Chính quyền Kim Jong-un thử tên lửa vào thời điểm hiểm hóc là để ngăn Trung Quốc ngả về phía Mỹ?
Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ Mỹ và các đồng minh của cường quốc số 1 thế giới để ủng hộ các lệnh trừng phạt bổ sung nhắm vào Triều Tiên 1 ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử tên lửa đạn đạo mới thành công.
Theo South China Morning Port, giới phân tích nhận định rằng, Bắc Kinh có thể sẵn sàng ủng hộ các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Bình Nhưỡng sau khi nước này phóng một tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào vùng biển Nhật Bản. Nhưng theo các nhà phân tích, những gì Bắc Kinh sẽ làm có thể rất hạn chế.
Người dân Hàn Quốc chăm chú theo dõi bản tin về vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên
Triều Tiên là đồng minh ruột của Trung Quốc nhưng trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tỏ ra cứng rắn hơn trước chương trình tên lửa hạt nhân của nước này bằng việc bỏ phiếu ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và lên án Bình Nhưỡng thử hạt nhân, tập trận khiêu khích.
Tuy nhiên, lần này, hơn 24 giờ sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên, đến nay Trung Quốc vẫn giữ thái độ im lặng, chưa có bất cứ bình luận công khai nào trước công chúng. Theo Reuters, động thái của chính quyền Bình Nhưỡng không bất ngờ và việc Trung Quốc im lặng cho thấy sự khó xử của nước này trước tình huống hiện tại.
"Các vấn đề Triều Tiên từ lâu đã đặt Trung Quốc vào tình huống khó xử. Việc duy trì sự tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng là xuất phát từ lợi ích của Trung Quốc. Nhưng Triều Tiên lại không bận tâm đến Trung Quốc. Trung Quốc không có giải pháp khả thi, ngoại trừ việc lặp lại những tuyên bố đã cũ... (yêu cầu tất cả các bên kiềm chế)", ông Liang Yunxiang, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh cho biết.
Tong Zhao, một nhà phân tích tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie Tsinghua thì bình luận, Trung Quốc thường nhanh chóng lên tiếng chỉ trích khi Triều Tiên thử hạt nhân nhưng khi nước này thử tên lửa thì khác, còn phụ thuộc vào loại tên lửa, và cách thức tiến hành phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng.
Hơn nữa, Triều Tiên thử tên lửa trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vừa có dấu hiệu tan băng trong những ngày gần đây sau khi ông Trump tái khẳng định tôn trọng chính sách "một Trung Quốc" trong cuộc đàm thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình mà tân Tổng thống Mỹ mô tả là "rất ấm áp".
Theo đó, giới phân tích bình luận rằng, chính quyền Kim Jong-un muốn thông qua động thái trên để phá hoại quan hệ Trung - Mỹ vì biết rõ rằng, vấn đề Triều Tiên vẫn là một trong những nút thắt chưa thể gỡ giữa Bắc Kinh và Washington.
Ông chủ Nhà Trắng đã lên an vụ thử tên lửa của Triều Tiên và khẳng định "ủng hộ 100% các đồng minh khu vực" bao gồm Nhật Bản. Quan chức Mỹ giấu tên cho biết, chính quyền Trump có thể sẽ gia tăng áp lực lên Trung Quốc để yêu cầu nước này kiềm chế Triều Tiên. Trump từng cáo buộc Trung Quốc làm chưa đủ để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong một cuộc họp báo chung với tân Tổng thống Mỹ ở Florida đã cáo buộc vụ thử tên lửa là hành động "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi Triều Tiên tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, Hàn Quốc lên án động thái của Triều Tiên là nhằm "biểu dương lực lượng" và thử phản ứng của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa, kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Trump lên nắm quyền.
Sáng ngày 12.2, Triều Tiên bất ngờ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung mới. Tên lửa bay về phía đông đến vùng biển Nhật Bản khoảng 500km. Hiện chưa rõ chính xác tên lửa này được phóng thuộc loại nào. Trong thông điệp mừng năm mới 2017, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, nước này có thể phóng thử tên lửa bất cứ lúc nào và ở nơi nào. Chính quyền Tổng thống Trump khi đó cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa. |