Dân Việt

Năm Gà bàn cách chống cúm

Diệu Linh 03/02/2017 10:20 GMT+7
Có lịch sử hơn 100 năm, “gia đình” virus cúm gia cầm đã ngày càng lớn mạnh và làm thay đổi “bản đồ” bệnh tật của con người. Theo GS -TS Trịnh Quân Huấn – chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, đại dịch cúm có thể xảy ra nếu như chúng ta không có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Có thể có 144 loại cúm

Theo GS-TS Trịnh Quân Huấn, cúm nói chung và cúm gia cầm nói riêng có lịch sử rất lâu đời. Cho dù khoa học phát triển với sự tiến bộ vượt trội của y học nhưng vẫn không thể khống chế nổi virus cúm. Các chủng cúm ngày càng mạnh mẽ hơn và sinh sôi thêm nhiều “nhánh” mới.

img

Tiêm phòng, chống dịch cúm gia cầm. Ảnh:  I.T

Theo GS Huấn, lịch sử các dại dịch Cúm cho thấy mức độ lây lan qua đường hô hấp từ châu lục này sang châu lục khác là kinh khủng. Đơn cử như đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919, lan rộng từ Tây Ban Nha sang châu Âu, châu Mỹ, với số người mắc hàng trăm triệu người và khiến hơn 50 triệu người tử vong.  Người ta nghi ngờ đây là sự kết hợp giữa virus chủng A/H1 có nguồn gốc từ   gia cầm với virus H5N1 tạo nên chủng có độc lực cao và lây lan từ người sang người .

Đại dịch cúm châu Á 1957 -1958 và được xãc định từ Trung Quốc lây lan nhanh sang các nước châu Á và châu Mỹ. Đây là chủng cúm A/H2N2 có nguồn gốc từ gia cầm khiến hàng chục triệu người mắc và có khoảng 4 triệu người tử vong. Đại dịch Cúm Hongkong năm 1968 lây lan chóng mặt qua các châu lục Á, Phi, Mỹ và gây tử vong khoảng 1 triệu người. Đây là virus chủng A/H3N2, được nghi ngờ là chủng A/H2N2 ở vịt trời đột biến thành chủng A/H3N2 và lây sang người.

“Qua các vụ đại dịch trên, các nhà khoa học đã phát hiện chủng virus cúm A có 2 loại kháng nguyên H và N. Kháng nguyên H có tới 16 loại từ H1 đến H16, kháng nguyên N có tới 9 loại từ N1 đến N9. Hai kháng nguyên này có thể tái tổ hợp thành 144 nhóm virus khác nhau” – GS Huấn cho biết.

GS Huấn đặc biệt cho biết, nguy hiểm nhất là hiện nay một số virus trước đây có độc lực rất cao như H5N1 chỉ lây ở gia cầm; đặc biêt là lưu hành trên vịt  hàng năm  có thể đột biến hoặc tái tổ hợp với virus cúm H1N1 (là loại virus lây lan qua đường hô hấp ở người, có một phần gen từ cúm gia cầm) để thành một chủng mới có độc lực mạnh. Khi đó virus có khả năng lây lan qua đường hô hấp từ người thì có thể sẽ là “thảm họa” của loài người.

Tuy nhiên, GS Huấn cũng báo tin vui là hiện nay một số chủng virus cúm gia cầm mới đang xu hướng giảm dần độc lực và trở thành cúm mùa. Ví dụ như virus H1N1 gây đại dịch 2009 thì nay trở thành cúm mùa. Một số chủng mới xuất hiện như H7N9, H1N2, H7N7, H9N2… đã được phân lập ở người chỉ gây dịch rải rác và không lây từ người sang người như H1N1.

Luôn cảnh giác

PGS-TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ, năm 2016, tình hình dịch cúm gia cầm đang có diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE) chủng cúm A (H5) tiếp tục được ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, kể từ tháng 6.2016, chim hoang dã và gia cầm ở nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Á như tại Áo, Croatia, Đan Mạch, Đức, Hungary, Ấn Độ, Israel, Hà Lan, Ba Lan, Nga, và Thụy Sĩ được phát hiện nhiễm virus cúm gia cầm A (H5N8). Các nhà khoa học nhận định có mối liên hệ giữa nguyên nhân chết ở chim hoang dã, di cư và các vụ dịch tại các trang trại nuôi gia cầm.

Theo WHO, hiện nay trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc các chủng cúm A (H5) động lực cao như cúm A (H5N1), cúm A (H5N6) tại Trung Quốc, Ai Cập trong năm 2016. Ngoài ra, các trường hợp mắc cúm A (H7N9) cũng được ghi nhận rải rác tại Trung Quốc đại lục và Hongkong.

Đặc biệt, ngày 24.12.2016, Trung Quốc thông báo đã ghi nhận trường hợp cúm A (H9N2) tại Quảng Đông và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm sống. Như vậy, lại thêm một loại cúm gia cầm nguy hiểm khác có thể lây lan sang người.

“Tại Việt Nam mới chỉ ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm cúm A (H5N1) và cúm A (H5N6) tại một số hộ gia đình và không có ca tử vong ở người. Năm 2015, khi các ca cúm gia cầm H7N9 bùng phát ở Trung Quốc, Việt Nam đã tổ chức giám sát nhưng chưa ghi nhận trường hợp gia cầm nào có virus H7N9. Tuy nhiên, sự xuất hiện thêm những chủng cúm mới khiến chúng ta phải cảnh giác hơn. Nguy cơ bùng phát cúm gia cầm và các loại cúm gia cầm mới có khả năng lây lan sang nguời vẫn thường trực” – PGS Phu cho biết.

Theo PGS Phu, hiện nay, WHO nhận định rằng các trường hợp mắc virus cúm gia cầm thường có tiếp xúc với gia cầm sống hoặc môi trường bị ô nhiễm. Virus cúm gia cầm hiện chưa có khả năng lây truyền bền vững từ người sang người song nguy cơ bị nhiễm bệnh của hành khách khi đến/trở về từ vùng dịch là hoàn toàn có thể xảy ra.