Trận đấu giữa Long An - TP.HCM có thể xem là sự việc chưa từng có trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Cụ thể ở phút 80, khi tỷ số trận đấu giữa TP.HCM và Long An đang là 2-2 trên sân Thống Nhất, trọng tài Nguyễn Trọng Thư thổi phạt đền cho đội chủ nhà sau pha va chạm giữa Hoàng Lâm và Dyachenko trong vòng cấm.
Thủ môn Minh Nhựt quay lưng để mặc cú đá phạt đền. Ảnh cắt từ clip.
Ngay lập tức, Ban huấn luyện và các cầu thủ Long An phản ứng với quyết định nói trên của trọng tài, thậm chí thể hiện sự chống đối bằng cách đứng yên nhìn đội chủ nhà ghi thêm 2 bàn thắng nữa sau quả penalty.
Có thể nói đây là sự việc đáng xấu hổ, gây tổn thất nặng đến uy tín bóng đá Việt Nam. Không biết bao giờ người hâm mộ mới quên được “nỗi nhục” này.
Nhìn lại toàn bộ diễn biến trận đấu, có thể nói trọng tài đã bắt quá nặng tay với Long An. Những phát ngôn của phía Long An về trọng tài có thể có lý, thế nhưng, hành động của đội Long An lại khó chấp nhận nổi.
Long An xưa nay được xem là đội bóng giàu thành tích và từng là lá cờ đầu trong bóng đá Việt Nam. Đội bóng này được chuyển sang mô hình chuyên nghiệp từ khá sớm (2001).
Long An dưới thời của bầu Võ Thành Nhiệm muốn xây dựng một thứ bóng đá căn cơ, bài bản. Thế nhưng, trong cuộc đua về tiền bạc, Long An không được rủng rỉnh như nhiều đội bóng khác. Long An gần đây phải chật vật trụ hạng. Long An phải nhìn sang những đội bóng khác với sự dư dả về tiềm lực nên thấy “hờn, tủi” chăng.
Long An gần đây vào trận với tâm thế “hờn, tủi” đó nên khi cho là trọng tại Nguyễn Trọng Thư thổi ép tình huống nhạy cảm đó, Long An đã phản ứng một cách thái quá?
Cuộc sống không có 2 chữ "giá như" nhưng nếu có thể tôi vẫn ao ước một điều rằng, ngày hôm đó, nếu ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch VPF không "đứng hình" mà chạy nhanh xuống phía dưới thì tôi tin với một "công thần" đầy uy tín như ông Thắng, một lời nói của ông thôi cũng đã ngăn được sự việc đi quá xa, hậu quả nặng nề như hiện giờ. Nhưng rõ ràng, cuộc sống không có 2 chữ "giá như"...
Và như vậy, Long An đã sai nhưng chắc chắn một điều những diễn biến trên sân hôm đó và cả phản ứng của Long An VFF và VPF không thể không suy nghĩ và trăn trở.
Ông Võ Thành Nhiệm cùng ban huấn luyện đội Long An phản ứng trọng tài.
Việc ông Võ Thành Nhiệm - Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Long An xin lỗi người hâm mộ và từ chức cho thấy ông dám chịu trách nhiệm trước những hành động “giận quá mất khôn” của mình. Liệu rằng cá nhân “nhận tội” có giúp Long An đỡ bị “xử” nặng hơn?
Có một thực tế phải thừa nhận, trọng tài vẫn là khâu bê bối của bóng đá Việt Nam. Trọng tài Việt Nam quá yếu và thiếu.
Bóng đá thời gian qua bị chi phối quá nhiều. Không ai phủ nhận rằng đầu tư vào bóng đá là vì mục đích kinh doanh thế nhưng lại không thiếu những ông bầu không hiểu gì về bóng đá, đầu tư vào bóng đá đơn giản vì tiền và làm thương hiệu.
Bóng đá là bức tranh phản ánh xã hội. Bóng đá là sân khấu 4 mặt. Bóng đá làm sao mà trong sạch khi bị chi phối quá nhiều bởi tiền và bệnh thành tích.
Thực ra, đầu tư vào bóng đá dù gắn với mục đích kinh doanh nhưng vẫn cần cái tâm và lòng đam mê thực sự. Tiền gắn với bệnh thành tích “lên ngôi” khiến bóng đá Việt chỉ “ăn xổi ở thì”. Sự xuất hiện của những ông bầu ăn xổi đương nhiên sẽ đi kèm cả những tiêu cực.
Dù được người hâm mộ yêu mến đến độ nào nhưng thực tế, với những lùm xùm thời gian qua, bóng đá Việt đã và đang đánh mất niềm tin. Để thúc đẩy một thứ bóng đá tinh khiết, cống hiến thì cần có sự vào cuộc và chỉ đạo sát sao từ những cơ quan cao hơn chứ chỉ ý chí của cấp Bộ thôi e rằng chưa đủ.