Dân Việt

Giúp việc trộm đồ: Lỗi nhiều khi do chủ!

Bạn đọc Nguyễn Hà (Hà Nội) 15/02/2017 10:04 GMT+7
Những ngày qua, vụ một người giúp việc ở Huế lấy cắp 70 lượng vàng của chủ nhà đã khiến làn sóng dư luận mang tên “đối phó với người giúp việc” lại nổi lên…

Nói “lại nổi lên” vì đây không phải là lần đầu tiên, người giúp việc lấy cắp tiền, vàng với giá trị lớn của chủ nhà bị phát hiện.

Trên các diễn đàn mạng, người ta bắt đầu lục lại các bài viết về “chiêu trò” của người giúp việc; người ta bắt đầu chia sẻ hàng tá kinh nghiệm để “đối phó” với người giúp việc; Những màn than thở về người giúp việc, sau một đợt dịu xuống, lại nổi lên như cồn…

Và tôi tin chắc rằng, từ hôm qua đến hôm nay, hàng nghìn chị, cô, bà, bác giúp việc nhận thêm một ánh nhìn “khác lạ” của gia chủ mình…

Đừng vứt tiền, trang sức quý lung tung

Tôi đưa thông tin về vụ trộm ở Huế cho bác giúp việc nhà mình. Bác bức xúc. Nhưng bức xúc với người giúp việc to gan và táo tợn đã ăn cắp 70 cây vàng của chủ làm "mang tiếng giới giúp việc" một, bác bức xúc với chủ nhà 2,3 lần.

Tôi bảo: “Bác không thể bênh “đồng nghiệp” một cách mù quáng được. Vì rõ ràng ở đây là kẻ gian phạm pháp”.

img

Một số người giúp việc và tang vật tài sản trộm cắp của chủ nhà.   Ảnh: T.L

Bác đỏ mặt bảo tôi: “Bác không bênh đâu. Nhưng đi làm cả chục năm rồi bác biết. Nếu chủ nhà không phải cất tiền vào tủ mà là vào két sắt hoặc chỗ nào chắc chắn hơn thì có khi bà kia (người giúp việc) cũng không nổi máu tham mà lấy. Giờ thì tiền mất vì đã tiêu mà bà giúp việc cũng gánh tù tội”.

Có thể, trong sự việc này và nhiều sự vụ khác, tắt mắt, trộm cắp là bản chất của những đối tượng giúp việc này. Và vấn đề của gia chủ là đã không may mắn thuê nhầm phải “kẻ trộm” vào nhà. Nhưng ở góc nào đó mang tính đại trà, tôi thấy lập luận của bác giúp việc không phải là không có lý.

Lòng tham đôi khi giống tàn đóm, nó chỉ bùng lên khi có cơ hội…

Tôi nhớ, khi lần đầu tiên tôi tiện tay vứt chiếc lắc vàng trên bàn làm việc giữa nhà, bác giúp việc khi đưa lại cho tôi đã rất gay gắt. Lúc đầu, tôi hơi phật ý, vì nhà tôi, để đồ đạc thế nào đương nhiên là quyền của của tôi. Nhưng sau đó, tôi thấy lý do của bác hoàn toàn đúng. Bác nói: “Không chỉ là chuyện một mất mười ngờ, mà là nếu nhiều lần tiền, vàng cứ lù lù trước mặt thế, nói thật, làm sao mà biết được tôi có nổi lòng tham hay không”.

Từ đó, tiền bạc, túi xách đi làm, trang sức… tất cả những gì có giá trị lớn, tôi đều phải cố gắng cất kín đáo, gọn gàng và có kiểm soát. Không phải vì tôi không tin bác giúp việc của mình mà vì việc đó khiến cả bác và tôi đều thoải mái.

Hãy quan tâm hơn đến gia đình người giúp việc

Tôi nói không với camera, vì đã từng được nghe chuyện một bác giúp việc chuyển từ trạng thái “sốc” sang “bất cần” khi bất chợt một ngày phát hiện ra chủ lắp camera để theo dõi mình. Bác chỉ nghĩ đơn giản: “Nó coi mình là đứa ăn trộm nên mới phải cảnh giác thế!”.

Tuy nhiên, bù lại, không bao giờ tôi tìm người giúp việc không rõ nguồn gốc lai lịch. Tôi thường nhờ chính bạn bè, người thân của mình giới thiệu. Biết quê quán, gốc tích, lấy chứng minh thư để đăng ký tạm trú tạm vắng cho người giúp việc.

Và không hiểu các gia đình khác ra sao, nhưng gia đình tôi luôn tạo mối liên kết mật thiết với gia đình và người thân của bác giúp việc. Ngoài việc biết về thông tin, chuyện vui, chuyện buồn, sự cố trong nhà, người thân của bác giúp việc lên Hà Nội, gia đình tôi sẵn sàng mời vào nhà như khách đến chơi. Và ngược lại, khi có điều kiện, chúng tôi cũng ghé về nhà thăm bác và gia đình. Đó cũng là lý do tại sao, tôi có thể cho con mình về chơi ngày 2,3 ngày cuối tuần ở quê của bác giúp việc mà không phải lo lắng gì.

Trả lương, thưởng một cách khoa học

Về vấn đề đãi ngộ, gia đình tôi không dư giả, nhưng cũng chưa khi nào để giúp việc phải thiệt thòi. Chuyện công xá luôn được đem ra đối thoại hàng tháng để lắng nghe nguyện vọng của người giúp việc, trên cơ sở đó kịp thời điều chỉnh.

Những khó khăn về mặt tài chính của gia đình bác, bác cũng luôn chia sẻ cùng vợ chồng tôi và nếu có điều kiện, chúng tôi cũng luôn sẵn sàng giúp. Tôi không muốn, người giúp việc của mình rơi vào tình “cùng quẫn” về mặt tài chính mà mình không hề biết.

Bác giúp việc không đòi hỏi nhưng tôi tự mua bảo hiểm y tế cho bác và tăng lương theo định kỳ hoặc tăng thưởng khi bác làm tốt việc của gia đình.

Tất cả những vấn đề tôi viết chỉ nhằm chia sẻ những câu chuyện thực trong việc “quản lý” người giúp việc của mình. Đó không hẳn là kinh nghiệm và chắc chắn sẽ không đúng với nhiều gia đình.

Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ, trong khi đợi các luật định, chế tài hay cách thức quản lý từ các cơ quan chức năng, mỗi gia chủ cũng nên có những cách của riêng mình để việc thuê một người giúp việc trông con, trông nhà cho mình không phải trở thành nỗi lo lắng hay sự ám ảnh.

Bởi xét cho cùng, đây cũng đơn giản chỉ là mối quan hệ giữa con người với con người mà thôi.

Và tôi tin, khi tình yêu thương và sự tôn trọng của bạn được gửi gắm vào ai đó, điều bạn nhận lại, có lẽ sẽ không quá tồi tệ đâu!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Tít bài và các tít dẫn do Dân Việt đặt.