Mặc dù chưa bắt giữ được Gaddafi và các con trai nhưng Tòa án hình sự quốc tế (ICC) đã ra cáo buộc Gaddafi vi phạm tội ác chiến tranh. Nhà lãnh đạo từng cai trị Libya suốt 42 năm bị nghi ngờ ra lệnh tấn công dân chúng trong cuộc bạo động tại Libya.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron đều đồng ý với kế hoạch xét xử Gaddafi ở Libya thay vì đưa ông ta tới Tòa án hình sự quốc tế ở Hague, Hà Lan. Trong khi đó, Hội đồng dân tộc chuyển tiếp (NTC) bày tỏ quan điểm, ông Gaddafi phải được xử công khai ở Libya.
Nếu bị bắt giữ, ông Gaddafi có nguy cơ đối mặt với án tử hình. |
Phát biểu trên báo Evening Standard, Thư ký phát triển quốc tế Anh ông Andrew Michell cho rằng: "Mọi người đang có những quan điểm khác nhau xung quanh việc có đưa ra bản án tử hình cho Gaddafi hay không. Tuy nhiên, đó là vấn đề của người dân Libya và chính quyền mới nước này”.
Đến nay, mặc dù phe nổi dậy trao giải thưởng 1,7 triệu USD cho ai có được đầu của ông Muammar Gaddafi nhưng vẫn chưa tìm ra tung tích chính xác Gaddafi đang ở đâu.
Trong khi đó, các nguồn tin ngoại giao ở LHQ cho biết cho đến nay đã có 60 nước công nhận NTC là cơ quan quyền lực hợp pháp của Libya.
Tuy nhiên, Liên minh Châu Phi (AU) tuyên bố chưa thể công nhận NTC là đại diện hợp pháp duy nhất của Libya khi chiến sự vẫn còn tiến diễn, đồng thời kêu gọi thành lập chính phủ chuyển tiếp với các đại diện đầy đủ của các bên ở Libya. Algeria cho biết sẽ công nhận các nhà lãnh đạo mới của Libya khi một chính phủ mới được thành lập.
Trung Quốc là nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ duy nhất chưa công nhận NTC, nhưng tuyên bố coi NTC là đối tác đối thoại quan trọng và duy trì các cuộc tiếp xúc chặt chẽ với NTC nhằm thúc đẩy tiến triển trong quan hệ Trung Quốc-Libya .
T.V