Dân Việt

Dân không góp vốn vì mất niềm tin

05/09/2011 22:45 GMT+7
(Dân Việt) - Công trình cấp nước sinh hoạt xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ được khởi công xây dựng từ tháng 10.2009, nhưng đến nay đã gần 2 năm, công trình vẫn ì ạch chưa thể đưa vào sử dụng. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó thiếu sự góp vốn của người dân, nhưng lý do thì cũng rất đang xem xét...

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Đức Nhân có tổng mức đầu tư 7,646 tỷ đồng Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng Quý Đạt (thị xã Hồng Lĩnh) và Xí nghiệp Xây dựng tư nhân Đức Hào liên doanh xí nghiệp Thành Công (TP. Hà Tĩnh).

img
Hàng trăm hộ dân ở Đức Nhân ngày ngày phải lọc nước nhiễm phèn để sinh hoạt, nguy cơ mắc các căn bệnh hiểm nghèo là rất lớn.

Từ sự không rõ ràng

Theo đúng kế hoạch, công trình phải hoàn thành vào tháng 10.2010 nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 800 hộ dân với 3.024 nhân khẩu của xã. Như vậy việc thi công đã chậm tiến độ gần 1 năm.

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi thấy công trình đã cơ bản hoàn thành với các hạng mục như hệ thống nhà máy nước đầu nguồn; đường ống chính và một số đường ống phụ...

Ông Hoàng Xuân Việt - Chủ tịch UBND xã Đức Nhân cho biết, lý do dẫn đến thi công công trình chậm tiến độ ngoài yếu tố khách quan do khảo sát chậm trễ, gặp mưa lũ, quy hoạch đường sá... đã ảnh hưởng đến thi công của các nhà thầu, thì nguyên nhân chính là do vốn đối ứng từ phía người dân không kịp thời.

Cũng theo ông Việt, chính quyền xã đang gặp khó khăn bởi, nguồn vốn Nhà nước cấp cho công trình là 75% (hơn 4,25 tỷ đồng), đến nay đã được giải ngân nhưng còn phần vốn đối ứng từ dân đóng góp 25% (2,268 tỷ đồng) thì chưa hề thu được đồng nào, dù cho chủ đầu tư liên tục gửi thông báo yêu cầu xã chuyển tiền đối ứng để các nhà thầu hoàn tất các hạng mục còn lại và bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

Nhưng để cụ thể với dân khi thu tiền, UBND xã có yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ, danh sách để có cơ sở cho dân tin mà đóng góp, thì phía chủ đầu tư lại không cung cấp hồ sơ dự toán, vì thế khi xã đi thu tiền dân đã không nộp.

Dân mất niềm tin

Trước tình hình này, phía chủ đầu tư đã phải "hạ giá" xuống từng nấc từ số tiền đối ứng phải đóng góp là hơn 2,268 tỷ đồng nay hạ xuống còn 1,559 tỷ đồng, song người dân vẫn không nộp. Cho đến ngày 17.3.2011, phía chủ đầu tư lại tiếp tục thông báo "hạ" mức thu xuống còn hơn 1,199 tỷ đồng.

Nhiều người dân ở Đức Nhân thẳng thắn: Sở dĩ đến bây giờ chúng tôi chưa đóng tiền đối ứng là vì thấy công trình thi công bữa làm bữa bỏ, nói 1 năm là xong nhưng đến nay đã gần 2 năm ì ạch mãi vẫn không xong. Chúng tôi không đồng ý đóng mỗi hộ 3 triệu đồng để xây một công trình rất mập mờ, không rõ ràng như vậy...

Bình Định: Gần 13.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, hiện có gần 13.000 hộ dân trong tỉnh thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là các huyện miền núi và vùng ven biển. Nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp trong những tháng qua nên nhiều sông, suối ở tỉnh Bình Định xuống thấp, một số nơi khô kiệt.

Dù công trình chưa bàn giao sử dụng nhưng nhà làm việc mới xây đã bị nứt nẻ từng đoạn dài; nắp cống thoát nước bằng xi măng vỡ vụn từng tấm nham nhở; hàng rào đoạn có đoạn không...

Ông Nguyễn Viết Nhất - Giám đốc Trung tâm NSH&VSMTNT Hà Tĩnh (chủ đầu tư), khẳng định công trình chưa bàn giao nên nếu có hư hỏng sẽ yêu cầu phía nhà thầu gia cố lại. Còn về việc thu tiền đối ứng, theo ông Nhất, là do có sự thay đổi trong quá trình thực hiện, về thông báo thứ nhất chủ đầu tư lập theo hồ sơ thiết kế, thông báo thứ 2 lập theo khối lượng bỏ thầu và thông báo số 3 theo khối lượng thực làm.

Ông Nhất cho hay, trong mỗi thông báo gửi cho xã đều có văn bản nghiệm thu sơ bộ khối lượng công việc và số tiền đã thực hiện... Nhưng trên thực tế, việc nghiệm thu không có chữ ký của đơn vị giám sát hay nhà thầu, chính quyền xã mà chỉ là một bảng biểu do chủ đầu tư tự lập và tự nghiệm thu (?!)