Dù chưa thể xác định ai đúng, ai sai nhưng xem đi xem lại clip thầy giáo và nữ sinh đánh nhau ở trường THPT Tầm Vu, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang hôm 15.2, đó là một màn đấu đá không khoan nhượng. Những đòn thù ném về phía nhau không hề có chút nhân nhượng, như thể họ chưa từng là thầy trò. Như thể, đó không phải là những phút bộc phát. Mà là một khối căm giận dồn tích lâu ngày.
Ở bên dưới, những cô cậu học trò quay clip, cười tươi hứng khởi cổ súy. Như được xem một màn thượng đài miễn phí. Không hề nhớ rằng đó là một lớp học và những người “tham chiến” là thầy mình, bạn mình. Một clip như vậy, đủ khái quát cho một lớp học, có thể rộng hơn là một ngành giáo dục quay cuồng, thầy có còn là thầy, trò có còn là trò nữa.
Cảnh thầy giáo và nữ sinh đánh nhau tại trường THPT Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Ảnh: Cắt từ clip
Khó có thể bào chữa cho thầy giáo trong clip này, dù rằng có thể ông không chủ động ra tay trước. Nhưng có thể suy luận rằng vị thầy đã bất lực trước một học sinh cá biệt chăng. Đến mức, ông phải dùng thứ gọi là quyền uy của người đứng trên bục giảng. Một tâm thế sai lầm song khá phổ biến hôm nay. Trong bất cứ nền giáo dục tiến bộ nào, thầy cô giáo không phải và không nên cố biến mình thành một người lãnh đạo, vai trò của họ là những người truyền cảm hứng. Tố chất ấy được xây dựng trên một cái đầu tri thức và một trái tim bao dung.
Tôi cũng không tìm được lý do gì để bào chữa cho nữ sinh trong clip. Vì sự hung hăng mà cô này dành cho người thầy của mình. Có lúc, cô gái ở trong trạng thái thách thức. Kiểu sẵn sàng ăn thua đủ tới cùng với đối thủ, dù thực tế đối thủ chính là thầy mình. Hành động ấy, đi xa hơn một tư thế tự vệ. Đó cũng không phải là sự nổi loạn. Mà chính là sự thiếu đạo đức.
Nhìn những gì xảy ra, tôi thật sự tiếc nuối về những ngày xưa cũ. Nơi cô thầy chúng tôi là những người bao dung gần gũi. Nơi đám học trò không hề sợ cô thầy, mà lo sợ tình cảm thiêng liêng ấy bị tổn thương. Cô thầy chúng tôi không hề thiếu những đòn roi, thậm chí cả cây thước mét vụt vào mông những đứa học trò cá biệt. Nhưng đó là một sự dạy bảo rất tôn nghiêm và quan trọng là để cho học sinh cá biệt không cảm thấy bị xúc phạm, không mất đi niềm cảm hứng với trường lớp.
Bọn chúng tôi ngồi dưới, im phăng phắc nghe cô thầy vừa trừng phạt, vừa khuyên bảo kẻ bị phạt. Đó là những đòn roi mực thước, như đòn roi của mẹ cha, nhắc nhở chúng tôi khuôn phép làm người. Những đòn roi không hề uất ức, găm vào chúng tôi đến ngày hôm nay như những ký ức ngọt lành. Một tiến trình đi lên của xã hội, trong đó có sự đổi thay về giáo dục, đã đánh mất đi nhiều điều thiêng liêng xưa cũ. Thậm chí làm mai một tình thầy trò nguyên bản, như là một nét văn hóa của dân tộc.
Cả hai đều quyết ăn thua đủ với nhau. Ảnh: Cắt từ clip
Người thầy và cô học sinh trong clip hôm nay, có thể chỉ là hiện tượng cá biệt và không đại diện cho cả nền giáo dục. Nhưng nghịch cảnh khiến chúng ta trăn trở câu hỏi tại sao? Phải chăng là những tiết học nhàm chán không còn mang lại sự hứng khởi? Phải chăng những giáo trình rập khuôn đang trói buộc giáo viên “mang đến lại mang về” trong sự ù lì uể oải? Một nền giáo dục nặng bệnh thành tích, nặng hô hào khẩu hiệu đang khiến cả thầy lẫn trò phải chịu đựng nhau đến mức không thể kiềm chế?
Chúng ta hãy sòng phẳng với nhau rằng nền giáo dục đã biến dạng quá nhiều, mất đi quá nhiều. Một nền giáo dục dựa trên quyền uy. Nơi thầy cô giáo trở thành thế lực lãnh đạo và phụ huynh học sinh là những người yếu thế phải phục tùng. Nơi những người lãnh đạo ấy nghĩ nhiều cho quyền vị và lợi ích của mình. Đến mức hiệu trưởng trường tiểu học lập phiếu khảo sát đổi trắng thay đen sự thật. Rồi thêm một lá đơn của thuộc cấp xin lưu giữ hiệu trưởng, như thể đệ tử con nhang bảo vệ đàn anh đàn chị vậy.
Nền giáo dục đào tạo ra những học sinh nghèo nàn nhân văn nhưng dư thừa bạo lực. Lo sợ trước kẻ mạnh nhưng thích hà hiếp kẻ yếu. Bạo lực tràn lan, đánh bạn mình bằng những đòn thù tàn bạo nhất có thể nghĩ ra.
Chúng ta vẫn thường nhắc nhở nhau rằng giáo dục là rường cột, là nguyên khí quốc gia. Tương lai của đất nước tùy thuộc cả vào bản lề giáo dục hôm nay. Nhìn vào bức tranh hiện tại, không khỏi hoang mang tự hỏi rằng chúng ta đang nhào nặn những gì? Liệu, có phải chúng ta đang tát vào tương lai của chính mình?
Thêm những câu hỏi mà những con người kiến tạo nên ngành giáo dục không thể bàng quan!