Trên nền tảng kết quả đạt được năm 2016 đầy nỗ lực, phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thách thức nhất định từ nội tại và khách quan, bước sang năm 2017, năm có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình thực hiện Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hướng đến 30 năm thành lập, Agribank đang tiếp tục củng cố nền tảng, tăng trưởng quy mô hoạt động gắn với nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, đảm bảo hiệu quả, an toàn hoạt động, giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng và cung cấp dịch vụ tài chính khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Thiết lập nền tảng vững chắc
Mặc dù trải qua những thăng trầm nhất định, dám đối mặt và xử lý những tồn tại, đặc biệt là hệ quả những vụ việc đã xảy ra cách đây 5- 7 năm về trước, năm 2016 Agribank đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015 và bắt đầu chuyển sang thực hiện Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016-2020. Lợi nhuận của Ngân hàng đã phục hồi,năm 2015 đạt 3.700 tỷ đồng, năm 2016 đạt trên 4.000 tỷ đồng. Tổng tài sản chính thức đạt con số 1 triệu tỷ đồng, nguồn vốn trên 924.000 tỷ đồng, tổng dư nợ nền kinh tế đạt trên 791.000 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm 70%/tổng dư nợ của Agribank và chiếm 51% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này. Thu dịch vụ tăng 19,2% so với năm 2015. Nợ xấu giảm về mức 1,89%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ dự trữ thanh khoản đều đảm bảo theo quy định của NHNN.
Agribank hoạt động chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đối tượng cho vay của ngân hàng nhỏ lẻ nên chi phí món vay lớn, trong khi rủi ro cao do sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu. Mặc dù vậy, Agribank luôn đảm bảo đủ vốn với lãi suất ưu đãi phục vụ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hiện có gần 4 triệu khách hàng đang vay vốn Agribank thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, 7 chính sách tín dụng, 01 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Bằng tài chính của Ngân hàng, Agribank đã thực hiện hàng chục đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.
Mỗi năm, Agribank giảm thu tài chính khoảng 3.000 tỷ đồng do áp dụng chính sách lãi suất ưu đãi cho các đối tượng “Tam nông” nhưng không có cấp bù của Nhà nước, không được vay tái cấp vốn. Agribank thực hiện hỗ trợ lãi suất 7%/năm đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng chủ động đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi điển hình như nông nghiệp sạch, hay các gói tín dụng hỗ trợ khác với lãi suất 5%/năm... Kể cả Chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch” đang triển khai cũng bằng vốn tự huy động thương mại của Agribank…
Do đó, hiệu quả hoạt động của Agribank không chỉ ở con số lợi nhuận Ngân hàng đạt được, mà ý nghĩa quan trọng hơn đó còn là kết quả của một năm nỗ lực, phấn đấu đóng góp của Agribank đối với nền kinh tế trên nền tảng địa bàn hoạt động khó khăn, tín dụng nửa thương mại nửa chính sách. Agribank đã làm tròn nhiệm vụ chính trị của NHTM Nhà nước trong việc đảm bảo cung ứng tín dụng đến địa bàn nông thôn, góp phần hạn chế tín dụng đen, thúc đẩy lưu thông tiền tệ, phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.
Việc duy trì mức lợi nhuận 4.000 tỷ đồng năm 2016cũng đồng nghĩa với việc Agribank xác định“chịu đau” để xử lý tồn tại của Ngân hàng, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hy sinh lợi ích ngắn hạn cho mục đích dài hạn, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro. Agribank kiên quyết xử lý nghiêm túc các trường hợp sai phạm; xử lý cơ bản nợ xấu. Trước những thông tin tiêu cực vẫn còn xuất hiện liên quan đến những vụ việc diễn ra từ 5-7 năm về trước, Agribank tích cực phối hợp với các cơ quan pháp luật Nhà nước đã và đang xử lý theo trình tự tố tụng. Trong giai đoạn tái cơ cấu, Agribank đã khởi kiện ra tòa án dân sự các cấp 6.591 vụ việc.
Hiện đã có 3.328 bản án có hiệu lực pháp luật đang chờ cơ quan thi hành án các cấp xem xét thi hành; còn đến 3.262 vụ việc đang chờ giải quyết tại tòa án các cấp. Riêng tại các chi nhánh Agribank khu vực TP.Hồ Chí Minh có khoảng 10 vụ án hình sự, 847 vụ án dân sự và tranh chấp dân sự, chiếm khoảng 12% tổng số vụ việc trên cả nước. Agribank đặt trọng tâm năm 2017 đó là kiên quyết xử lý các khoản nợ xấu này. Với kinh nghiệm và cố gắng vượt bậc trong xử lý cơ bản nợ xấu, Agribank tin rằng cùng với sự bảo vệ của pháp luật thông qua sớm ban hành Luật về xử lý nợ xấu như một cơ chế đặc thù để tháo gỡ vướng mắc khó khăn liên quan đến xử lý nợ xấu nói chung và tài sản thế chấp nói riêng, cùng sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan pháp luật, quyền chủ nợ của ngân hàng sẽ được thực thi, số tài sản đảm bảo trong nợ xấu sẽ được xử lý.
