Dân Việt

Lâm tặc liều lĩnh tấn công rừng giáng hương giá 100 triệu/m3

Ngọc Tấn 14/02/2017 06:01 GMT+7
Ở Gia Lai không đâu tập trung nhiều loài gỗ quý như rừng KBang, đặc biệt là trắc, huỳnh đàn (gỗ sưa) và giáng hương. Huỳnh đàn và trắc đến nay đã gần như tuyệt chủng, chỉ còn lại giáng hương. Tuy nhiên loại gỗ quý này cũng đang đứng trước nguy cơ biến mất bởi sự săn lùng ráo riết của lâm tặc…

Chỉ còn 298 cây?

Ở KBang trước những năm 1990 có thể nói “ra ngõ là gặp gỗ hương”. Có những khu rừng giáng hương mọc dày như thể là giang sơn riêng của chúng. Đồ gia dụng đóng bằng gỗ hương vốn là điều rất thông thường đối với người dân trên địa bàn…

Thế nhưng sau hơn 20 năm gỗ hương đã trở thành của hiếm, thậm chí đang được nâng lên mức cảnh báo tuyệt chủng. Giáng hương ở KBang hiện chỉ còn chủ yếu trên lâm phần Công ty Lâm nghiệp Krông Pa. Hơn 2 năm trước, tại địa bàn này còn 407 cây giáng hương nhưng chỉ trong 2 năm 2014 – 2015 đã có hơn 100 cây bị lâm tặc đốn hạ…

Ông Võ Ngộ - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Krông Pa cho biết: Từ tháng 1 đến tháng 11.2014, lâm tặc đã cưa hạ 73 cây. Tiếp đến, từ tháng 1 đến tháng 8.2015, lâm tặc tiếp tục cưa hạ thêm 28 cây.

img

  Hiện trường cây gỗ hương cổ thụ ở Krong Pa bị lâm tặc đốn hạ. ảnh: N.T

Thời gian gần đây, rừng gỗ hương vẫn liên tục bị lâm tặc xâu xé. Có đến 59 vụ cưa hạ gỗ hương xảy ra với gần 300m3 gỗ tròn bị thiệt hại. Điều đáng nói là trong số 59 vụ chặt trộm gỗ giáng hương này, Công ty chỉ phát hiện, bắt quả tang 9 vụ với 19 đối tượng…

Ông Trương Xuân Hinh - Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng Công ty Lâm nghiệp Krông Pa phân trần: Mặc dù lực lượng bảo vệ rừng trực ngày đêm nhưng chỉ cần lơ là một chút là thêm một cây gỗ hương bị mất. Những cây gỗ hương mất dần theo kiểu nhỏ giọt như thế này không có gì khó hiểu khi lực lượng bảo vệ rừng ở đây quá mỏng: Chỉ 16 người phụ trách đến 2 trạm gác cửa rừng và 9 chốt trọng điểm có gỗ hương trên tổng diện tích hơn 8.000ha…

“Mỗi chốt chỉ có một người, trong tay không tấc sắt, trong khi lâm tặc luôn sẵn sàng dùng hung khí chống trả. Nếu có gặp lâm tặc cũng chỉ biết gọi điện thoại cầu cứu. Đến lúc tập hợp được lực lượng, chúng đã cao chạy xa bay” - ông Hinh chia sẻ.

Ông Đinh Ích Hiệp-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện KBang cho biết: Gỗ hương giá thị trường hiện nay đã lên đến trên dưới 100 triệu đồng/m3 tùy kích cỡ. Điều này càng khiến lâm tặc lăn xả, liều lĩnh bất chấp pháp luật…

Trước tình trạng rừng giáng hương có nguy cơ xóa sổ, Tỉnh ủy Gia Lai đã chỉ đạo UBKT Tỉnh ủy kiểm tra, truy xét trách nhiệm Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện KBang. Tuy nhiên ông Võ Văn Phán - Chủ tịch UBND huyện KBang thì nói: Huyện đã làm hết cách! 

Cần hơn 10,4 tỷ đồng để giữ rừng hương

“Mỗi chốt chỉ có một người, trong tay không tấc sắt, trong khi lâm tặc luôn ở thế đông, sẵn sàng dùng hung khí chống trả. Nếu có gặp lâm tặc thì cũng chỉ biết gọi điện thoại cầu cứu. Đến lúc tập hợp được lực lượng đến nơi thì chúng đã cao chạy xa bay”.
Ông Trương Xuân Vinh

Rõ ràng là kiểu giữ rừng “cổ điển” đã không thể đối phó hữu hiệu với lâm tặc. Trước yêu cầu  phải bảo vệ bằng được những cây gỗ hương quý giá cuối cùng bằng biện pháp hữu hiệu, bền vững, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai đã xây dựng “Phương án quản lý, bảo vệ cây gỗ hương trên lâm phần Công ty Lâm nghiệp Krông Pa giai đoạn 2017 – 2021”. Nội dung phương án bao gồm hợp đồng thêm lực lượng, đầu tư xây dựng nhà trạm và trang thiết bị; khoán bảo vệ cho cộng đồng làng, nhóm hộ trên địa bàn… với tổng kinh phí 1.442 triệu đồng. Kinh phí bảo vệ trong năm 2017 được đề xuất riêng là 2.692 triệu đồng…

Ông Nguyễn Nhĩ - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai cho biết phương án đã trình UBND tỉnh từ tháng 11.2016 nhưng vẫn chưa được phê duyệt…

Gần 300 cây gỗ hương, 5 năm phải chi hơn 10 tỷ đồng để giữ, chưa tính các năm sau tất nhiên là tốn kém… Nhưng còn nhớ đầu năm 2016, tỉnh Kon Tum cũng đã phải chấp nhận chi hơn 20 tỷ đồng để xây tường bảo vệ rừng gỗ trắc ở Đăk Hà. Không thể nói rằng số cây giáng hương đó chặt bán đi chưa chắc đã bằng số tiền chi ra để bảo vệ…

Giáng hương là loài gỗ quý, là giống cây mang bản sắc rừng Tây nguyên; đồng thời là cơ sở để giữ nguồn gen  nhằm thực hiện các giải pháp khôi phục bền vững rừng, phục vụ nghiên cứu khoa học… Thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó nói đến rừng Tây Nguyên mà cái tên gỗ giáng hương chỉ còn là sự hoài niệm...