Dân Việt

Tết là hồn dân hồn nước

Nguyễn Quang Thân 02/02/2017 06:03 GMT+7
Bỏ Tết cổ truyền nhập một với Tết Dương lịch sẽ đưa lại một số lợi ích lớn về kinh tế, thuận cho việc hòa nhập với thế giới hiện đại. Nhưng Tết cổ truyền lại có tầm quan trọng không tính toán được đối với sự “tồn vong” của dân tộc.

Chúng ta đã viết, đã nói quá nhiều trong năm qua (và cả những năm trước) rằng văn hóa dân tộc đang xuống cấp trên cái “dốc không phanh”, rằng, con em đang phải nhận một nền giáo dục lạc hậu, lạc đường, và nguy hiểm hơn nữa, nền đạo đức từ trong gia đình đến ngoài xã hội đang có khủng hoảng, tội ác gia tăng, tội ác đang bị “trẻ hóa”, nạn tham nhũng hoành hành mà chưa gặp khắc tinh, lớp vị thành niên đang bơ vơ giữa ngã ba đường có khuynh hướng quậy phá để tìm lối thoát và đó là miếng đất màu mỡ chuẩn bị sẵn cho tội phạm các loại!

Không có lửa sao có khói? Quả đó là những mối lo có thật, cho từng người, từng gia đình và cả trên bình diện xã hội. Ai mà không bức xúc, không lo lắng khi tội ác và hành vi tiêu cực không chỉ nhan nhản trên mặt báo mà còn phải đụng mặt nó trên đường phố đường làng, trong nhiều gia đình bất hạnh. Trong chiến tranh máu đã đổ quá nhiều, trong những năm tháng hòa bình lại đến phiên của nước mắt. Có những lúc, có những người nghĩ tới mức chúng ta đang mất dần những giá trị văn hóa quý giá nhất mà cha ông xây nên, dành dụm được mà không biết đến bao giờ mới “trở lại ngày xưa”. Có phải thế thật không?

img

Tết là dịp gia đình sum họp, hội tụ

Nhưng mỗi năm mùa xuân lại vẫn đến. Đến sau cái rét, cái khô cằn của mùa đông, cái nóng thiêu người đi kèm với bão với lụt của mùa hạ. Như một cơn gió lành thổi bay bụi bặm, ô nhiễm cả vật chất lẫn tinh thần, mùa xuân mang tới hạt giống hy vọng. Và đào đỏ, mai vàng và những gì gọi là cái tết có điều chi kỳ diệu mà cuốn hút tất cả chúng ta, người Việt, khắp nơi mọi chốn, kể cả những người đang ở bên kia nửa vòng Trái đất đến thế? Sao một nhà văn nữ khá nổi tiếng đang sống với người chồng Pháp và những đứa con không nói tiếng Việt ở Paris với một cuộc sống có thể gọi là sung túc, đã phải cất công tìm củi, tìm lá dong, gạo nếp từ nhiều tháng nay chỉ để gói và luộc được mấy cái bánh chưng? Chị hớn hở khoe công trình của mình trên facebook tuy nhiều người nghĩ chắc gì chồng con chị đã ăn những chiếc bánh nặng tình đất nước ấy vào đêm giao thừa. Sức mạnh gì của mùa xuân của cái tết Việt đã biến đổi thái độ vô cảm vẫn bị lên án hàng ngày của nhiều người thành một sự quan tâm tuyệt đối về một mục tiêu chung, đó là cái tết, cùng “ăn Tết”!

Sau tết, nhiều người đang xới lên chuyện bỏ hay giữ Tết cổ truyền? Riêng tôi, tôi ủng hộ việc giữ lại Tết cổ truyền với tất cả nghi thức, mỹ tục của nó. Kể cả những sự kiêng kỵ nếu vô hại cũng nên giữ (và trong thực tế chúng vẫn được gìn giữ và tuân theo). Bỏ Tết cổ truyền nhập một với Tết Dương lịch sẽ đưa lại một số lợi ích lớn về kinh tế, thuận cho việc hòa nhập với thế giới hiện đại. Nhưng Tết cổ truyền lại có tầm quan trọng không tính toán được đối với sự “tồn vong” của dân tộc.

Như đã nói trên, chúng ta đang chứng kiến sự suy thoái đạo đức và rối loạn kỷ cương của xã hội ở mức độ nhất định. Nguồn gốc hầu như ai cũng thấy rõ nhưng không tiện nói ra. Có lẽ tình hình đáng báo động đến mức mọi người đều thấy cuộc sống đang bất trắc không còn yên lành như trước. Nếu không có sự đồng thuận cao của toàn xã hội và quyết tâm của chính quyền thì sự suy thoái nhiều khi tưởng đã đến mức “không phanh”. Phải chăng, có một thời kỳ dài chúng ta đã quá coi trọng giá trị vật chất mà sao nhãng những giá trị tinh thần, thậm chí coi thường hay phủ nhận chưa có chứng cứ đời sống tâm linh?

Hàng ngàn năm nay, kể cả các nước văn minh nhất, chưa ai khẳng định được đời sống tâm linh có tồn tại không, nếu có thì nó tồn tại như thế nào? Và cũng chưa ai bác bỏ được một cách thuyết phục bất kỳ tín ngưỡng nào. Đã có một thời ấu trĩ trong tư duy, nhiều nơi đã phá đền chùa, dỡ bỏ nhà thờ họ... Đạo thờ cúng ông bà là truyền thống của đa số người Việt (ngay đồng bào Công Giáo cũng đã được nhà thờ cho phép thờ cúng ông bà). Những việc làm báng bổ, thiếu suy nghĩ đó đã không được nhân dân ủng hộ. Hiện nay những thứ bị phá bỏ trước kia đã được “sửa sai”, được dựng lại nhiều khi còn to đẹp đến thái quá. Nhưng xây lại công trình thờ cúng dễ, khôi phục được các giá trị tinh thần mới gian nan.

