Khu tượng đất nung giả ở tỉnh An Huy.
Sau hơn 2.000 năm bị chôn vùi dưới đất, giờ là lúc để đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng đứng dậy đòi lại công lý theo đúng nghĩa. Đơn vị bảo tồn lăng mộ Tần Thủy Hoàng và đội quân đất nung vừa tuyên bố ngày 20.2 rằng sẽ khởi kiện hàng loạt đơn vị quản lý tượng giả kém chất lượng ở tỉnh An Huy và nước Bỉ.
Tháng trước, chính quyền tỉnh An Huy hân hoan giới thiệu khu tượng mới mô phỏng như thật đạo quân đất nung nổi tiếng. Phí vào cửa là 120 tệ (khoảng 400.000 đồng) và mô tả là “không cần tới Tây An cũng được ngắm tượng đất nung”. Tại khu tượng đất nung thật ở Tây An, giá vé vào cửa là 150 tệ.
Khu giải trí này trưng bày tượng không khác gì "đồ thật".
Tượng đất nung Tần Thủy Hoàng là một di chỉ khảo cổ có giá trị văn hóa, lịch sử rất lớn. Theo các nhà sử học, tượng được tạo ra bằng đất nung với mục đích gửi đội hầu hạ Tần Thủy Hoàng sau khi ông qua đời. Tượng được vô tình tìm thấy hồi thập niên 1970 khi một nông dân đang đào giếng. Mỗi bức tượng có một diện mạo, cử chỉ, nét mặt khác nhau và kích thước cũng khác.
Đơn vị quản lý khu di tích thật cho rằng tỉnh An Huy đã “vi phạm bản quyền trí tuệ”. Dù vậy, giám đốc công viên tượng giả, nói: “ Chúng tôi sắp xếp tượng theo thứ tự khác nhau và có tô điểm bên ngoài bằng câu khẩu hiệu hiện đại. Không thể nói đây là một phiên bản sao chép khu mộ ở tỉnh Thiểm Tây được”, CEO Yin Zhaoping nói.
Tượng giả có hình dáng, biểu cảm như tượng thật.
Tại Bỉ, tượng đất nung Tần Thủy Hoàng giả được trưng bày ở sân ga Liege trong một triển lãm đề cập tới hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. Tại đây, 250 tượng giả được trưng bày. Cách đây 2 tháng, một khu vực giải trí đắp tượng giả cũng bị chính quyền thành phố Tây An yêu cầu phá hủy. Nhiều du khách sau khi tới khu giải trí này bày tỏ sự thật vọng vì tượng không đẹp và hoành tráng như tưởng tượng.