Băng ở Nam Cực đang ở mức nhỏ kỉ lục
Băng xung quanh Nam Cực đang ở mức nhỏ nhất sau nhiều năm chống chọi với sự ấm lên toàn cầu, theo dữ liệu ban đầu từ vệ tinh của Mỹ.
Băng nổi ở Nam Cực thường tan và có kích thước nhỏ nhất năm vào cuối tháng 2 (mùa hè của bán cầu Nam). Sau đó, nó sẽ tăng kích cỡ trở lại khi mùa thu lạnh đến.
Tuy nhiên, năm nay, băng ở Nam Cực chỉ rộng 2,28 triệu km vuông vào ngày 13.2, theo dữ liệu từ Trung tâm Băng tuyết Quốc gia Mỹ (NSIDC). Con số này đã phá kỉ lục 2,29 triệu km vuông ghi nhận vào ngày 27.2.1997.
Mark Serreze, giám đốc NSIDC, cho biết ông sẽ chờ đợi thêm kết quả đo trong vài ngày tới để xác nhận kỷ lục mới.
"Trừ khi một có một điều gì đó bất ngờ xảy ra, nếu không, chúng ta sẽ có kỉ lục băng nhỏ nhất ở Nam Cực", ông nói với Reuters. "Một số người nói rằng chuyện này thực tế đã xảy ra rồi. Tuy nhiên, chúng tôi muốn cẩn thận hơn bằng cách đợi còn số trung bình của 5 ngày rồi mới đưa ra kết luận".
"Trừ khi một có một điều gì đó bất ngờ xảy ra, nếu không, chúng ta sẽ có kỉ lục băng nhỏ nhất ở Nam Cực", giám đốc NSIDC cho biết
Trong những năm gần đây, diện tích trung bình của băng quanh Nam Cực có xu hướng mở rộng mặc cho sự ấm lên toàn cầu.
Nhiều người hoài nghi sự ấm lên toàn cầu thường lấy băng Nam Cực ra làm ví dụ bảo vệ luận điểm của họ. Một số nhà khoa học khí hậu khác lại cho rằng sự mở rộng của băng Nam Cực là do thay đổi gió và dòng hải lưu.
"Chúng tôi luôn nghĩ Nam Cực như một con voi đang ngủ chỉ mới bắt đầu tỉnh dậy", Serreze nói. "Có lẽ giờ nó đã thức tỉnh".
Nhiệt độ trung bình trên thế giới tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2016 - năm thứ ba liên tiếp. Các nhà khoa học khí hậu cho rằng sự ấm lên toàn cầu đã gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa lớn và làm tăng mực nước biển.