Đô đốc Isoroku Takano (hay còn gọi là Yamamoto), người nắm quyền lực lớn thứ hai ở Nhật sau Thiên hoàng.
Thế chiến II sản sinh nhiều vị tướng lỗi lạc ở cả hai bên, phe Trục và Đồng minh. Cuộc đời họ với nhiều nét li kì, những thành công vang dội và cả những sai lầm đau đớn... sẽ được điểm lại trong loạt bài này. |
Thời kỳ Thế chiến II, người có ảnh hưởng thứ hai ở Nhật Bản sau Nhật hoàng Hirohito chính là đô đốc Yamamoto. Ông là một nhân vật chủ chốt trong hệ thống quyền lực thời đó, chỉ huy toàn bộ guồng máy chiến tranh của phát xít Nhật và gây ra rất nhiều sóng gió trên các chiến địa từng tham gia.
Đã có lúc, đô đốc Yamamoto làm chủ một vùng biển rộng lớn từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương, khiến hải quân Mỹ, Anh, Hà Lan và các cường quốc hải quân thời đó nhiều lần thua liểng xiểng. Dù vậy, khi Thế chiến II bước vào những ngày cuối cùng, đời binh nghiệp của ông vẫn kết thúc trong cay đắng.
Một chỉ huy xuất chúng
Đô đốc Yamamoto quyết tâm tấn công Trân Châu Cảng để ngăn Mỹ can thiệp tại Đông Nam Á.
Yamamoto tên khai sinh là Isoroku Takano, ra đời ở thành phố Nagaoka, tỉnh Niigata. Cha ông là một samurai hạng trung và gia đình có nhiều đời làm võ sĩ đạo. Sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân Nhật Bản năm 1904, ông phục vụ trên tàu tuần dương Nisshin trong suốt chiến tranh Nga-Nhật.
Trong trận chiến Tsushima, ông mất hai ngón tay trái (ngón trỏ và ngón giữa) vì trúng đạn pháo. Ông quay trở lại trường hải quân năm 1914 và trở thành thiếu tá hải quân năm 1916. Sau đó 24 năm, ông được phong làm đô đốc dù thời điểm đó Thủ tướng là Hideki Tojo – đối thủ không đội trời chung với Yamamoto. Dù Yamamoto bị Tojo nhiều lần gây khó khăn trên chính trường nhưng ông vẫn “thoát nạn” vì danh tiếng của ông trong hải quân và mối quan hệ thân thiết với Hoàng gia.
Trân Châu Cảng là địa danh nổi tiếng thuộc quần đảo Hawaii (Mỹ), nằm ở phía tây thành phố Honolulu và nằm ở vùng bắc Thái Bình Dương. Do có vị trí địa lý đắc địa nên Trân Châu Cảng được người Mỹ dùng làm căn cứ chỉ huy, hậu cần, bảo dưỡng các chiến hạm.
Trước trận chiến, ông cho binh sĩ luyện tập đánh trận giả ở hai đảo trên Thái Bình Dương.
Hoàng gia Nhật tính toán rằng nếu tấn công Trân Châu Cảng, Mỹ sẽ bị kìm chân và không cản trở tham vọng chiếm Đông Nam Á của Tokyo. Tuy nhiên, theo học giả George Baer, kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng thành công trong ngắn hạn nhưng khiến Nhật thua về mặt chiến lược trong dài hạn.
Trước trận chiến, đô đốc Yamamoto cho quân Nhật tập ném bom ở đảo Lộc Nhi và đảo Hạnh. Ông cũng ra lệnh thiết kế một loại ngư lôi mới để sử dụng trong điều kiện nước nông tại Trân Châu Cảng.
Trong một thông báo phát đi, Hoàng gia viết: “Không sĩ quan chỉ huy nào đủ năng lực dẫn dắt hạm đội hơn đô đốc Yamamoto. Chiến dịch mạo hiểm và táo bạo của ông nhằm tấn công Trân Châu Cảng đã được hải quân Nhật thông qua. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề dầu mỏ và các hạm đội tàu hàng đang bị cản trở ở khu vực Thái Bình Dương”.
Tấn công Trân Châu Cảng
Cuộc tấn công chớp nhoángTrân Châu Cảng khiến quân Mỹ thiệt hại nặng nề.
Ngày 26.11.1941, lực lượng đặc nhiệm Nhật Bản gồm 6 tàu sân bay cùng một số tàu hộ tống, tàu tiếp dầu dưới quyền chỉ huy của phó đô đốc Chuichi Nagumo đã rời miền bắc Nhật Bản. Địa điểm tấn công chính là Trân Châu Cảng. Số lượng máy bay tung ra là 405 chiếc, trong đó 360 chiếc tấn công chia làm hai đợt, số còn lại có nhiệm vụ yểm trợ trên không.
