Đặc biệt, chủ trương của Đà Nẵng đang hướng tới là xây dựng tất cả các chợ hạng 2 là chợ đảm bảo ATTP; 100% chợ các hạng trên địa bàn quận huyện được kiểm soát ATTP. Bên cạnh đó, các mục tiêu 100% số khu dân cư xã phường quận huyện tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động và kiểm tra giám sát ATTP; 100% số hộ sản xuất nông nghiệp (sản xuất ban đầu nhỏ lẻ đã được thống kê) ký cam kết bảo đảm ATTP; 80% số hộ chế biến kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản và 80% số hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm được kiểm tra chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP.
Hiện nay, tại các vùng rau trên địa bàn Đà Nẵng đều có bảng tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Ảnh: Đại Nghĩa
Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp là tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông ATTP để nâng cao nhận thức của người sản xuất, trong đó có rau an toàn đáp ứng chủ trương “thành phố 4 an” của Đà Nẵng. Để làm được điều này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đà Nẵng đã phối hợp với các địa phương lắp đặt pano, khẩu hiệu tuyên truyền về ATTP tại các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, tại mỗi vùng sản xuất rau đều có pano tuyên truyền về ATTP với nhiều nội dung như “Hãy tự giác, phát giác, tố giác trong việc đấu tranh và bảo vệ thực phẩm an toàn”, “Sử dụng chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất thực phẩm là phạm pháp”…
Theo ngành nông nghiệp Đà Nẵng, bên cạnh việc tập trung kiểm tra kiểm soát thực phẩm sản xuất trên địa bàn, hiện nay thành phố đang đẩy mạnh liên kết tìm kiếm nguồn hàng cung cấp từ các tỉnh, ký kết với các doanh nghiệp, chủ vựa rau củ quả, thực phẩm, thủy sản cung cấp của các tỉnh thành nếu những nơi này đảm bảo các điều kiện ATTP, tổ chức dán tem kiểm định trên các sản phẩm để dễ dàng quản lý về nguồn gốc cũng như xuất xứ.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc đấu tranh loại bỏ thực phẩm bẩn là mối quan tâm hàng đầu của ngành nông nghiệp cũng như TP.Đà Nẵng trong năm nay.