Cảnh cướp giò hoa tre hỗn loạn trước cửa đền tại lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Hồng Phú
Không thể gộp các lễ hội này vào một khoảng thời gian nhất định
Tại buổi giao lưu trực tuyến do báo Dân Việt tổ chức ngày 8/2 với chủ đề "Lễ hội xuân: Mê muội, phản cảm vì đâu?", có ý kiến cho rằng, hiện nay đâu đâu cũng lễ hội, dàn trải ra hết cả tháng Giêng, tháng Hai. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc ổn định nhịp độ làm việc của mọi người. Do đó, nên gộp các lễ hội này vào một khoảng thời gian nhất định, không nên để kéo dài?
Bà Ninh Thị Thu Hương
Bà Ninh Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL nói: "Số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có 7.966 lễ hội. Mỗi lễ hội có một nét đặc thù riêng biệt nên không thể gộp các lễ hội này vào một khoảng thời gian nhất định”.
Bà Hương phân tích, lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hoá tổng hợp mang tính cộng đồng cao, có giá trị hướng về nguồn cội, cân bằng đời sống tâm linh, sáng tạo và hưởng thụ văn hoá.
Do đó, tổ chức lễ hội phải bảo đảm đúng quy định, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương; Không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, gây bức xúc trong dư luận xã hội như: chen lấn, tranh cướp lộc, gây mất an ninh trật tự, trang phục không phù hợp, mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin…
Là cơ quan quản lý, bà Ninh Thị Thu Hương khẳng định, đến nay nhiều lễ hội có tính chất phản cảm đã được các cơ quan chức năng vào cuộc và được chuyển biến. Chẳng hạn: Lễ hội như đập đầu trâu, chém lợn không còn tình trạng đó.
“Bộ sẽ tiếp tục có những phối hợp với các bộ ngành, các cơ quan địa phương để khắc phục lễ hội có hiện tượng phản cảm”, bà Hương khẳng định.
Nhiều lễ hội đang bị biến tướng
TS Nguyễn Quốc Tuấn
TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho rằng, lễ hội đang bị biến tướng thành loại hình bạo lực, tạo nên sự tranh giành, cướp giật. Điều này là mê muội, phản cảm.
Ông lý giải, lễ hội trở nên bạo lực tranh cướp và bát nháo có nguyên nhân từ tâm lý xã hội. Tâm lý chụp giật, tâm lý không lao động mà được hưởng, tâm lý không đủ tài năng mà vẫn muốn thăng quan tiến chức.
“Xã hội đang có những nhóm yếu thế, đang tồn tại những người đi lễ dù không làm gì mà vẫn cầu hưởng sự giàu sang…tất nhiên họ sẽ dẫn đến hành vi xã hội sai. Chuyện đó chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận”, TS Nguyễn Quốc Tuấn nói.
Vì thế, phải sửa hành vi cá nhân, không tham gia, không ủng hộ cho những hành vi sai phạm; phải đấu tranh làm sao cho những hành vi lệch chuẩn xã hội, lệch chuẩn tôn giáo không còn tồn tại.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ quan điểm về những hình ảnh cướp ấn, cướp lộc ở lễ hội
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “Rất đáng buồn là lễ hội đang bị biến thái, tạo thành chốn ô hợp để lại nhiều nỗi buồn cho người xem”.
Theo Nhà thơ Trần Đăng Khoa, bây giờ thì hầu như mọi việc đều phơi ra trước mắt. Những hành động cướp ấn, cướp lộc, cướp hoa tre... được phản ánh trên truyền thông đều khiến chúng ta kinh hoàng. Tất cả những thứ đó tạo thành hình ảnh không đẹp và trở thành nỗi ám ảnh cho người xem.
Ông dẫn chứng: Một phụ nữ cướp được lộc, để bảo vệ “lộc” chị đã ngậm trong miệng, biến miệng mình thành cái lô cốt để giữ. Và còn “kinh” hơn khi có những kẻ bóp mắt chị để phải há miệng ra nhằm cướp lại biểu tượng có hình đức Phật.
“Đến với Phật mà lại có những hành động man rợ như thế thì làm sao tới Phật được?!”, Nhà thơ Trần Đăng Khoa đặt câu hỏi.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ
Đồng quan điểm, Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người từng được đi tới nhiều miền trên thế giới, tham gia khá nhiều lễ hội của nhiều chủng tộc khác bày tỏ: “Được trực tiếp và thấy sự phản ánh lễ hội qua những hình ảnh rất "nóng", tạo cho tôi những cảm xúc khó nói, khó kể. Đôi khi, tôi không kiềm chế được thì phải nói nặng lời.Chúng ta để cho bạo lực phát triển”.
“Tôi rất đau lòng, khi có nhiều người không còn biết tôn trọng giá trị lịch sử. Những giá trị rất đáng trân trọng ấy đã chìm đắm trong lễ hội”, Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói.
Ông đề xuất làm cuộc điều tra nghiêm túc để xem thanh niên đến lễ hội có được cha mẹ giáo huấn hay những đứa trẻ như thác cuốn vỡ bờ để bản năng khơi dậy tranh cướp dã man.
Ngoài ra, cơ quan chức năng nên nghiên cứu về lễ hội. Nếu thả lỏng thì đang dung nạp cho thói rong chơi vô lối.