Dân Việt

Nâng chất sản phẩm nông nghiệp để không thua trên sân nhà

Hải Đăng 22/02/2017 16:20 GMT+7
Đó là chỉ đạo của ông Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại hội nghị đánh giá công tác phối hợp giữa Bộ NNPTNT và UBND TP.Hà Nội vừa được tổ chức.

Phấn đấu 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

img

Nuôi cá thương phẩm đang mang lại thu nhập cao cho người dân xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa (Hà Nội).  Ảnh:  H.Đ

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ phấn đấu nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 35 – 40%”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội
Hoàng Trung Hải

Đến nay, Hà Nội được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2016, toàn thành phố có thêm 54 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã về đích lên 255/386 xã, chiếm 66,02%. Về cấp huyện, đến nay Hà Nội có 2 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM là Đan Phượng và Đông Anh.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay Hà Nội đã xây dựng được 22 vùng rau an toàn với diện tích hơn 5.000ha, 25 vùng lúa hàng hóa với diện tích hơn 2.700ha, 14 vùng trồng cây ăn quả giá trị kinh tế cao với diện tích hơn 15.500ha, 10 vùng sản xuất hoa cây cảnh với diện tích 2.700ha. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 14 triệu đồng năm 2011 tăng lên 36 triệu đồng năm 2016.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết: “Năm nay, thành phố sẽ tập trung triển khai tái cơ cấu nông nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT, phát triển HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012. Đặc biệt, năm 2017 thành phố đặt mục tiêu Hà Nội có vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu mỗi huyện, thị xã có 1 điểm, mô hình ứng dụng công nghệ cao”.

“Nhiều địa phương đã xây dựng được các thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp như cam Kim An, bưởi Diễn, phật thủ Hoài Đức... Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục phát triển theo hướng này, không chỉ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội mà còn xuất khẩu. Về xây dựng NTM, năm 2017, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 22 xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 có trên 80% xã đạt chuẩn NTM” – bà Hằng nêu rõ.

Nâng chất để không thua trên sân nhà

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, năm 2016 tăng trưởng nông nghiệp của thành phố đạt 2,21%, cao hơn bình quân cả nước, tuy vậy mục tiêu đặt ra của thành phố là 3,5 – 4%. Hơn nữa, hiện nay sản phẩm nông lâm sản thực phẩm sản xuất tại chỗ mới đáp ứng 69% nhu cầu thị trường Hà Nội nên dư địa phát triển còn rất lớn. Đến nay dù thu nhập bình quân nông nghiệp đạt 239 triệu đồng/ha nhưng người dân vẫn chưa giàu. Toàn thành phố có 3,7 triệu dân sống ở nông thôn, trong đó chỉ có 27% làm nông nghiệp và thu nhập từ nông nghiệp.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, hiện giá trị nông nghiệp công nghệ cao mới chiếm thấp, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đạt được rất thấp. “Nông nghiệp Hà Nội nếu không tính đến xuất khẩu là thất bại vì cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nông sản các nước ngay trên địa bàn thành phố. Ví dụ như rau muống Thái Lan cạnh tranh với rau muống Thanh Trì, Phúc Thọ. Nếu không nâng chất lượng sản phẩm thì chúng ta có nguy cơ thua ngay trên sân nhà” – Bí thư  Hoàng Trung Hải nói.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Với kết quả mà Hà Nội đã đạt được trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời gian vừa qua, tôi đề nghị thành phố xác định xây dựng nền nông nghiệp Hà Nội là nông nghiệp dẫn dắt, nông nghiệp đầu tàu, nông nghiệp lan tỏa, không chỉ ở vùng Thủ đô mà còn là trung tâm đồng bằng sông Hồng và mang tầm quốc tế. Trong đó nền nông nghiệp phải thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, là cơ sở để thúc đẩy hai ngành kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Đối với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hà Nội cần cố gắng tận dụng vị trí địa lý, địa kinh tế, địa sinh học và thị trường”.

Bộ trưởng Cường gợi ý, trong chăn nuôi, thủy sản cần đẩy mạnh hơn về cơ cấu giá trị và xác định mục tiêu, cố gắng nhằm vào phân khúc cao nhất. Trong trồng trọt, khai thác cho được 3 tiểu vùng đồi gò, đồng bằng và vùng trũng. Ví dụ, vùng đồi gò tập trung vào cây ăn quả, nhất là có múi vì Hà Nội có nhiều loại gen quý như bưởi Phúc Thọ, bưởi đường Quế Dương (Hoài Đức); vùng trũng phát triển thủy sản, trồng sen gắn với du lịch sinh thái…