Bên cạnh đó, Agribank củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức, quản trị, điều hành; chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế, quy trình nghiệp vụ, cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh;củng cố hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp khác. Agribank chấp hành nghiêm túc quy định của NHNN về các tỷ lệ an toàn hoạt động; bảo toàn vốn chủ sở hữu, kinh doanh có lãi, nộp ngân sách Nhà nước đầy đủ và tăng dần. Agribank luôn làm tốt công tác an sinh xã hội, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng… Trong nhiều năm liên tục, Agribank được bình chọn là Doanh nghiệp vì cộng đồng và tự hào luôn là ngân hàng của bà con nông dân.
Sẵn sàng cổ phần hóa khi có chỉ đạo của Chính phủ
Sau tái cơ cấu toàn diện, bước sang giai đoạn phát triển mới, Agribank xác định năm 2017 có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình thực hiện Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và chuẩn bị cho cổ phần hóa khi đủ điều kiện, theo chỉ đạo của Chính phủ.
Agribank xác định sẽ tiếp tục củng cố nền tảng tài chính, quản trị, tăng trưởng quy mô hoạt động gắn với nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, đảm bảo hiệu quả, an toàn hoạt động, giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường tài chính, tín dụng nông nghiệp - nông thôn. Theo đó, một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cơ bản năm 2017 được Ban lãnh đạo thông qua là nguồn vốn và dư nợ tín dụng tăng trưởng từ 14-18%; tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn khoảng 70%; thu dịch vụ tăng 20%; lợi nhuận tăng tối thiểu 10%...
Agribank là Ngân hàng do Nhà nước sở hữu 100% vốn, việc tăng vốn điều lệ phụ thuộc vào Ngân sách Nhà nước, nhưng trong điều kiện khó khăn cân đối ngân sách, đây là “bài toán” khó giải quyết. Thực tế cho thấy, trước đây, Agribank là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ trong toàn ngành, tuy nhiên, sau khi các ngân hàng khác cổ phần hóa thì Agribank lại tụt xuống đứng hàng cuối trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Điều này ảnh hưởng đến việc tuân thủ các tỷ lệ an toàn hoạt động, kết quả xếp hạng, khả năng huy động vốn từ các quỹ trong, ngoài nước và triển khai các hoạt động kinh doanh khác năng động, hiệu quả hơn.
Để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật và hướng tới các thông lệ quốc tế, Agribank đang trình Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Chính phủ phê duyệt đề án tăng vốn điều lệ và xây dựng phương án cổ phần hoá trong giai đoạn 2017-2020, phù hợp với Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian chờ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, chỉ đạo, Agribank đã và đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện Đề án Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 với một số nhiệm vụ chủ yếu được xác định như sau:
Một là, tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc. Khẩn trương xử lý thu hồi các khoản nợ xấu đã được giải quyết trong các năm trước, đảm bảo lành mạnh, công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hai là, triển khai phương án kinh doanh, phương án nâng cao năng lực tài chính, phương án áp dụng tiêu chuẩn Basel II... theo lộ trình được Chính phủ, NHNN phê duyệt, hướng tới mục tiêu xây dựng Agribank thành ngân hàng thương mại lớn mạnh hàng đầu tại Việt Nam cả về quy mô, khả năng tài chính, năng lực quản trị điều hành, hoạt động kinh doanh đảm bảo an toàn, hiệu quả, bền vững, có giá trị, uy tín và thương hiệu cao trên thị trường.
Ba là, thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng thực hiện phương án cổ phần hoá ngay sau khi được phê duyệt, trong đó có việc thuê tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và các thủ tục cần thiết khác. Việc minh bạch hoá, cung cấp các thông tin hoạt động, báo cáo tài chính... được ban lãnh đạo đặc biệt quan tâm nhằm tăng cường niềm tin, thu hút các nhà đầu tư khi thực hiện cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp với điều kiện thị trường.
Agribank mong muốn sớm được Chính phủ, NHNN và Bộ Tài chính phê duyệt phương án để triển khai thực hiện cổ phần hoá thành công, tăng năng lực cho vay tiếp tục công cuộc phục vụ, phát triển nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệpgắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chú trọng phát triển nông nghiệp xanh. Theo đó, việc chuyển đổi dần mô hình sản xuất nông nghiệp sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng có kinh nghiệm, truyền thống đầu tư vào nông nghiệp, nông dân như Agribank… Đây là cơ hội vàng để Agribank tiếp tục có những bước đi đúng hướng, vững chắc trong đầu tư tín dụng và cung cấp các dịch vụ tiện ích ngân hàng cho lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế đất nước.