của người dân vẫn chiếm đa số.

Thanh toán bằng thẻ bị chối bỏ

Chị H. (Đống Đa, Hà Nội) cho biết chị đã là khách hàng thân thiết của chuỗi siêu thị Fivimart của Công ty cổ phần Nhất Nam gần 4 năm rồi nhưng chưa khi nào thanh toán bằng thẻ khi mua hàng được giảm giá. Theo chính sách của siêu thị Fivimart, khách hàng có thẻ hội viên sẽ được giảm giá 3% trên tổng giá trị đơn hàng.

Tuy nhiên, chính sách này chỉ áp dụng với những khách hàng thanh toán bằng tiền mặt, còn thanh toán bằng thẻ thì chỉ được tích điểm chứ không được giảm giá. Khi được hỏi, nhân viên của siêu thị Fivimart trả lời: “Đây là do chính sách của công ty như vậy, bọn em chỉ thực hiện theo”.

img

Trước tết mấy ngày, báo chí có đưa tin về sự việc cửa hàng Bảo tín Minh Châu tại phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) đã từ chối bán hàng cho chị H. (Hà Nội) ngày 25.1 trị giá 50 triệu đồng với lý do chị sử dụng thẻ tín dụng quốc tế JCB của Vietinbank để thanh toán.

Nhân viên của cửa hàng Bảo Tín Minh Châu giải thích “Theo chỉ đạo của cấp trên, tất cả cửa hàng BTMC đã không chấp nhận quẹt thẻ thanh toán từ hai hôm nay rồi. Lý do vì công ty phải quyết toán, rồi tiền mới đổ về công ty, nhưng ngân hàng nghỉ rồi, qua Tết tiền mới đổ về công ty”.

Hoặc tại Vincom, một trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội cũng có không ít gian hàng không khuyến khích khách hàng thanh toán bằng thẻ. Tại một gian hàng mỹ phẩm có thương hiệu lớn của Pháp đến cuối giờ chiều vẫn chưa bật máy quẹt thẻ POS. Thấy có chương trình khuyến mại, chị H. (Giải Phóng, Hà Nội) đã đến mua một vài sản phẩm. Khi chị H. nói thanh toán bằng thẻ, nhân viên cửa hàng này cho biết nếu thanh toán bằng thẻ thì không được hưởng các chương trình khuyến mại nữa.

Chị T. (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, một ngày trời rét trước tết hị phải chạy qua cỡ 10 ATM để rút tiền mà đều thấy thông báo “hết tiền”, còn 2 cấy ATM trong khu đô thị thì lúc nào cũng nườm nượp người vào xem ATM (vì máy báo hết tiền). Không rút được tiền, chị không có tiền để lấy xe gửi qua đêm, may mà nhờ có anh bạn đến chơi mà chị T. đã xin được tiền lấy xe lên phố.. rút tiền. Có lẽ cảnh rút tiền dịp Tết là nỗi khổ không chỉ riêng ai, những người phải sống nhờ lương, thưởng.

Đấy là lý do mà cứ đến cuối năm, những ngày giáp tết tình trạng ATM “nghỉ tết sớm”, hết tiền, người xếp hàng dài chờ rút tiền, các quầy giao dịch ngân hàng đông nghẽn… vẫn diễn ra, dù cho ngành ngân hàng có huy động thêm người để phục vụ khách hàng, tần suất tiếp quỹ tăng lên hay đến tận doanh nghiệp để hỗ trợ trả lương thưởng...

Thanh toán tiền mặt giảm xuống dưới 10% bằng cách nào?

Năm nay, chỉ trong 1 tuần giáp tết, NHNN đã bơm ròng 93.482 tỷ đồng qua kênh OMO, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống dịp sát Tết cổ truyền. Con số này cao hơn 67 nghìn tỷ đồng năm 2016 và gần gấp đôi con số 48 nghìn tỷ đồng năm 2013. Con số này phần nào nói lên một thực tế về nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế đang còn rất cao.

Trong khi đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

img

Theo Đề án này, đến cuối năm 2020, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng;

Tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy Tài chính toàn diện (Financial Inclusion); tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020.

Với một nền kinh tế thích tiền mặt như vậy liệu mục tiêu đến cuối năm 2020 tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% liệu có khả thi?