Xung quanh khu vực cưỡng chế, các rào chắn được lực lượng chức năng dựng lên dày đặc, việc tiếp cận hiện trường của PV cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, vào khoảng 8 giờ 30 phút sáng ngày 23/2, các cơ quan chức năng quận Tây Hồ đã cưỡng chế, di dời các các nhà nổi, du thuyền tại khu vực đầu đường Nguyễn Đình Thi (Hà Nội).
Để thực hiện việc cưỡng chế, đường Nguyễn Đình Thi ven hồ Tây đã bị cấm, do trùng với giờ cao điểm buổi sáng nên rất nhiều tuyến đường xung quanh khu vực này đã bị ùn tắc nghiêm trọng.
Đơn vị cưỡng chế bao gồm UBND phường Thụy Khuê và các cơ quan chức năng của quận Tây Hồ và các sở ngành chức năng của Tp Hà Nội.
Trước đó UBND quận Tây Hồ đã ban hành kế hoạch về việc tháo dỡ các công trình vi phạm, di dời toàn bộ phương tiện thuỷ kinh doanh sai phép trên Hồ Tây. Quận sẽ tổ chức tháo dỡ các bến nổi, nhà chờ, phá dỡ toàn bộ các cầu dẫn, sàn cứng và xây dựng, lắp đặt lan can tại khu vực từ số 2 đến số 10 phố Nguyễn Đình Thi (phường Thụy Khuê), thời gian thực hiện ngay trong tháng 2/2017.
Tổ chức di chuyển toàn bộ các phương tiện thủy nội địa, các phương tiện nổi tạm thời về khu vực tập kết tại khu vực Đầm Bẩy (phường Nhật Tân), thời gian thực hiện xong trước ngày 10/3.
Việc cưỡng chế các nhà nổi, du thuyền tại bến thủy Hồ Tây là công khai, minh bạch tuy nhiên theo ghi nhận của PV tại hiện trường, rất nhiều PV, cơ quan báo chí khi đến tác nghiệp tại đây đã bị ngăn cản, cấm đường từ xa không cho tiếp cận khu vực cưỡng chế.
Trao đổi với báo chí về việc cản trở phóng viên trong khi Đài truyền hình Hà Nội vẫn được vào tác nghiệp, ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết đây là chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
“Về việc tác nghiệp của phóng viên, các phóng viên vẫn có thể tác nghiệp được ở bên ngoài hàng rào. Đến giờ nghỉ trưa chúng tôi sẽ mời các phóng viên vào trong để tác nghiệp", ông Hoàng cho biết.
Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh nhà nổi, du thuyền trên Hồ Tây lại khẳng định việc kinh doanh trên mặt nước của họ đã được chính quyền địa phương thỏa thuận cho phép nên cần có giải pháp phù hợp đối với họ.
Theo ông Vượng đại diện công ty Potomac (một đơn vị kinh doanh nhà nổi, du thuyền trên Hồ Tây), việc cưỡng chế nhà nổi, du thuyền trên Hồ Tây là có phần vội vã bởi trong giai đoạn này các doanh nghiệp đang thưc hiện làm báo cáo theo yêu cầu tại Thông báo số 38 của UBND TP về quá trình hoạt động kinh doanh, nguồn gốc xuất xứ tàu thuyền, phương tiện nổi, giá trị ban đầu, giá trị sau khấu hao, số lượng lao động… theo đúng quy định trong tháng 2/2017. Vậy mà chưa hết tháng 2, UBND phường Thụy Khuê lại ra quyết định cưỡng chế.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn (Đại diện Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây) bày tỏ: "Chúng tôi sẵn sàng chấp hành chủ trương Hà Nội, năm ngoái là tưởng di dời về bến mới tại Đầm Bảy nhưng giờ chính quyền lại ra quyết định xóa bỏ nhà nổi, du thuyền khỏi Hồ Tây. Chúng tôi kiến nghị xem xét tài sản trên Hồ Tây của doanh nghiệp để được hỗ trợ, đền bù cho xứng đáng bởi có những doanh nghiệp bỏ toàn bộ vốn liếng gia đình, nếu hiện nay bị cưỡng chế, thì không biết lấy đâu mà trang trải nợ nần".
PV bị ngăn cản không cho tiếp cận hiện trường khu vực cưỡng chế.
Nhiều tuyến đường xung quanh khu vực cưỡng chế rơi vào cảnh ùn tắc
Phía bên trong hàng rào, công nhân điện lực tháo dỡ hệ thống điện dẫn ra các du thuyền.
Lực lượng chức năng huy động gàu, máy xúc tới hiện trường để cưỡng chế.
Hàng trăm người cùng tham gia công tác cưỡng chế tại nhà nổi, du thuyền trên hồ Tây.
Cơ quan chức năng sẽ tổ chức tháo dỡ các bến nổi, nhà chờ, phá dỡ toàn bộ các cầu dẫn, sàn cứng và xây dựng, lắp đặt lan can tại khu vực này ngay trong tháng 2/2017.
Ông Vượng (đại diện công ty Potomac, một đơn vị kinh doanh nhà nổi, du thuyền trên hồ Tây) cho rằng quyết định cưỡng chế của UBND phường Thụy Khuê là có phần nôn nóng, vội vã.