Ông chủ trại gà giàu nghị lực
Đức xuất hiện trước mắt chúng tôi tại trại gà Thanh Đức (xóm 7, xã Thuận Sơn, Đô Lương, Nghệ An) với một cặp lồng sắt buộc chặt sau xe máy, bánh xe bê bết bùn đất. Đức cười nhỏm nhẻm giải thích: “Sáng nay em vừa đi nhập gà về. Mấy mối nhỏ gần trại, mình tranh thủ chở đi nhập cho vui, cũng là để mở rộng mối quan hệ anh ạ”.
Trần Hữu Đức với đàn gà thả vườn
Bên ấm nước chè xanh xứ Nghệ, Đức bắt đầu kể về những thăng trầm của mình 7 năm qua. Năm 2010, sau 3 năm làm công nhân ở miền Nam, Đức mới tích cóp đủ tiền đưa vợ con về thăm quê một chuyến. Lúc đó, làm công nhân giày da, tăng ca mỗi ngày 2 - 4 giờ nhưng thu nhập cả 2 vợ chồng Đức không quá 5 triệu đồng.
Về nhà, thấy ruộng vườn bỏ bê, bố mẹ già cả khiến Đức không khỏi chạnh lòng. Chàng thanh niên tự hỏi, vì sao không thể làm giàu trên chính quê hương mình khi đang nắm trong tay đất đai rộng mênh mông, sức lao động dồi dào mà phải tha phương cầu thực với đồng lương công nhân còm cõi? Lang thang trên Internet, Đức nhận thấy nhu cầu thực phẩm “sạch”, ngon đang lên ngôi. Sau bao đêm gác tay qua trán, Đức quyết thực hiện bằng được mục tiêu làm giàu nên vay tiền ra Bắc tham quan nhiều mô hình nuôi gà thả vườn và mua 500 con gà ri về nuôi. Dưới vườn, Đức trồng xoan đào, keo và một số loại cây lấy gỗ.
Tuy nhiên, khởi nghiệp khi chưa được trang bị nhiều kiến thức chăn nuôi, như một gã trai chập chững tập yêu, Đức mua nhầm giống gà Lương Phượng. Biết nhầm và vốn liếng không có, Đức phải mua ngô, lúa về tự phối trộn thức ăn, chặt chuối trong vườn làm thức ăn cho gà. Ngoài việc ăn thức ăn tự phối trộn, gà còn được thả trên diện tích gần chục ha đất rừng nên thịt thơm ngon, săn chắc. Vì thế, gà Lương Phượng trên thị trường chỉ bán với giá 60 nghìn đồng/kg nhưng gà của Đức vẫn xuất chuồng với giá 90 nghìn đồng/kg.
“Khởi nghiệp như thế là quá suôn sẻ. Sau 4,5 tháng nuôi, trừ chi phí, em đút túi 25 triệu đồng. Khoản tiền này có nằm mơ em cũng chưa bao giờ nghĩ đến. Tiếp đến, em mua 1,5 nghìn con gà Mía từ Hà Nội về nuôi. Nhưng người tính không bằng trời tính. Quả này em “bể” nặng, nguồn vacxin mua từ cửa hàng nhỏ trên địa bàn huyện, do bảo quản không tốt, không đạt tiêu chuẩn khiến đàn gà bị bệnh Gumbro, chết không còn con nào. Tính ra, em mất trắng 55 triệu đồng”, đang hồ hởi, Đức trở nên trầm lặng.
Nhưng giống như một kẻ cuồng yêu, Đức tiếp tục vay tiền, nuôi 400 con gà và 30 con lợn. Lần này, gà nhiễm cầu trùng, chậm lớn, hao hụt mất gần 1 nửa; lợn rớt giá thê thảm, xuất chuồng không bù nổi tiền thức ăn”.
Từ gà, lợn, Đức lại chuyển sang nuôi nhím. Nhưng đúng như lời Đức, khi chạy theo xu thế đám đông, nếu không tỉnh táo, thất bại vẫn hoàn thất bại. Đức bỏ 120 triệu đồng mua 20 cặp nhím về nuôi nhưng chỉ 1 năm sau, giá nhím “chạm đáy” khiến chàng trai này trắng tay một lần nữa.
