Dân Việt

Cổ phiếu công ty “người yêu tin đồn” của Mỹ Tâm giảm?

Quốc Hải 06/02/2017 07:34 GMT+7
Sau thời gian dài đi ngang quanh vùng giá 9.000 đồng/CP, “ông lớn” ngành thủy sản Việt Nam là HVG (Thủy sản Hùng Vương) bất ngờ quay đầu giảm giá mạnh. Diễn biến này có thể còn kéo dài trong vài phiên sắp tới khi tình hình “sức khỏe” tài chính của mã cổ phiếu này đang có khá nhiều vấn đề...

img

Báo cáo tài chính trước đây HVG công bố chưa bị “bốc hơi” hơn 2.000 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 (niên độ 1.10.2015 - 30.9.2016). Đáng nói là những số liệu trên bảng báo cáo đã kiểm toán này có những thay đổi rất bất ngờ so với báo cáo tự lập trước đó.

Bỗng dưng “bốc hơi” hơn 2.000 tỷ đồng

Cụ thể, doanh thu thuần năm 2016 của Hùng Vương sau kiểm toán giảm từ 19.921 tỷ đồng xuống còn 17.884 tỷ đồng. Lãi gộp theo đó cũng giảm từ 1.571 tỷ đồng xuống 1.349 tỷ đồng. Phần lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết từ mức lãi hơn 32 tỷ đồng trước kiểm toán cũng bất ngờ điều chỉnh thành lỗ hơn 32 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng thay đổi theo hướng tăng từ mức 216 tỷ đồng lên hơn 268 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Hùng Vương chỉ còn 58,8 tỷ đồng, giảm tới 86% so với trước kiểm toán (406 tỷ đồng) và giảm 62% so với thực hiện năm 2015 (156 tỷ đồng).

Như vậy, sau khi trừ đi thuế thu nhập, Hùng Vương chỉ còn 9,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong đó, phần lợi nhuận thuộc về công ty mẹ là âm 49,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 309 tỷ đồng trước kiểm toán.

Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến cổ phiếu HVG luôn dao động thời gian dài quanh vùng giá 9.000 đồng/CP bất ngờ quay đầu giảm mạnh trong 2 phiên liên tiếp gần đây. Theo đó, thị giá HVG hiện đã giảm sàn xuống 7.790 đồng/CP với dư bán hàng triệu đơn vị.

Hiện, thời gian qua, EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) của Hùng Vương chỉ đạt ở mức không cao với 1.456 đồng.

Gắng nặng lãi vay “khủng”

Ngoài nguyên nhân doanh thu bỗng nhiên “bốc hơi” qua báo cáo tài chính đã kiểm toán, một nguyên nhân khiến nhà đầu tư “sợ” khi nhắc đến HVG là khoản vay nợ lớn của công ty này.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính của HVG, tính tại thời điểm cuối tháng 9.2016, Hùng Vương có dư nợ vay ngắn hạn lên tới 7.583 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay ngắn hạn ngân hàng và 410 tỷ đồng trái phiếu đến hạn.

Tổng cộng có tới 13 ngân hàng cho Hùng Vương vay ngắn hạn tiền Việt tổng cộng 5.415 tỷ đồng. Trong đó, BIDV cho vay nhiều nhất, đạt 3.015 tỷ đồng, tiếp đến là Vietcombank cho vay 1.318 tỷ đồng. Ngoài ra, 2 nhà băng này cũng cho Hùng Vương vay khoảng 77,55 triệu USD, tương đương 1.732 tỷ đồng.

Về vay dài hạn, Hùng Vương cũng đang vay BIDV và VIB gần 600 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty có phát hành trái phiếu gần 500 tỷ đồng cho các ngân hàng VIB, BIDV, TPB...

Chính bởi vay nợ lớn và sử dụng khá nhiều ngoại tệ, Hùng Vương phải gánh 571 tỷ đồng chi phí tài chính trong niên độ tài chính 1.10.2015 đến 30.9.2016.

Trong khi đó, theo một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, thì các khoản nợ của HVG đã có từ lâu nay nên không phải là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu HVG sụt giảm trong vài phiên gần đây. Cái chính vẫn là doanh thu của doanh nghiệp này bỗng dưng “bốc hơi” hơn 2.000 tỷ đồng, cùng với thị trường xuất khẩu thủy sản hiện đang gặp khó và việc tính toán sai về điểm rơi của giá thịt lợn những ngày gần đây là nguyên nhân khiến nhà đầu tư ... “tháo chạy” khỏi mã này.

“Tín hiệu này có thể sẽ kéo sang các phiên giao dịch trong tuần tới bởi trước đó, nhiều doanh nghiệp khác như Gỗ Trường Thành (TTF) cũng bất ngờ “bốc hơi” doanh thu khá nhiều dẫn đến nhiều phiên liên tục giảm sàn. Trong khi đó, với khoản doanh thu bỗng dưng “bốc hơi” lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, HVG chắc chắn sẽ phải đối mặt với các phiên giao dịch khó khăn sắp tới khi thị trường xuất khẩu thủy sản hiện đang gặp khó khi Mỹ dự định sẽ áp dụng thuế biên giới dự kiến lên đến 20%”, chuyên gia này phân tích.