Dân Việt

Kỳ công cách trồng gừng gió trên gốc cây cổ thụ đã mục

Công Xuân 19/02/2017 19:30 GMT+7
Khi gừng gió được trồng trên những gốc cây lớn, cổ thụ đã bị gãy và mục chỉ còn lại phần nằm sát đất, phần mùn của gốc cây mục sẽ giúp gừng gió có thêm nhiều "thức ăn" hơn, nên sẽ lớn nhanh và củ cho mùi vị thơm, cay... ngon hơn rất nhiều.

Đặc sản gừng gió của đồng bào Kor, Ca Dong ở huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) với hương vị đặc biệt thơm, cay nhưng không quá nồng và hơi ngọt thanh được nhiều người biết đến. Không ít người mang giống gừng này về trồng ven nhà để sử dụng hoặc bán.

img

Gừng gió đang được gieo ươm để bán.

img

Việc trồng gừng gió trong vườn nhà vẫn cho vị thơm ngon vượt trội nhưng không bằng cách trồng truyền thống của đồng bào Kor, Ca Dong (huyện Tây Trà, Quảng Ngãi).

"Mặc dù vẫn cho củ với hương vị thơm ngon vượt trội hơn rất nhiều so với cùng loại vốn trồng phổ biến lâu nay, thế nhưng gừng gió trồng ở nơi khác kém rất xa so với cách trồng truyền thống khá đặc biệt của đồng bào Kor, Ca Dong", người dân Tây Trà khẳng định.

Nhiều già làng huyện Tây Trà kể: "Nơi trồng của loại gừng này không phải trực tiếp trên mặt đất ven bờ vườn, rẫy như thường thấy hiện nay, mà là trên gốc của những cây lớn, cổ thụ đã bị gãy và mục chỉ còn lại phần nằm sát đất".

img

Củ gừng gió đến thời kỳ thu hoạch.

Theo đó sau khi đào, bới để tạo một lỗ trên gốc bị mục, người dân đặt củ giống vào rồi dùng đất và mùn của chính cây này nằm rơi vãi xung quanh phủ lên trên một lớp mỏng, sau đó để tự nó phát triển, tạo bụi và trưởng thành.

"Với cách trồng này, phần mục (mùn) của gốc cây mục sẽ giúp gừng gió có thêm nhiều "thức ăn" hơn, nên sẽ lớn nhanh và củ cho mùi vị thơm, cay... ngon hơn rất nhiều so với chỉ trồng trên đất", già Hồ Văn Mua (68 tuổi, ở xã Trà Lãnh) giải thích.

img

Bới nhẹ để loại bỏ lớp đất mỏng phía trên để thu hoạch gừng gió.

img

Một củ gừng gió khá lớn.

Thời gian trồng gừng gió của đồng bào Tây Trà thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm. Sau khi trồng khoảng 5-6 tháng thì thu hoạch trên nguyên tắc: Cần dùng bao nhiêu thì chỉ nhổ mang về bấy nhiêu. Và bà con luôn chừa lại một ít để phát triển và tạo bụi lại, chứ không thu hoạch hết cả một lần.

Chính vì cách trồng khá kỳ công như vậy, cùng với tập quán lâu nay của cộng đồng thiểu số nơi đây nên số lượng gừng các gia đình trồng không nhiều, chỉ đủ để sử dụng trong gia đình.

Vì vậy dù giá bán tại chỗ của gừng gió không hề thấp, hiện khoảng 100.000 đồng/kg củ tươi nhưng không dễ để tìm mua loại đặc sản miền núi này.