“Thăng hoa” cùng vịt trời và gà thả vườn
Trong vòng gần 2 năm, phải hứng chịu liên tiếp những thất bại, ai cũng ngỡ Đức đã gục ngã thì năm 2012, chàng trai giàu nghị lực quyết Bắc tiến một lần nữa. Bỏ trại gà, Đức ra Vườn Quốc Gia Cúc Phương (Ninh Bình) chiêm ngưỡng đàn vịt trời rồi mua 20 con với giá 8 triệu đồng về nuôi và nhân giống.
Gà thả vườn đang đem về cho Trần Hữu Đức trên 1,5 tỷ đồng lãi ròng/năm
“Chẳng bao lâu, vịt trời “thăng hoa”, từ đàn gốc, em nhân giống, có lúc lên đến 4 - 5 nghìn con. Nhiều người từ khắp nơi trong tỉnh đổ về tham quan, học hỏi. Có thời điểm khát giống, mỗi cái trứng vịt trời lên đến cả 100 nghìn cũng không đủ bán. Em vẫn tiếp tục nuôi gà thả vườn nhưng không còn mua gà giống từ các trại nhỏ lẻ mà vào Bình Định, đến những công ty lớn để mua giống gà Minh Dư về nuôi. Được tư vấn về kỹ thuật những lứa gà tiếp theo, tỷ lệ hao hụt chưa đến 3%. Vịt trời, gà Minh Dư lãi lớn nhưng cũng chỉ thịnh đến năm 2015 thì xuống giá. Đó cũng là lúc con vịt trời đã giúp em trả hết nợ nần và có đồng dư giả để vực dậy nghề nuôi gà thả vườn”, Đức tâm sự.
Khi giống gà Minh Dư đã bão hòa ở thị trường Nghệ An, Đức quay lại với gà mía thả vườn. Nguồn giống, thức ăn, vacxin được Đức tìm đến những trung tâm có uy tín lớn để mua. Vì thế, tỷ lệ thành công cao, gà chóng lớn, ít nhiễm bệnh.
Tháng đầu tiên nhận giống, gà được cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, tháng thứ 2 - 3 pha trộn thêm ngô, lúa, tháng thứ 4 - 5 ăn hoàn toàn bằng ngô, lúa trước khi xuất bán. Đặc biệt, trong quy trình nuôi của mình, tháng cuối cùng, gà được cho ăn thường xuyên các loại thảo dược do Đức tự chiết xuất từ các cây lá trong vườn, được xông hơi để tránh nhiễm các loại bệnh và thải hết dư lượng các loại thuốc, vacxin từ những tháng trước. Vì thế, dù nuôi với lượng lớn nhưng gà thả vườn của Đức luôn trong tình trạng cháy hàng, được nhiều nhà hàng tại thành phố Vinh đặt hàng thường xuyên, lái buôn vào tận trại thu mua.
Với phương pháp nuôi khoa học, 3 trại gà của Đức thường xuyên có 4 lứa nuôi gối đầu với số lượng 17 - 18 nghìn con, mỗi năm xuất chuồng khoảng 70 tấn gà thịt; hàng vạn con gà giống; tổng doanh thu trên 6 tỉ đồng, lãi ròng trên 1,5 tỷ đồng. Trang trại Thanh Đức tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương.
Nói về dự định của mình, Đức cho biết hiện đang xúc tiến để thành lập HTX nuôi gà sạch thanh niên huyện Đô Lương. Chỉ sau một thời gian ngắn phát động trên Facebook cá nhân đã có trên 40 trại gà thanh niên ở các huyện trên địa bàn Nghệ An hưởng ứng. Đức hi vọng, với việc liên kết thành HTX trong chăn nuôi gà, người chăn nuôi sẽ tiếp cận được nguồn thức ăn, thuốc thú y với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo; gà thương phẩm có đầu ra ổn định, được gắn nhãn mác và giá cả cạnh tranh. Năm 2014, Trần Hữu Đức vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; năm 2015, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015; giải thưởng Lương Định Của năm 2015 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng; tháng 12/2016, Đức được Đoàn Thanh niên Cách mạng Lào mời sang Lào tham quan và chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà cho thanh niên nước bạn. |