Các tôn giáo chính ở nước ta như đạo Phật, đạo Công giáo, đạo Thờ cúng Tổ tiên, đạo Hiếu (một số vùng ở Nam Bộ)... đã tồn tại hàng trăm năm nay. Lịch sử có thể ghi nhận sự đóng góp của các giáo lý tuy khác nhau rất nhiều nhưng đều có chung một mục đích. Đó là suy tôn đạo đức, đề cao cái Thiện, diệt trừ cái Ác. Không ai phủ nhận được đạo Phật, đạo Công giáo đã đóng góp rất lớn cho tu dưỡng đạo đức xã hội trong quá khứ cũng như hiện nay. Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong dịp đi thăm đồng bào Công Giáo lễ Noel vừa qua cũng đã nói: “Ở đâu có đồng bào Công giáo ở đó có cuộc sống bình yên và phát triển. Bà con Công giáo góp phần to lớn vào sự phát triển chung của đất nước. (Đại Đoàn Kết 23/12/2016). Tôi tin vào những điều ông nói.

Những mỹ tục “ăn Tết” chứa đựng “của để dành” của đạo đức cổ truyền. Cũng như ngày Chúa Giáng sinh đang thành ngày lễ chung của nhiều người trên thế giới dù họ có là Công giáo hay không, ngày Tết đã từ lâu là lễ chung của cả dân tộc. Không chỉ người lương mà Người Công giáo, Phật tử hay không là Phật tử cũng coi trọng ngày ông Táo lên Trời báo cáo “chuyện nhà” của gia chủ cho thiên đình. Cũng cúng tất niên, cũng mua hoa bày biện ban thờ đón giao thừa với niềm tin lạc quan bước sang năm mới.

img

Và neo giữ những gì tốt đẹp nhất...

Không chỉ nhà chùa mà nhà thờ cũng kết hoa chăng đèn đón năm mới Âm lịch. Vấn đề không phải theo lịch nào mà theo dòng tình cảm chung của cả dân tộc với hàng ngàn năm lịch sử. Tết là dịp hòa giải sâu sắc những khác biệt của quá khứ hoặc mới phát sinh trong cuộc sống năm cũ. Mỗi năm một lần thù hận, xích mích, định kiến được gột rửa để bước sang một năm mới đúng như tên gọi, cái gì cũng mới.

Tết cũng là dịp mọi người, nhất là trẻ con được nhắc lại những cung cách đối xử, thái độ sống cũng như đạo làm người. Trong mấy ngày Tết, nhất là ngày mùng Một, bà mẹ dạy con không được nói tục, chửi bậy, ăn nói nhẹ nhàng, chào hỏi phân minh, tử tế. Trước Tết phải lo trả hết nợ nần trong năm cũ. “Cuối năm mua vôi, đầu năm mua muối” là lời dặn tu sửa nhà cửa, mồ mả cha ông, đình chùa, bàn thờ tổ tiên trước khi năm cũ trôi qua .

Người Việt chăm chút cái ban thờ và đó là một nét văn hóa rất đẹp. Trong nhà cũng như trong lòng người luôn phải có một nơi thiêng liêng. Khi không còn gì gọi là thiêng liêng nữa là đã bước vào cõi suy vong. Tết nhắc người ta lau dọn ban thờ, biểu tượng của cái phao tinh thần, của tình yêu và niềm tin cuộc sống. Ban thờ với mâm ngũ quả, người dương thế chắt lọc một năm lao động cực nhọc dâng lên tổ tiên, ông bà. Và là hoa là chuối là dưa đỏ dưa vàng, xoài thơm, đu đủ ngọt…những trái quý bày tỏ lòng biết ơn của con cháu.

Có lẽ chỉ có những ngày Tết người ta mới nhớ lại tất cả và nghiêm chỉnh thực hiện ít nhất một lần bài học khuôn phép và đạo đức cha ông chắt lót nâng niu truyền lại. Và rõ ràng là, ai cũng nhận thấy và thừa nhận, trong mấy ngày Tết, con người và xã hội tử tế hẳn lên so với trước đó chỉ có mấy ngày (không biết do tác dụng kiêng khem được bao nhiêu phần trăm?). Dù chỉ có một lần trong ngày Tết thì cũng còn hơn không có lần nào trong năm, nó cho người ta niềm tin rằng cái tốt cái đẹp đang còn, đang hướng dẫn con người bước đi giữa cuộc đời trần trụi đầy bạo lực, mánh khóe, thủ đoạn và giả dối. Vẫn có câu nói: Ước gì lúc nào cũng được như ngày đầu năm!

Tết thực sự là một cái mốc đánh dấu bản sắc văn hóa của dân tộc, là cái neo níu lại quá khứ tốt đẹp không để nó tuột đi trong thói đời ô trọc, xấu xa. Tết là cái phanh không cho đạo đức con người tuột dốc đến đáy vô phương cứu chữa. Tết đã là hồn dân hồn nước. Nó sẽ trường tồn, mãi mãi. Trong nguy cơ suy thoái đạo đức, người Việt không nên và cũng không thể bỏ Tết!