Dân Việt

Giáo sư hiến kế đổi mới nghi thức “cướp lộc”

Xuân Lực 04/02/2017 20:03 GMT+7
GS.TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng, cần đổi mới nghi thức “cướp lộc” ở Hội Gióng ở Sóc Sơn, Hà Nội.

img

Hàng chục thanh niên lao vào cướp hoa tre ở Hội Gióng hôm mùng 6 Tết Đinh Dậu 2017

“Tranh” hay “cướp” lộc?

Sáng mùng 6 Tết Đinh Dậu vừa qua (tức 2.2.2017), Lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) chính thức khai hội. Đây là lễ hội đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Một trong những điểm đáng chú ý mỗi khi lễ hội này diễn ra là hiện tượng người dân lao vào tranh giành hoa tre, một vật được quan niệm là mang lại may mắn cho người giành được.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Nam Nho - Giám đốc Trung tâm Quản lý khu Di tích đền Gióng cho biết, Hội Gióng là lễ hội trận và việc tranh lộc là tất yếu của lễ hội.

Theo ông Nho, trong Hồ sơ quốc gia Hội Gióng ở đền Sóc trình UNESCO xem xét công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể của nhận loại ghi rất rõ: Sau khi lễ đi đến đền thì người chủ tế làm lễ cho hô  “Tất lễ tranh lộc” thì nhân dân ùa vào tranh lộc. Từ “cướp lộc” là văn nói, còn từ chuẩn xác “các cụ để lại” khi phục hồi lại lễ hội là “Tất lễ tranh lộc”.

GS.TS Nguyễn Chí Bền - Trưởng ban xây dựng Hồ sơ quốc gia "Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc" trình UNESCO xem xét, công nhận trước đó, cho biết: Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, Hội Gióng ở đền Sóc không có nghi thức cướp lễ vật bởi trành giành, cướp, lễ vật sẽ mất thiêng. Lễ Hội Gióng chỉ có nghi thức phát lễ vật cho dân làng hoặc du khách.

GS.TS Nguyễn Chí Bền khẳng định: “Trong tất cả các lễ hội của người Việt không có nghi thức cướp lễ vật”.

img

GS.TS Nguyễn Chí Bền cho rằng, đổi mới Hội Gióng cho phù hợp với tình hình hiện nay nhưng vẫn đảm bảo giá trị của lễ hội đã được UNESCO vinh danh

Cần đổi mới nghi thức tranh lộc

Về ý kiến cho rằng, hình ảnh người dân tranh cướp hoa tranh rất phản cảm, ông Nguyễn Nam Nho nói rằng mình không có ý kiến bình luận, nhưng cho biết, việc tranh lộc là một nét văn hóa vùng miền. Nghi lễ này do “các cụ” để lại nên những thế hệ sau phải giữ gìn. Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế thời đại thì cần có sự nghiên cứu, xem xét của các cấp quản lý, các nhà nghiên cứu về văn hóa và UNESCO.

“Cái này (tranh lộc - PV) là một trong những yếu tố cấu thành hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận Hội Gióng ở đền Sóc là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vì vậy nếu thay đổi cũng cần có sự đồng ý của UNESCO”, ông Nho nói.

GS.TS Nguyễn Chí Bền thì bày tỏ, ông rất buồn khi chứng kiến cảnh người dân lao vào cướp hoa tre, lễ vật tại hội Gióng đền Sóc bởi nó làm xấu hình ảnh lễ hội được UNESCO vinh danh.

GS Nguyễn Chí Bền cho rằng, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của lễ hội cổ truyền. Giúp người dân hiểu đúng giá trị của từng trò diễn. Bên cạnh đó, cần đổi mới Hội Gióng cho phù hợp với tình hình hiện nay nhưng vẫn đảm bảo giá trị của lễ hội đã được UNESCO vinh danh.

Theo GS.TS Nguyễn Chí Bền, ông mong muốn nghi thức tranh lộc ở Hội Gióng sẽ được đổi mới như việc phát ấn ở Đền Trần (Nam Định). “Trước đây phát ấn vào ban đêm thì sau này cải cách đã chuyển sang phát vào buổi sáng” GS.TS Nguyễn Chí Bền nói.

GS.TS Nguyễn Chí Bền cũng nêu ý kiến, thay bằng việc để người dân lao vào tranh cướp, ban tổ chức có thể đổi mới thực hiện nghi lễ tung hoa tre, nếu hoa tre rơi vào vị trí của người nào thì người ấy nhận.