Không ít lần xổ số truyền thống tố Vietlott “lấn sân”
Tố người “lấn sân”, nhưng mình đã minh bạch?
Kể từ khi thức xổ số điện toán Vietlott chính thức xuất hiện tại Việt Nam, các công ty xổ số kiến thiết tại nhiều địa phương khu vực phía Nam từng có vài lần lên tiếng phản ánh vi phạm của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam, bao gồm: một số hộ kinh doanh, đại lý in sẵn các số dự thưởng về bán tràn lan trên địa bàn một số tỉnh, thành chưa triển khai lắp đặt thiết bị đầu – cuối, làm thất thu ngân sách địa phương; vé số điện toán in sẵn được đưa đi bán dạo, làm mất đi quyền tự chọn của người mua vé; giá bán dạo nhiều nơi vượt mệnh giá 2.000 đồng/vé; quảng bá sản phẩm với cụm từ “xổ số kiểu Mỹ”; dùng truyền thông để phát triển thị trường, tuyển dụng đại lý với nội dung thiếu khách quan, trung thực.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến ngày 31.12.2016, cả nước có tới 379 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định. Trong số này, riêng lĩnh vực xổ số có 28 trên tổng số 64 doanh nghiệp tại các địa phương chưa thực hiện công bố thông tin. Nổi bật trong số đó là những cái tên như Xổ số kiến thiết TP.HCM, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Bạc Liêu... Đây đều là những doanh nghiệp xổ số truyền thống tại khu vực phía Nam có quy mô doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Đối với những doanh nghiệp còn lại, hầu hết các doanh nghiệp xổ số, bao gồm cả Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) đều không công bố đủ thông tin theo yêu cầu. Cụ thể, các đơn vị chỉ công bố từ 3 đến 5 hạng mục trên tổng số 9 hạng mục. Nhiều doanh nghiệp xổ số truyền thống tại các địa phương cũng chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính những năm gần đây, như Quảng Ninh, Nam Định, Lạng Sơn...
Vietlott hiện cũng mới công bố đủ 3 trên tổng số 9 hạng mục yêu cầu, riêng báo cáo tài chính mới công bố báo cáo năm 2015 dưới dạng rút gọn. Các báo cáo khác như kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm (2016 - 2020), kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất, cơ cấu tổ chức và các báo cáo đánh giá kết quả triển khai một số hoạt động, chưa được đơn vị này công bố.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế (Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính), với sự xuất hiện của Vietlott, cùng các yêu cầu, đòi hỏi từ nền kinh tế thị trường thì công ty xổ số kiến thiết cần phải công khai thông tin. Điều này sẽ tăng thêm lòng tin của khách hàng, thu hút thêm nhiều người chơi. Nguồn tiền các địa phương thu được từ hoạt động kinh doanh xổ số sẽ nhiều hơn, từ đó các địa phương có thể chủ động hơn trong việc đầu tư cho các công trình, dự án.
“Các công ty xổ số kiến thiết cần công bố doanh thu, chi phí, cũng như số tiền nộp vào Ngân sách Nhà nước. Từ đó, giúp hoạt động xổ số kiến thiết nói riêng và hoạt động vui chơi có thưởng nói chung trở nên công khai, minh bạch”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Xử phạt những DNNN không công bố thông tin
Theo quy định, các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, các công ty con do doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ phải công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, đồng thời gửi các báo cáo công bố thông tin về cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Kế hoạch & Đầu tư để thực hiện công bố thông tin.
Việc minh bạch thông tin doanh nghiệp là đòi hỏi của thị trường
Về việc xử lý trách nhiệm, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước sẽ áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo người quản lý doanh nghiệp trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về công bố thông tin và nội dung công bố thông tin không trung thực theo quy định.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải (Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam), hiện đã có chế tài xử lý vi phạm, nếu doanh nghiệp Nhà nước nào vi phạm chậm công bố thông tin hoặc công bố thiếu thông tin, công bố thông tin sơ sài thì phải xử lý thật nghiêm mới tạo được sức răn đe.
Ông Hải nói: “Giờ là lúc chúng ta phải hành động, phải xử nặng những doanh nghiệp nhà nước không thực hiện công bố thông tin”.
Điều 23 Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo người quản lý DN trong trường hợp vi phạm các quy định như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về công bố thông tin; nội dung công bố thông tin không trung thực theo quy định tại Nghị định này”. Điều 27 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT cũng quy định phạt tiền tối đa là 15 triệu đồng đối với DN vi phạm quy định về công bố thông tin. Trường hợp DN sau khi bị phạt vẫn tiếp tục vi phạm, cơ quan có thẩm quyền lập danh sách gửi chủ sở hữu là các bộ, ngành, địa phương đề nghị kỷ luật lãnh đạo quản lý DN theo các mức phạt từ cảnh cáo, hạ bậc lương,… đến đề nghị buộc thôi việc. |