Mấy ngày nay, dư luận lại không ngớt ồn ào về vụ việc cướp lộc ở chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) và hội Gióng (Sóc Sơn). Vụ cướp lộc ở chùa Hương, người đổ cho sư ông “ngẫu hứng” vung tay tung lộc, châm ngòi cho cuộc chen lấn, tranh cướp hỗn loạn xảy ra. Kẻ kêu trời vì hành vi, lối sống bon chen, thực dụng tràn tới tận cửa thiền thanh tịnh...
Cảnh cướp lộc tại đền Gióng. Ảnh: Vietnamnet
Tôi tuyệt nhiên chẳng còn thấy lạ lẫm hay bất bình.Tôi cũng không muốn dành thêm lời cay nghiệt cho những con người, những hành vi lệch chuẩn chốn cửa chùa. Có lẽ, tự bản thân mình, tôi đã ngộ ra rằng, nói không thôi sẽ khó lòng thay đổi một hiện tượng gần như đã “xấu từ trong máu”. Và lời cay nghiệt dùng trong trường hợp nào cũng trở thành xấu xí.
Thực ra năm nào cảnh tượng đó chẳng diễn ra. Năm nào chúng ta chẳng phải vài lần la ó vì “hành vi bất kính” với thánh thần như thế.
Nhưng mãi rồi vẫn chẳng có gì thay đổi. Mặc chúng ta cứ lên gân lên cốt, bảo rằng lễ lạt, lộc giời, lộc thánh là phải “tùy duyên”, cướp giật, bon chen, tranh giành, giẫm đạp mà đạt được vốn chẳng phải chuyện tốt lành.
Một số nhà xã hội dùng ngôn ngữ chuyên môn gọi đó là hiện tượng “đứt gãy về hiểu biết tâm linh”. Tôi thì nghĩ đó là thói quen, tư duy thực dụng đã ăn sâu, bám rễ trong phần đa người Việt từ ngay trong cuộc sống trần tục. Vô tình, trong giây phút “ngẫu hứng” sự thực dụng, bon chen đó trỗi dậy, bùng phát. Họ quên mình đang ở chốn thiền tịnh, thanh cao, theo dòng chảy, theo đám đông, ùa nhau tranh cướp “lộc thánh” để đỡ thiệt hơn, tôi cảm giác tranh cướp tự nhiên giống như cảnh hôi của thường thấy trong một vài vụ tai nạn lật đổ xe, tàu hàng hóa.
Đôi khi, chính người cướp được lộc chùa, lộc thánh có thể cũng không tin rằng, may mắn đã thuộc về mình. Nhưng của trời cho, cứ cướp đã.
Tư duy đám đông xấu xí là như thế!
Vài năm nay tôi đã không còn thói quen đi lễ hội chùa Hương, Đền Trần hay một số lễ hội đền, chùa danh tiếng khác vào những ngày chính hội. Đơn giản, tôi sợ cảnh chen lấn ngạt thở, cảnh tranh cướp có khi đổ máu ngay chốn đền chùa.
Tranh nhau cướp lộc tại chùa Hương. Ảnh: ZING
Để tìm cảm giác tĩnh tại, tôi thường tới thăm viếng một vài ngôi chùa nhỏ, ít người qua lại, thắp hương lễ phật, rồi thong thả dạo bộ trong không gian thoang thoảng hương trầm.
Lúc ra về, nhà chùa bao giờ cũng dành lộc thánh ban tận tay du khách. Đôi khi, lộc chùa chỉ là chiếc oản đỏ, là bao diêm, chai nước suối... Tôi không thực tin đó là những món quà vô giá. Nhưng tôi nhận bằng lòng thành kính, và thong thả mang về, có khi ngẫu nhiên sẽ trao lại cho bà bán trà đá trước cổng chùa, có khi thành kính đặt lên ban thờ và quên đi không nhớ nữa.
Những lúc như thế, tôi chợt hiểu sâu sắc thế nào là “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao”...
Tôi từng thử hỏi một số người cướp được lộc ở Đền Trần, rằng có tin năm nay lộc sẽ đến với mình, may mắn sẽ nhiều hơn với gia đình nhờ cướp được lộc thánh? Nhiều người cười ngượng ngịu, bảo, thì cứ cướp được đã, người ta có mình phải có, đứng trong dòng người đông đúc đó, mình không ào theo, cũng bị cuốn đi, tội gì không nhân cơ hội đó mà lấy cho mình chút lộc. Có còn hơn không.
Tôi tin, chuyện cướp lộc bản chất là như thế, nhiều người không hẳn quá tham lam, quá thực dụng, và cũng không hẳn nặng về mê tín. Là “dòng người xô đẩy”, đưa cái tôi của họ trỗi dậy mà thôi.
Thế nên, để trả sự tôn nghiêm nơi chốn đền chùa thanh tịnh, riêng khâu tổ chức lễ hội quan trọng xiết bao. Ngoại trừ những lễ hội truyền thống có phần “cướp lộc” có thể du di cách làm, tổ chức “cướp lộc” tượng trưng để bảo tồn nét văn hóa, thì các lễ hội ở các đền, chùa cần được quản lý chặt chẽ hơn, nghiêm cẩn hơn, tuyệt đối tránh việc phát lộc, phát lễ kiểu người có người không, dễ kích động lòng tham, nảy sinh tranh cướp. Thực tế, chuyện tranh cướp lộc ở chùa Hương, giả sử không có phần “phát lộc” ngẫu hứng của sư thầy, làm sao có cảnh tranh cướp xấu xí diễn ra?
Thế nên, chốt lại, để tránh đi những phần hủ tục mê tín dị đoan trong các lễ hội truyền thống, những người tổ chức lễ hội trước tiên phải là người có văn hóa đủ cao, có cái tâm đủ sáng mới có thể duy trì và bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống ngay từ những khâu đơn giản nhất của từng lễ hội. Đừng vô tình hay hữu ý châm ngòi cho cái xấu, cái ác lên ngôi. Bởi đó chính là tội lỗi!