Theo tính toán của Yamamoto, đợt một sẽ là đòn tấn công phủ đầu và đợt hai sẽ là “dọn dẹp” những phần còn sót lại. Đợt thứ nhất quân Nhật mang theo phần lớn vũ khí, chủ yếu là ngư lôi và mục tiêu quan trọng nhất là các tàu chủ lực của Mỹ. Để đảm bảo bí mật, đô đốc Yamamoto ra lệnh đánh đắm mọi tàu bè gặp trên đường. Trong 10 ngày di chuyển, quân Nhật không gặp bất kì tàu thuyền nào.
Đúng 7 giờ 50 phút sáng, quả bom đầu tiên rơi xuống Trân Châu Cảng. Các thủy thủ Mỹ bất ngờ tỉnh giấc vì tiếng chuông báo động và tiếng bom nổ rền trời. Quân Mỹ hầu như bị động và không biết làm gì giữa cảnh khói lửa mịt mù.
Hai quả ngư lôi sau đó đánh trúng thiết giám hạm Oklahoma. Tàu chiến này còn lãnh thêm một loạt bom chùm và bị nước tràn vào khoang. Loạt ngư lôi sau đó đánh trúng chiếc USS Utah vốn phục vụ 33 năm cho Hải quân Mỹ. Tàu này đã tháo hết vũ khí để làm bia tập trận cho quân Mỹ. Do vịnh biển chỉ sâu 10 mét nên quân Mỹ không thả lưới ngăn ngư lôi quanh các chiến hạm. Nhật đã lợi dụng điều này và bắn ngư lôi tới tấp. 8 phút sau, chiến hạm Oklahoma chìm hẳn, 400 thủy thủ trên khoang chết không còn ai sống sót.
Quân Nhật của đô đốc Yamamoto nghĩ ra cách tiến công rất thông minh ở vùng biển nông: Họ cho máy bay quần thảo là là mặt biển, sau đó phóng ngư lôi loại mới với vận tốc chậm khoảng 30-40 hải lý/giờ vào tàu địch.
Tàu chiến Arizona tuy thoát nạn ngư lôi nhưng bị các máy bay dội bom 5 lần. Tàu vỡ làm đôi, cột khói bốc cao 300 mét. Trên khoang có 1.102 người đều tử nạn. Một thiết giáp hạm khác trúng 7 ngư lôi và bốc cháy nghi ngút.
Một sai lầm nữa của Mỹ chính là xếp máy bay thành một hàng dài và sát nhau trên bãi đậu trống trải. Điều này tạo điều kiện khiến máy bay Nhật dễ dàng thả bom, phá hoại hàng loạt máy bay đối phương. Các thủy phi cơ ở căn cứ Kaneohe cũng được xếp thẳng hàng.
Chỉ trong ít phút, căn cứ không quân Wheeler, Hickam, Bellows đều bị quân Nhật tàn phá khủng khiếp. Không một máy bay nào của Mỹ có thể cất cánh do bị phá hủy tan hoang. Các thủy phi cơ cháy hoặc chìm ngay trong nhà để máy bay. Trận chiến không cân sức ngày hôm đó, Mỹ chỉ hạ được 11 máy bay Nhật.
Đô đốc Yamamoto vài giờ trước lúc chết. Trong ảnh, ông đang chào binh sĩ Nhật ngày 18.4.1943.
Trận chiến Trân Châu Cảng kéo dài 90 phút với 2.386 lính Mỹ thiệt mạng, 1.139 người bị thương. Số tàu bị đánh đắm là 18, trong đó có 5 thiết giáp hạm hạng nặng. Trong tổng số 402 máy bay Mỹ có mặt ở Hawaii, 188 chiếc bị hỏng hoàn toàn và 159 chiếc bị hư hỏng nặng. 33 thủy phi cơ thì 24 chiếc bị phá hủy, 6 chiếc khác hư hỏng nặng.
Nhật chỉ bị thiệt hại ít ỏi khi 55 phi công thiệt mạng, 9 thủy thủ tàu ngầm tử trận và một người bị bắt làm tù binh. Trong số 405 máy bay tham gia tiến công thì 29 chiếc bị bắn rơi hoặc hư hỏng khi chiến đấu. Mỹ gặp may mắn vì các tàu sân bay của nước này không bị trúng bom, nếu không hạm đội Thái Bình Dương oai hùng sẽ bị tê liệt ít nhất một năm.
Sai lầm chiến lược
Dù chiến thắng trong trận Trân Châu Cảng nhưng đô đốc Yamamoto không nghĩ tới khả năng Mỹ tham gia Thế chiến II. Sau hành động chọc giận đất nước hùng mạnh nhất thế giới, Nhật đã hứng chịu nhiều hệ quả xấu những năm sau đó.
Trận thua liên tiếp ở Midway và Guadalcanal trên Thái Bình Dương đã khiến đô đốc Yamamoto suy sụp tinh thần và khiến nước Nhật tổn thất binh lực nghiêm trọng. Ngày 18.4.1943, đô đốc Yamamoto bị quân Mỹ đón lõng và bắn hạ khi đang đi trên máy bay thị sát gần vùng trời đảo Bounganiville, Papua New Guinea, thọ 59 tuổi.