Theo trang Space Daily, đội ngũ chuyên gia đã tiến hành chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) cho các nhà du hành vừa mới rời Trạm không gian quốc tế (ISS), và lưu ý thấy một số khu vực của não có dấu hiệu hao hụt chất xám, trong khi các phần còn lại tăng thêm. Toàn bộ ảnh chụp não của 12 phi hành gia dành 2 tuần trên ISS và 14 người trải qua nửa năm trên trạm đều xuất hiện các dấu hiệu này. Tuy nhiên, các thay đổi đặc biệt rõ ràng ở nhóm người ở lâu trên ISS.
Tình trạng vi trọng lực tác động đến khối lượng chất xám ở các vùng của não. (ẢNH: NASA).
Trưởng nhóm nghiên cứu là Giáo sư Rachael Seidler cho hay: "Chúng tôi phát hiện khối lượng chất xám ở nhiều khu vực bị vơi đi, có thể liên quan đến sự tái phân bổ dịch não - tủy trong điều kiện không gian". Bà giải thích rằng tình trạng vi trọng lực không thể rút dịch xuống cơ thể như bình thường, dẫn đến cái gọi là "mặt bị phù" trong không gian. Nhiều khả năng việc thiếu lực hút của trái đất dẫn đến sự chuyển đổi trong quá trình phân bố và cô đọng não bộ. Tuy nhiên, các chuyên gia đồng thời cũng phát hiện gia tăng chất xám ở các khu vực kiểm soát chuyển động chân và xử lý thông tin cảm giác từ hai chi dưới. Điều này cho thấy não bộ có thể đang học cách thích nghi với môi trường vi trọng lực.
Dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể đằng sau các thay đổi trên, họ cho rằng phát hiện mới có thể giúp những người mắc các chứng bệnh có biểu hiện tương tự, như não tích tụ dịch não - tủy. Giáo sư Seidler cho rằng những thay đổi ghi nhận được có thể là các mối nối kết mới giữa các dây thần kinh. Nữ chuyên gia cũng đang triển khai một cuộc nghiên cứu khác, nhằm theo dõi những thay đổi trên duy trì bao lâu sau khi các phi hành gia trở lại trái đất.