Dân Việt

Mãng cầu xiêm lên giá nhờ áp dụng công nghệ cao

Nhiên Di 10/02/2017 06:17 GMT+7
Mãng cầu xiêm được trồng nhiều ở miền Nam, là loại trái cây được nhiều người ưa chuộng. Thế nhưng, trái chín sau khi hái chỉ giữ được từ 2-3 ngày. Mới đây, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thuận Thiên Thành (đóng tại Lai Vung, Đồng Tháp) đã thành công trong việc bảo quản mãng cầu xiêm lên đến 3 tháng vẫn giữ được mùi vị, độ ngọt, giòn, dai.

Ông Phan Anh Tuấn – Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thuận Thiên Thành đã chia sẻ với Báo NTNN về công nghệ sau chế biến với trái mãng cầu xiêm.

Nông sản Việt hiện gặp khó khăn về đầu ra, nhiều loại nông sản mà nông dân trồng xong phải bán đổ bán tháo. Công ty đã phát triển đóng hộp mãng cầu xiêm như thế nào?

img

  Sản phẩm mãng cầu xiêm được đóng hộp có thể bảo quản trong 3 tháng vẫn giữ nguyên mùi vị ban đầu . Ảnh: N.D

Những nhà vườn ký hợp đồng với chúng tôi thu được khoảng 1- 1,5 tỷ đồng/năm cho phần diện tích 5.000 - 10.000 m2, trừ hết tất cả chi phí, họ lợi được 500 triệu đồng, cao hơn so với các cây trồng phổ biến như xoài, lúa nên việc giữ được vùng nguyên liệu để phục vụ cho dây chuyền chế biến không khó.

Ông Phan Anh Tuấn – Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu
Thuận Thiên Thành

- Chúng tôi là đơn vị chuyên xuất khẩu mãng cầu xiêm nguyên trái, ý tưởng chế biến xuất phát từ những đòi hỏi trong quá trình xuất khẩu mặt hàng này. Thứ nhất, muốn xuất đi, chúng tôi phải hái quả vừa già chứ chưa chín, khi đến tay người  tiêu dùng quả đã chín nhưng nhiều khi bị sượng và không mang đầy đủ hương vị của quả chín cây.

Thứ hai, quả tươi chỉ vận chuyển được duy nhất bằng đường hàng không nên tốn phí rất lớn mà vẫn không đảm bảo vì hàng xuất từ Việt Nam đến nước bạn chỉ còn khoảng 60 - 70% vì hư, giập. Thứ ba, mãng cầu xiêm rộ vào hai mùa: Từ tháng 5 - 8 và tháng 11 - tháng 1 năm sau nên chúng tôi cũng chỉ xuất được theo mùa.

Lượng hàng xuất đi không nhiều, không bền vững và cũng không có tiềm năng mở rộng thị trường. Bản thân tôi học chuyên ngành chế biển thực phẩm, vì thế chúng tôi đã quyết định tìm tòi, thử nghiệm phương pháp chế biến mãng cầu xiêm để bảo quản được lâu hơn. Thêm một điều quan trọng nữa là chế biến cũng giúp giá trị sản phẩm được tăng lên rất nhiều so với xuất thô. Để làm được 1kg mãng cầu xiêm cô đặc, chúng tôi cần 2kg trái. Trước kia, 1kg trái chúng tôi xuất với giá 45.000 đồng, còn giá 1kg thành phẩm hiện nay là 170.000 đồng.

Tên sản phẩm là thức uống dinh dưỡng. Vậy có khác gì so với các sản phẩm nước mãng cầu xiêm hiện đang có trên thị trường không, thưa ông?

- Khi đem đi kiểm nghiệm chất lượng, chúng tôi tạm xếp vào loại thức uống, nhưng thực tế sản phẩm ở dạng đặc chứ không phải dạng nước. Đây là sản phẩm cô đặc với gần 99% thịt mãng cầu xiêm tươi, có thể xay sinh tố uống, có thể làm mứt, cũng có thể chấm muối ăn…

Mãng cầu xiêm chín bóc vỏ, tách hột, qua chế biến, đóng hũ hoặc hút chân không. Trong điều kiện nhiệt độ dưới 20 độ C có thể giữ được 3 tháng mà vẫn giữ được mùi thơm, vị chua ngọt và độ giòn dai như trái mãng cầu xiêm chín cây.

Thị trường đón nhận dòng sản phẩm mới này như thế nào?

- Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu công nghệ từ năm 2015, mất hơn một năm để cho ra đời thành phẩm và hoàn tất các thủ tục chứng nhận chất lượng. Sản phẩm mãng cầu xiêm tươi được đưa ra thị trường từ tháng 11.2016, còn khá mới nhưng chúng tôi xác định đây sẽ là dòng sản phẩm chủ đạo của công ty.

Vì thế, chúng tôi đang xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm gồm một văn phòng đại diện tại TP.HCM, một chi nhánh tại phía Bắc và một số đại lý. Bước đầu đã có những tín hiệu tốt từ thị trường trong nước. Chúng tôi cũng đã có hai đơn đặt hàng từ Singapore và Đài Loan với số lượng khoảng 10 tấn/tháng. Đối tác đã sang Việt Nam để bàn bạc, kiểm tra tình hình thực tế. Mới đây, cũng có doanh nghiệp Malaysia đặt vấn đề mua hàng. Đất nước này cũng trồng rất nhiều mãng cầu xiêm nhưng hình thức chế biến của họ là làm mứt chứ chưa có sản phẩm tươi.

Khi chế biến số lượng trái tươi tiêu thụ tăng cao, công ty chắc hẳn phải xây dựng vùng nguyên liệu đầu vào?

- Công ty có nông trang trồng mãng cầu xiêm và ký hợp đồng thêm với 10 nhà vườn, diện tích trồng khoảng 60 - 70ha để cung cấp nguyên liệu sản xuất với quy trình khép kín. Chúng tôi cung cấp cây giống cho nhà vườn, hướng dẫn họ kỹ thuật chăm sóc, kiểm tra định kỳ và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đài Loan và Singapore là hai thị trường “khó tính”, các đối tác không chỉ kiểm tra nhà xưởng, kho hàng mà họ kiểm tra đến tận nơi trồng, giống cây, tức là toàn bộ quá trình làm ra sản phẩm.

Vì thế, công ty phải giám sát chặt chẽ quá trình trồng trọt của nhà vườn. Vả lại, việc cung cấp giống cho nhà vườn còn có một mục đích khác là khôi phục lại giống mãng cầu xiêm gốc: Loại này trái thơm ngon nhưng khó trồng và lâu có trái nên phần lớn người dân chuyển qua trồng giống Thái hoặc giống ghép bình bát. Hiện tại, công suất chế biến mãng cầu xiêm cô đặc khoảng 20 tấn/tháng, chúng tôi dự kiến tăng năng suất lên 50 tấn/tháng. Do đó, song song với việc tìm kiếm thêm thị trường, một mặt chúng tôi cũng khảo sát vùng nguyên liệu từ các huyện khác ở Đồng Tháp và Bạc Liêu.

Xin cảm ơn ông!