Cá chim trắng được thả xuống sông Hồng trong buổi lễ phóng sinh do Thượng toạ Thích Chân Quang chủ trì ngày 5.2
Trao đổi với Dân Việt trưa nay (9.2), GS.TS Mai Đình Yên - Phó Chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam, chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về các loài cá cho biết: “Qua báo chí tôi có nắm được thông tin trên, Cá chim trắng Colossoma brachypomum là một loài được du nhập về từ Nam Mỹ. Tập tính của chúng là loài săn mồi theo đàn, ăn tạp, khá hung dữ, chúng ăn động vật không xương sống. Các hộ dân nuôi cá chim trắng cho biết khi đói cá chim trắng sẽ cắn các loài cá khác, thậm chí ăn thịt loài khác. Loài cá này nhập vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch nên không kiểm soát được, cũng chưa có đánh giá tác động môi trường, loài cá này tuy không nằm trong danh sách sinh vật ngoại lai phải tiêu diệt như ốc bươu vàng, tuy nhiên Bộ NNPTNT không khuyến khích nuôi”.
“Nếu loài cá này thoát ra ngoài tự nhiên với số lượng lớn có thể sẽ sẽ có rủi ro cho các sinh vật bản địa như cướp mất phần thức ăn, tấn công các loài cá nhỏ và nguy cơ tiềm ẩn nhất là gây các loại bệnh cho loài bản địa. Cần có những nghiên cứu cụ thể về vấn đề này”.
GS.TS Mai Đình Yên nhận định, cá chim trắng thường sống ở khu vực đầm lầy, nước đứng, vì vậy nếu thả xuống sông Hồng có khả năng không phù hợp môi trường sống, chỉ sợ nó sẽ chết và gây ô nhiễm, dịch bệnh. |
Ông Nguyễn Đức Tuân – Giám đốc Trung tâm Đa dạng nguồn lợi thủy sản (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) cho biết: “Hiện nay chúng ta chưa có đánh giá tác động khi loài cá này thả ra tự nhiên, tuy nhiên qua các trận mưa bão, cũng có hiện tượng cá chim trắng thoát ra ngoài tự nhiên do các ao nuôi bị ngập. Theo quyết định 57 ban hành năm 2008 của bộ NNPTNT, cá chim trắng là loài được phép đưa vào nuôi nhưng không khuyến khích thả ra tự nhiên”.
Về việc xử lý thế nào sau khi loài cá này đã được thả xuống sông Hồng, GS.TS Mai Đình Yên đề nghị: “Bây giờ các bộ ban ngành liên quan cần có các nghiên cứu cụ thể những tác động ảnh hưởng của cá chim trắng khi thả ra môi trường. Cần tiến hành kiểm tra theo dõi khu vực thả cá nếu có biểu hiện lạ cần xử lý ngay. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân báo tin nếu thấy có hiện tượng dịch bệnh, cá chết… ở khu vực thả cá chim trắng”.
“Kể cả việc thả cả phóng sinh cũng cần phải có quy định cụ thể rõ ràng, những loài cá nào được phép thả xuống sông, suối, ao hồ, vì nếu cứ thả bừa bãi cá sẽ chết vì không đúng môi trường sống. Việc kiểm soát dịch bệnh cũng phải được giám sát, cá không có dịch bệnh thì mới được thả xuống sông. Nhiều khi thả cá để lấy hình thức thì không có ý nghĩa gì, vì cá chết thì rất lãng phí và gây ô nhiễm dịch bệnh”.
Theo nguồn tin từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Trung ương I, ngày mai (10.2) Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ NNPTNT cùng các sở ban ngành liên quan sẽ cùng phối hợp vào cuộc điều tra làm rõ vụ thả cá “ăn thịt” xuống sông Hồng. Phía Bộ Tài nguyên & Môi trường (TNMT) có đại diện của Tổng cục Môi trường, Sở TNMT Hà Nội, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, phía Bộ NNPTNT có đại diện của Tổng cục Thủy sản, Sở NNPTNT Hà Nội và các ban ngành liên quan cùng các chuyên gia sẽ vào cuộc làm rõ vụ thả cá chim trắng xuống sông Hồng trong buổi lễ phóng sinh do Thượng toạ Thích Chân Quang chủ trì ngày 5.2 vừa qua. Cuộc họp sẽ làm rõ số lượng, số loài cá cụ thể được thả xuống sông Hồng, nguồn gốc cá lấy từ đâu, đồng thời phân tích rõ những tác động của việc thả cá chim trắng như dịch bệnh, đa dạng sinh học và tìm ra hướng xử lý. |