Trong gameshow Ai là triệu phú, ứng viên có các quyền trợ giúp, trong đó có hỏi ý kiến khán giả trong trường quay và hỏi ý kiến 3 tư vấn. Thường thì ứng viên sẽ chọn câu trả lời theo số đông bởi lẽ số đông thường luôn đúng.
Nhưng đâu phải bao giờ cũng vậy, có khi tư vấn tại chỗ gồm 3 người đều sai hoặc phần trăm áp đảo của khán giả trong trường quay rốt cục cũng sai.
Nhưng đó là game show, còn trong đời thật thì sao, tôi xin dẫn chứng một trường hợp trong đó số đông lại sai, sai một cách chủ động chứ không phải vì thiếu hiểu biết.
Một học sinh lớp 2 bị xe ô tô đâm gãy chân.
Xe ô tô chở hiệu trưởng.
Để chạy tội, Hiệu trưởng phát phiếu thăm dò.
100% giáo viên xác nhận không có xe ô tô vào trường trong thời điểm học sinh gãy chân.
100% cán bộ nhà trường xác nhận như trên.
100% học sinh xác nhận như trên.
Sự việc cuối cùng chỉ được làm rõ khi có ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và kết quả điều tra từ cơ quan công an.
Trường tiểu học Nam Trung Yên, nơi xảy ra vụ việc.
Theo đó Công an Thành phố Hà Nội đã tìm được lái xe taxi chở cô hiệu trưởng gây ra tai nạn khiến cháu Trần Chí Kiên gãy xương đùi tại Trường tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội).
Thông tin được anh Trần Chí Dũng, phụ huynh của cháu Kiên cho biết sáng 14.2. Theo anh Dũng, vào ngày 10.2, Công an Hà Nội đã tìm ra lái xe taxi gây tai nạn cho cháu Kiên là ông Trần Quốc Tuấn (sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Theo lời bà Hoa- vợ người lái taxi, ngày 1.12.2016, chồng bà chở hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên và một cô giáo từ bệnh viện Việt Đức về trường.
Khi về tới trường, một trong 2 cô ngồi trên xe gọi cho bảo vệ mở cổng để ô tô đi vào. Khi xe đi vào đến sân trường thì đụng phải một học sinh, chính là cháu Kiên, con trai anh Dũng.
Sau đó, ông Tuấn xuống xe mở cửa cho cô giáo và cô này tới đỡ học sinh bị ngã còn cô hiệu trưởng thì đi thẳng vào trong. Sau đó, một cô giáo nói với ông Tuấn là không có việc gì cứ lái xe đi nên ông Tuấn đã lái xe đi.
Trước đó, anh Trần Chí Dũng, phụ huynh của cháu Kiên đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng khi con anh bị tai nạn gãy xương đùi phải phẫu thuật nẹp vít xương và các bác sĩ khẳng định phải có một lực tác động từ bên ngoài rất mạnh mới có thể gãy xương như vậy.
Bên cạnh đó, theo lời cháu Kiên thì cháu bị một chiếc ô tô đâm phải và theo như cháu nhớ thì trên xe có cô hiệu trưởng và một cô giáo khác. Tuy nhiên, nhà trường lại khẳng định con anh tự ngã trong giờ ra chơi chứ không phải do tai nạn.
Bà Tạ Thị Bích Ngọc luôn khẳng định vào ngày xảy ra tai nạn không có bất cứ chiếc xe nào vào trường. Ban giám hiệu nhà trường còn tổ chức hẳn một cuộc khảo sát ý kiến toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường để khẳng định, hôm đó không có chiếc xe ô tô nào đi vào trường và cháu Kiên ngã là do đùa nghịch, tự ngã trong giờ ra chơi.
Sau đó, công an Quận Cầu Giấy đã vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc. Tới ngày 6.2, trong cuộc họp giao ban với các sở ngành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhắc lại sự việc này và yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội cũng như Quận Cầu Giấy xem xét đình chỉ chức vụ của hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên trong lúc chờ điều tra làm rõ vụ việc.
Như vậy là một học sinh bị ô tô chở hiệu trưởng đâm gãy chân trong sân trường đã biến thành chuyện học sinh này tự ngã và bị gãy chân, bởi lẽ 100% con người ở ngôi trường này đều xác nhận không có xe ô tô vào trường.
Những thầy cô quay lưng lại với sự thật, quay lưng với tai nạn thương tâm của chính học trò mình, những thầy cô có nhiệm vụ trồng người mà “làm chứng dối” như vậy sẽ cảm giác như thế nào khi đứng trên bục giảng nói về sự thật về sự thật thà về đạo đức công dân?
Cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đứng về phía không phải 100%.
Một câu chuyện thật buồn và không biết kết luận như thế nào cho phải đạo bây giờ. Sự thật đã trở nên quý hiếm và khó khăn vậy sao?